Vì sự nhầm lẫn của Chi cục Thuế quận 1 mà Công ty cổ phần thương mại Nguyễn Kim phải đăng quảng cáo trên báo nói lại với khách hàng, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp này - Ảnh: Thuận Thắng |
Ngày 27-7, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Cục Thuế TP.HCM phải xin lỗi các DN bị bêu tên oan. Điều ngạc nhiên là dù hàng loạt DN không nợ thuế ở các địa phương khác, trong đó có Hà Nội cũng bị đưa vào danh sách này nhưng không được Bộ Tài chính đề cập với lý do không nghe DN phản ảnh.
Ngược lại, phía ngành thuế TP.HCM cũng bức xúc cho biết đã báo cáo danh sách những DN bị bêu tên oan cho Tổng cục Thuế nhưng cơ quan này lại chậm xử lý.
DN phải tự... thanh minh
Một tuần sau khi bị liệt vào danh sách nợ thuế, dù đã đối chiếu số liệu với cơ quan thuế để chứng tỏ không nợ thuế, sáng 27-7 Công ty CP thương mại Nguyễn Kim phải đăng báo giải thích về sự cố này. “Chúng tôi khẳng định thông tin DN nợ thuế là hoàn toàn sai sự thật. Nguyên nhân dẫn đến thông tin sai lệch đáng tiếc là do lỗi hệ thống mạng. Chúng tôi đã đề nghị cơ quan thuế đính chính thông tin”, thông báo viết. Đính kèm là thư xin lỗi của Chi cục Thuế quận 1.
Không chỉ Nguyễn Kim, nhiều DN như Công ty CP kinh doanh địa ốc Him Lam, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát đã phải công bố thư mời đến dự hội nghị tuyên dương tổ chức và cá nhân hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp thuế như một minh chứng cho việc không thiếu nợ thuế.
Được biết trước đó, Chi cục Thuế quận 1 đã rà soát và gửi danh sách 33 DN có số nợ thuế lớn cho Cục Thuế TP để nơi này tổng hợp gửi cho Tổng cục Thuế. Sau đó, Tổng cục Thuế chọn lọc lại và chỉ đưa 24 DN vào danh sách 600 DN có nợ thuế lớn. Tuy nhiên, sau khi danh sách được công bố, nhiều DN đã khiếu nại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Chi cục Thuế quận 1 cho biết đã lấy danh sách DN dựa vào dữ liệu trên hệ thống quản lý thuế tập trung. Tuy nhiên do hệ thống bị lỗi, dữ liệu chưa được cập nhật kịp thời nên đã dẫn đến sai sót.
“Cơ quan thuế nhận thấy việc công bố sai tên DN nợ thuế đã ảnh hưởng đến uy tín của DN nên đã mời DN lên giải thích, đồng thời gửi thư xin lỗi. DN cũng đã chấp nhận” - vị đại diện này nói và cho biết đã có văn bản đề nghị Tổng cục Thuế đưa những DN bị nêu tên sai ra khỏi danh sách DN nợ thuế từ cuối tuần trước. Thế nhưng đến nay, nhiều DN nợ thuế oan phản ảnh vẫn chưa được Tổng cục Thuế rút tên ra khỏi danh sách.
Phải đăng báo xin lỗi DN nợ thuế oan
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện Cục Thuế TP.HCM ngạc nhiên cho biết không hiểu sao việc rút tên những DN bị nợ thuế oan khỏi danh sách đã công bố trước đó lại chậm trễ như vậy.
“Tổng cục Thuế muốn đợi danh sách từ các địa phương để điều chỉnh một lần nhưng theo tôi, như vậy là không cần thiết vì mỗi địa phương là một bản kê độc lập. Nếu cơ quan thuế sai sót thì nên cầu thị và điều chỉnh sớm cho DN” - ông này nói. Cũng theo vị đại diện này, thống kê mới nhất cho thấy có 24 DN trong tổng số 200 DN bị công bố tên trên địa bàn TP bị nợ thuế oan.
“Phần mềm quản lý thuế tập trung được Tổng cục Thuế xây dựng và áp dụng cho toàn ngành, về lý thuyết rất hiện đại nhưng khi đưa vào ứng dụng lại xuất hiện hàng trăm lỗi. Do vậy, thay vì tiết kiệm được thời gian, cán bộ thuế vất vả hơn do phải làm thủ công, đối chiếu mấy loại sổ nợ. Công việc nhiều trong khi thời gian ít nên đã phát sinh sai sót” - vị đại diện này nói.
Cũng theo ông này, xảy ra sự việc như vậy cơ quan thuế cũng “nghĩ ngợi” với DN vì dù đã được cơ quan thuế xin lỗi nhưng sự việc này phần nào cũng ảnh hưởng đến uy tín của DN.
Theo một số chuyên gia, nếu như theo giải thích của ngành thuế là “lỗi phần mềm”, việc xảy ra sự việc DN bị nêu tên oan vừa qua có phần lỗi của cơ quan quản lý ngành thuế, cụ thể là Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế do đã đưa vào áp dụng một chương trình quản lý quá nhiều sai sót. Từ đó kéo theo hệ lụy DN không nợ nhưng vẫn phải nhận “trát” với những lời lẽ đầy tính răn đe đại loại như “nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế, thậm chí bị công bố công khai tên tuổi”...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - nói việc cơ quan thuế gửi thư xin lỗi DN chỉ có DN biết.
Trong khi đó, DN bị công bố tên DN trên trang web của Tổng cục Thuế “cả nước” biết làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hình ảnh của DN vì thật sự DN không nợ thuế. “Theo tôi, ngoài việc gửi thư xin lỗi, chính cơ quan thuế phải đăng báo xin lỗi DN chứ không phải vừa bị nêu tên oan mà DN lại mất tiền đăng báo để chứng minh mình không nợ thuế” - ông Xoa nói.
Lỗi ngành thuế, DN phải chịu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một công ty dịch vụ thuế cho biết câu chuyện cơ quan thuế ghi nhận nợ thuế sai của DN không phải bây giờ mới xảy ra mà có từ nhiều năm trước. Thông thường, khi gặp tình trạng như vậy, DN phải lên cơ quan thuế xin đối chiếu số liệu, đi lại nhiều lần, thậm chí là xin xỏ để được sớm điều chỉnh.
Ông này cho biết từng xử lý một trường hợp đã đối chiếu xong nợ thuế, DN yên tâm ra về nhưng sau đó cần chuyển lợi nhuận thì không được cấp phép với lý do còn nợ thuế. Tá hỏa, DN này đem giấy tờ đến cơ quan thuế mới biết dù đã đối chiếu xong nợ thuế nhưng cơ quan thuế chưa điều chỉnh trên hệ thống.
Theo luật sư Trần Xoa, tình trạng sai sót thuế rất phổ biến do chương trình quản lý thuế khá phức tạp, DN chuyển nhầm tiểu mục, chuyển lộn tài khoản...
Trước đây, cơ quan thuế đã có sáng kiến khắc phục tình trạng này là lập các kios thuế, tức cơ quan thuế cấp cho DN một tài khoản để truy cập vào hệ thống để xem thông tin nợ thuế của DN mình. Nhiều DN cho biết đã đăng ký rồi nhưng sau đó lại rơi vào im lặng do cơ quan thuế không triển khai tiếp. Theo ông Xoa, nếu chương trình này đi vào thực tế, tình trạng sai thông tin về nợ thuế của DN sẽ được khắc phục nhanh chóng.
Hà Nội: hàng chục doanh nghiệp bị bêu tên nợ thuế oan Chiều 27-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho biết qua rà soát và đối chiếu, cơ quan này đã phát hiện một số DN trên địa bàn bị sai lệch thông tin, trong đó một số DN không nợ thuế vẫn có tên trong danh sách 600 DN nợ thuế vừa được Bộ Tài chính công bố. Vị này cho biết Cục Thuế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc rà soát và làm việc trực tiếp với các DN có sai lệch thông tin để đối chiếu số liệu, xác định lại các khoản nợ và điều chỉnh kịp thời. “Việc số liệu sai sót là rất đáng tiếc, đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của DN. Cục Thuế Hà Nội xin đính chính lại thông tin đã công bố, nhận thiếu sót và rất mong DN cảm thông chia sẻ” - vị này nói. Giải thích về lý do thông tin bị sai lệch, đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết số liệu Cục Thuế báo cáo Tổng cục Thuế được căn cứ vào dữ liệu nợ thuế trên hệ thống quản lý thuế tập trung. Trong quá trình vận hành, hệ thống này có một số lỗi về kỹ thuật dẫn đến số nợ chưa chính xác. Mặt khác, DN hợp nhất nhưng chưa kê khai số đã tạm nộp ở đơn vị trước khi hợp nhất... Cũng có một số trường hợp sai sót là do chưa thực hiện việc đối chiếu giữa cơ quan thuế và DN nên không phát hiện các khoản nợ đã nộp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn có 34 DN bị bêu tên với số tiền nợ thuế không chính xác, trong số đó có 7 DN không hề nợ một đồng thuế nào cũng bị liệt vào danh sách nợ thuế kéo dài với số nợ từ 10-50 tỉ đồng, gồm Công ty CP chứng khoán MB, Công ty bất động sản Hồng Ngân, Công ty CP Xây lắp điện 1, Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 1, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Ba Đình, Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư Hà Nội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận