27/02/2013 07:51 GMT+7

Berlusconi chưa trở lại, thị trường thế giới đã chao đảo

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Lá phiếu của người Ý lại đẩy khu vực đồng euro rơi vào cuộc khủng hoảng mới, trong khi thị trường thế giới ngày 26-2 lao đao vì chính trường bất ổn của nước này.

N76WyjGc.jpgPhóng to
“Anh hề” Beppe Grillo là “ngư ông đắc lợi” - Ảnh: AFP

AFP ngày 26-2 dẫn kết quả chính thức từ Bộ Nội vụ Ý cho biết liên minh trung tả của ông Pier Luigi Bersani chiến thắng sít sao ở hạ viện với 29,55% số phiếu so với 29,18% của phe cựu thủ tướng Silvio Berlusconi. Ở thượng viện, không đảng nào giành được đa số ghế.

Kết quả bỏ phiếu thực tế này đẩy Ý rơi vào một cuộc khủng hoảng mới vì không chính đảng nào đủ phiếu để lập chính phủ. Theo quy định ở Ý, đảng đứng ra lập chính phủ cần phải giành được đa số ở cả lưỡng viện.

Nước Ý “không thể điều hành được”!

Lo ngại về sự trở lại của ông Berlusconi, người từng đẩy nước Ý rơi vào khủng hoảng, cả châu Âu đã nín thở theo dõi cuộc bầu cử với hi vọng một chính phủ ổn định sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu tiếp tục các cải cách cần thiết. Khi ông Berlusconi không thắng, châu Âu thở phào. Điều đáng tiếc là ông Berlusconi vẫn nắm được quyền phủ quyết ở thượng viện và nước Ý lại đối mặt với triển vọng một chính phủ liên minh yếu và một nghị viện treo.

Dù giới phân tích cho rằng nguyên nhân khủng hoảng chủ yếu là do nền chính trị bê bối ở Ý cũng như hệ thống bầu cử nhiều khiếm khuyết, song kết quả bầu cử cho thấy sự phản đối của cử tri đối với biện pháp thắt lưng buộc bụng thái quá mà ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã áp đặt lên Ý.

Khi lên nắm quyền tháng 11-2011 thay ông Berlusconi, Thủ tướng Mario Monti đã được ca ngợi vì giúp khôi phục niềm tin của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, người Ý lại ghét cay ghét đắng ông vì chính sách tăng tuổi nghỉ hưu và tăng thuế. Ông Monti thất bại thảm hại khi chỉ giành được khoảng 10% số phiếu.

“Thuế, thuế và thêm nhiều thuế, đó là những gì cử tri nhớ nhất về ông Monti - Stefano Sacchi, giáo sư chính trị tại ĐH Milan, nói với New York Times - Khi không còn là nhà kỹ trị mà trở thành chính trị gia, ông Monti bị chỉ trích y như các chính trị gia khác”.

“Đương nhiên Ý chẳng phải là nước có nền văn hóa chính trị hoàn hảo, nhưng cuộc bầu cử này là kết quả tất yếu của việc theo đuổi các chính sách làm tình hình kinh tế và xã hội trở nên tồi tệ” - Simon Tilford, kinh tế trưởng của Trung tâm cải cách châu Âu ở London, nhận định.

Trong cuộc bầu cử được đánh dấu bởi sự giận dữ và tỉ lệ bỏ phiếu thấp, cử tri đã quay sang ủng hộ anh hề Beppe Grillo, một người hoàn toàn không có kinh nghiệm chính trị. Phong trào 5 sao (M5S) của Beppe Grillo giành được 25% số phiếu ở hạ viện. Người Ý từ cả phe hữu (nhà giàu phương bắc) và tả (người nghèo phương nam) đều bị thu hút vào chương trình tranh cử chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng và kêu gọi lật đổ hệ thống chính trị hiện tại của “anh hề” này.

Theo giới phân tích, giải pháp tốt nhất ở Ý sẽ là một chính phủ liên minh lỏng lẻo - điều sẽ lại đẩy Ý và khu vực đồng euro vào khủng hoảng.

Stefano Folli, cây viết chính trị của tờ Il Sole 24 Ore, cho rằng khả năng thành lập chính phủ liên minh là vô cùng khó và “nước Ý là không thể điều hành được”.

Theo New York Times, hệ thống bầu cử phức tạp ở Ý khiến rất khó cho một đảng có thể nắm được đa số đủ mạnh để lèo lái nền kinh tế vốn đang đối mặt với thất nghiệp gia tăng và khoản nợ tới hơn 2.000 tỉ euro, chứ đừng nói tới việc thay đổi cấu trúc nền kinh tế. Các đảng ở Ý chống lại việc thay đổi luật vì muốn bảo vệ cơ sở quyền lực của chính mình.

Giới chuyên gia đều nhận định kết quả cuộc bầu cử sẽ khiến không đảng nào đủ sức lập chính phủ liên minh lâu dài để đảm bảo tiến hành các cải cách. Davide Barillari thuộc đảng M5S nói họ sẽ không liên minh với bất cứ bên nào mà chỉ bỏ phiếu với những điều họ thấy đúng và phù hợp. Lý do, như ông nhấn mạnh, đối với chính trường Ý lúc này, “người dân chỉ muốn đưa tất cả bọn họ (các chính trị gia) về vườn. Nền chính trị cũ đã kết thúc”.

Chứng khoán chao đảo!

Ngay sau khi kết quả được công bố, thị trường chứng khoán và tài chính thế giới ngay lập tức phản ứng tiêu cực. Ở Mỹ, chỉ số Dow Jones đã mất 216,4 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11-2012. Chỉ số Nikkei ở thị trường Tokyo ngày 26-2 cũng mất 263,7 điểm do lo ngại trước tình hình khu vực đồng euro và chính trường Ý. Giá dầu ở thị trường châu Á cũng giảm vì e ngại tình trạng bất ổn ở Ý sẽ ảnh hưởng tới đà hồi phục của khu vực đồng euro.

“Đám mây bầu cử ở Ý khiến các thị trường toàn cầu rùng mình... hoảng loạn và có thể làm chệch đà hồi phục của khu vực đồng euro” - Hãng tin Bloomberg dẫn bình luận thị trường của IG Markets Singapore.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên