"Lỗ thở" bình thường (ảnh trái) và "lỗ thở" bị bít lại sai quy cách (ảnh phải) - Ảnh: Diễn đàn Dân kỹ thuật
Mấy hôm nay trên mạng xã hội xôn xao một bài viết phân tích nguyên nhân dẫn đến khối bêtông rơi trúng đầu sinh viên tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH).
Theo đó, trong xây dựng giữa hai tòa nhà bao giờ cũng có khoảng hở nhỏ, gọi là "lỗ thở" để bêtông giãn nở vì nhiệt độ, thời tiết.
Thế nhưng, hình ảnh từ vụ tai nạn tại HUTECH cho thấy "lỗ thở" bị bêtông trét lại. Lâu dần, bêtông giãn nở làm rơi phần bị trét ra.
Về vấn đề này, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng giải thích: "Thường có hai loại khe: khe lún và khe giãn nở. Với công trình ở trên cao, mái nhà có kích thước lớn, chúng tôi thường làm khe nhiệt (khe giãn nở) chạy theo nhịp cột để tránh trường hợp bêtông giãn nở, tương tự khe hở trên các cây cầu.
Tùy công trình, chúng tôi thường làm khe nhỏ (10-20mm), phía trên mái có gờ để che chắn nước mưa cho khe. Khi nắng lên, bêtông khít lại. Khi trời lạnh, bêtông co trả về khoảng cách khe.
Đôi khi người ta không hiểu, sợ nước mưa thấm vào công trình nên bít khe lại. Nhưng về nguyên tắc khe đó phải giữ vì nó liên quan vấn đề bêtông giãn nở.
Nếu dùng vữa bít khe thì lâu ngày thời tiết thay đổi, co ngót, giãn nở bêtông cũng làm nứt chỗ trát đó, thậm chí rơi ra. Mọi người phải cẩn thận chú ý".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận