Theo quản lý siêu thị, những hình ảnh này sẽ chiếu lặp lại trong một khoảng thời gian mới xóa đi nhằm răn đe và hạn chế việc trộm đồ.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng hành vi trộm cắp với giá trị món đồ không cao chỉ vi phạm về hành chính, chưa đến mức xử lý hình sự nên người trộm có quyền bảo vệ hình ảnh của mình.
Việc siêu thị bêu hình ảnh người trộm đồ gây nhiều tranh cãi, phản cảm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
“Bêu” hình cầm đồ lót
Cụ thể, siêu thị này để màn hình tivi trình chiếu liên tục hình ảnh những người trộm đồ của siêu thị, có cả hình một phụ nữ cầm món đồ lót đã trộm.
Tương tự, một số siêu thị tại TP.HCM cũng dùng hình thức này vì cho rằng tình trạng trộm đồ trong siêu thị xảy ra rất nhiều, phải có biện pháp mạnh để cảnh cáo kẻ trộm.
“Biện pháp mạnh” mà các siêu thị thường áp dụng là ép người trộm cầm món đồ đã trộm giơ lên, chụp chính diện rồi chiếu lên màn hình tivi trong siêu thị.
Một số trường hợp sau khi giao cho công an xử lý đã đăng hình người trộm đồ lên mặt báo kèm theo họ tên, nơi ở... Việc này khiến người trộm đồ vô cùng xấu hổ, hình ảnh lưu lại rất lâu gây ảnh hưởng danh dự.
Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, khi có hành vi vi phạm pháp luật (cụ thể ở đây là hành vi trộm cắp) xảy ra, về nguyên tắc mọi công dân và tổ chức phải có nghĩa vụ đấu tranh nhằm ngăn chặn hành vi đó.
Hành vi của siêu thị nhằm răn đe người vi phạm tuy mục đích là hợp lý nhưng phản cảm và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Luật không cho phép
Theo luật sư Nông, đối với hành vi của quản lý siêu thị cho chụp hình người trộm hàng hóa trong siêu thị và bêu xấu họ có thể bị xử lý hành chính.
Hoặc nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Luật sư Lê Trung Phát phân tích: điều 37 Bộ luật dân sự quy định về việc pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được họ đồng ý, ngoại trừ phục vụ lợi ích công cộng, phục vụ điều tra.
Bên cạnh đó, điều 31 Bộ luật dân sự quy định cấm việc sử dụng hình ảnh làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác.
“Vì thế tùy vào mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị khởi kiện vụ án dân sự, buộc phải bồi thường thiệt hại hoặc có thể khởi tố vụ án hình sự về tội làm nhục người khác theo điều 121 Bộ luật hình sự với hình phạt tù lên đến 3 năm” - luật sư Phát nói.
Đối với hành vi đưa hình ảnh người trộm đồ lên báo, trang mạng kèm theo tên tuổi, quê quán... cũng được xem là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, hành vi này còn vi phạm Luật báo chí trong việc sử dụng hình ảnh của cá nhân.
Nên giao công an xử lý
Theo các chuyên gia pháp lý, việc cá nhân hay tổ chức phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của một ai đó, nếu bắt quả tang thì nên bắt giữ theo quy định pháp luật.
Hoặc có thể trình báo cho cơ quan công an nếu có hình ảnh của người vi phạm, hoặc căn cứ khác để cơ quan công an xử lý theo đúng thẩm quyền.
“Đừng chọn cách tự xử lý, vì những hành vi tự phát gây hậu quả nghiêm trọng sẽ làm cá nhân hoặc tổ chức trở thành người phạm tội, thậm chí còn bị bồi thường thiệt hại” - luật sư Phát nói.
Luật sư Nông lưu ý cá nhân hoặc tổ chức cần phải hiểu rõ việc bắt giữ hay trấn áp tội phạm phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, hoặc nếu là tình huống khẩn cấp cũng phải hợp tình hợp lý.
Và sau khi trấn áp, cá nhân hoặc tổ chức phải nhanh chóng giao người vi phạm cho cơ quan chức năng xử lý.
Bên cạnh đó, một số người khi phát hiện người trộm đồ của mình đã “bêu” trước nhà, trói tay chân, dùng những lời lẽ sỉ nhục... trước sự chứng kiến của nhiều người. Việc làm này khiến người lỡ trộm đồ vô cùng xấu hổ.
Đã có trường hợp trói, đánh đập, sỉ nhục những cô, cậu bé dưới tuổi vị thành niên lỡ tay trộm vặt.
Theo luật sư Nông, mọi sự lợi dụng hoặc có những hành vi quá khích như bêu xấu, xúc phạm người có hành vi vi phạm pháp luật là không được phép.
“Tùy vào trường hợp cụ thể, người lợi dụng hay quá khích có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý, trong một vài trường hợp có thể bị xử lý hình sự về hành vi của mình” - luật sư Nông nói.
Còn theo luật sư Phát, nếu cá nhân phát hiện người trộm cắp đồ của mình nhưng lại có những hành vi nêu trên thì có thể bị khởi kiện vụ án dân sự, buộc phải bồi thường thiệt hại do xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
“Người có hành vi này còn có thể bị khởi tố vụ án hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội bắt, giam giữ người trái pháp luật. Trong trường hợp làm cho người có hành vi trộm bị ảnh hưởng sức khỏe thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội cố ý gây thương tích” - luật sư Phát cho biết.
Tôn trọng danh dự, nhân phẩm người khác Ở siêu thị, hàng hóa có dán mã từ, còn cổng ra có thiết bị cảm ứng để phát hiện người mang hàng hóa chưa tính tiền ra khỏi siêu thị. Thế nhưng vì lý do nào đó máy phát tiếng kêu khi có người đi qua dù người đó không trộm đồ, bảo vệ lập tức mời làm việc, có thái độ đối xử y như với kẻ trộm. Các chuyên gia pháp lý cho rằng phía siêu thị cần tôn trọng danh dự, nhân phẩm người khác trong những việc tế nhị này. Nếu không có căn cứ xác định một ai đó đang trộm đồ của mình, không nên có những hành động khiếm nhã đối với họ. Trường hợp nếu đã lỡ có những hành vi không hay thì phải tổ chức xin lỗi. Khi lỡ để cho người khác chứng kiến mình có những hành vi làm xúc phạm người khác thì cần liên hệ với họ để bồi thường, tránh vướng vào vòng lao lý khi bị khởi tố vụ án hình sự. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận