TTCT - Cái bếp than trong một tiệm cà phê nhỏ giản dị giữa Sài Gòn chưa bao giờ thôi đỏ lửa quá lâu mấy chục năm qua lại phải nguội lạnh hàng tháng trời vì COVID-19. Ngày than hồng đỏ lại, đun nóng những chiếc siêu thô mộc bằng đất vì thế là niềm vui không chỉ của chủ quán mà còn cả những khách quen, dù họ vẫn còn phải chào nhau qua khe cửa hé. Cô Nguyễn Thị Sương, chủ quán Cheo Leo, đang pha cà phê bằng vợt và siêu đất theo bí quyết được truyền từ đời cha mình. Ảnh: Quang ĐịnhCheo Leo thuộc dạng độc đáo nhất nhì Sài Gòn không chỉ vì cái tên ngộ nghĩnh hay được xem là lâu đời nhất thành phố, mà còn vì đây là quán pha cà phê bằng vợt, với siêu đất và bếp than.Lần nghỉ dài hơi nhấtGiữa tháng 10, trong căn nhà nhỏ nép mình trong con hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), cô Nguyễn Thị Sương (thường gọi cô Ba, 69 tuổi) tất bật chuẩn bị để mở lại quán cà phê của gia đình. Cẩn thận kêu em gái may vợt mới rồi giặt sạch, phần cô Ba xúc mấy vá cà phê tầm nửa ký bỏ vào đun mấy cái siêu đất để khử mùi sau bao ngày nguội lạnh, chuẩn bị cho những mẻ cà phê mới chiêu đãi khách quen sau gần 3 tháng nghỉ dịch - lần nghỉ dài hơi nhất của quán kể từ thuở ba cô mở quán hồi năm 1938.“Nghỉ dịch chứ mấy cái siêu đất cô cũng phải thường xuyên ngâm nước để khỏi bị khô, rồi mới thay một cái bị nứt. Đợt rồi mua trúng mấy cái siêu miệng “chúm húm” để không lọt cái vợt, bữa nào phải đi Bình Dương kiếm mấy cái tốt tốt về xài. Ba dặn Bảy (cô Nguyễn Thị Sáu, em gái cô Sương) làm cà phê cho cẩn thận vì khách người ta chờ mấy chục ngày để tới với mình, phải làm sao coi cho được chớ đừng để người ta “dội”. Hồi xưa ba má kỹ lắm nên giờ cái tánh đó cũng ăn vô máu mình rồi. Với đây không chỉ là chén cơm mà còn là tiếng tăm của gia đình mình nữa” - cô Ba tâm sự với người viết. Bộ “đồ nghề” pha cà phê tại Cheo Leo gồm vợt, siêu đất, và chiếc lò than do ông Vĩnh Ngô xây từ thời mở quán (1938) đến nay vẫn dùng tốt. Ảnh: Quang ĐịnhCheo Leo mở bán trở lại từ ngày 15-10, khi thành phố nới lỏng giãn cách. Dù chỉ là bán mang đi nhưng nhiêu đó cũng đủ đáp lại sự trông đợi của nhiều người. “Mong đợi đã bao lâu để Sài Gòn trở lại, mặc dù chỉ là khoảnh khắc nhìn qua khe cửa hẹp, đợi chờ các cô làm cho ly cà phê thơm lừng và đậm vị” - anh Trần Quỳnh, một vị khách đã biết đến Cheo Leo 3 năm qua, chia sẻ cùng bức ảnh quán từ bên ngoài mà anh đăng lên một nhóm Facebook dành riêng cho khách của Cheo Leo.Quán chỉ mới mở bán mang đi nên cánh cửa sắt màu xanh vẫn khép hờ, hé một khoảng đủ rộng bằng chiếc bảng hiệu có hình chiếc vợt và siêu đất “thương hiệu” của Cheo Leo, cùng bóng dáng cô Bảy thấp thoáng đứng pha cà phê bên trong bếp. Trước cửa quán, mấy cô đặt một chiếc bàn inox làm chỗ “giao dịch” để hạn chế bớt tiếp xúc, tuân thủ 5K. Ảnh: Quang ĐịnhAnh Quỳnh nói Cheo Leo mang đến cho mình không gian gần gũi và kết nối khi những con người xa lạ cùng ngồi chung bàn và thưởng thức cà phê. “Trong thời đại mà có rất nhiều cách ngồi cà phê hiện đại và xa cách thì những người thậm chí chưa biết nhau, những người thuộc nhiều thế hệ khác nhau, lại cùng đến gần nhau và trò chuyện. Không gian quán ấm cúng, tuy xưa cũ nhưng đậm vị thời gian, cùng hương vị cà phê đậm đà đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có được” - anh Quỳnh còn nhớ ấn tượng của mình khi đến quán.“Nằm trong hẻm nhỏ với những bộ bàn ghế theo kiểu hoài cổ cùng cách pha cà phê lâu đời, nơi đây khiến tôi có cảm giác rất Sài Gòn (...). Uống cà phê Cheo Leo rồi ngày nào tôi cũng thèm” - blogger du lịch người Canada Alyshia Turchyn nhận xét. Sau 3 năm rưỡi sống ở Việt Nam, nữ blogger đã về lại Torronto. “Tôi tưởng tượng nếu quay lại Việt Nam chắc tôi xách vali thẳng từ sân bay đến Cheo Leo làm ngay một ly cà phê luôn quá. Ở đây người ta không có cà phê giống như vậy” - cô chia sẻ. “Mớ bình yên giữa con hẻm nhỏ”Với nhiều người, cái quán cà phê mở cửa từ 5h15 sáng tới 6h45 tối đều đặn mỗi ngày này đã trở thành một nếp sinh hoạt quen thuộc, nơi mấy cụ già sớm mai ghé làm ly cà phê, hút điếu thuốc, nghe nhạc xưa, đọc tờ báo. Trễ hơn một chút là lớp thanh niên ghé uống ly cà phê trước khi đi làm. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến Cheo Leo để nhấm nháp cái phong vị của một nơi đã tồn tại qua 8 thập niên giữa Sài Gòn.“Mọi thứ vẫn thế, vẫn là mớ bình yên giữa con hẻm nhỏ, có tiếng rao trộn lẫn tiếng chuyện trò trước quán, xôn xao, yên bình (...). Hồi lần đầu đến quán, tui cứ bị thu hút bởi dáng chạy tất tảo của hai cô chủ, một cô dáng nhỏ nhắn nhưng đôi tay lúc nào cũng thoăn thoắt “kéo lưới” để kịp mẻ cà phê; cô còn lại thì lúc nào cũng diện thiệt ngay ngắn trong một chiếc váy, thi thoảng cứ chạy lui tới mấy bàn tiếp chuyện kẻ quen người lạ, châm thêm bình trà còn nóng” - Văn Nguyên, một chàng trai ưa chụp ảnh, viết trên trang Instagram @odaucungchup cùng mấy tấm hình chụp ở Cheo Leo hồi tháng 4.Giữa quán là một chiếc đivăng kiểu cũ đặt dưới mấy cái loa thùng cũng cũ gắn trên tường, thường phát nhạc xưa. Xung quanh đó là mấy chiếc bàn ghế đơn sơ, còn tường nhà được trang trí bằng mấy bài báo viết về quán và cả công thức pha cà phê được viết bằng hai thứ tiếng Anh - Việt được lồng khung kính treo tinh tươm. Ly cà phê sữa nóng thêm chút bơ Bretel thơm lừng cũng là một đặc sản của quán. Ngoài nét độc đáo từ những chiếc siêu đất giúp “giam kín” mùi cà phê, căn bếp của Cheo Leo còn có chiếc lò than do ông Vĩnh Ngô xây từ thời mở quán đến nay vẫn dùng tốt, lâu lâu cô Ba cho gia cố lại cho bền. Cà phê được đựng trong siêu đất đặt trên bếp than để giữ được hương vị. Ly pha cà phê nóng được trụng nước sôi trước để tăng vị ngon. Ảnh: Quang ĐịnhLà một trong ba quán cà phê vợt còn tồn tại ở Sài Gòn, cách pha cà phê của Cheo Leo tất nhiên cũng lắm công phu. Theo chia sẻ không “giấu nghề” của quán, nước máy sẽ được chứa trong lu đất từ 2 đến 3 ngày để lắng hết mùi, vì chất lượng nước ảnh hưởng rất lớn đến hương vị cà phê. Đồ nghề pha chế gồm vợt và mấy chiếc siêu đất. Cà phê xay mịn được lọc qua hai lần bằng vợt rồi giữ trong siêu đất - cái đặt trên bếp than dùng pha cà phê nóng, cái đặt ở nhiệt độ phòng để làm cà phê đá. “Đó là những kinh nghiệm được truyền từ ông Vĩnh Ngô, cha đẻ của quán, rồi đến người vợ của ông, và bây giờ là thế hệ các con gái” - chủ quán khẳng định.Được bán lại, cô Ba háo hức lắm. Cô nhớ hoài không khí quán, sáng khách khứa như thế nào, nhạc nhẽo ra sao, ai đến ai trò chuyện. Dù thành phố đã cho phép hàng quán được bán tại chỗ từ ngày 28-10 với các quy định phòng dịch nhưng Cheo Leo vẫn chưa chính thức mở cửa cho ngồi trong quán mà chủ yếu là bán mang đi và một số ít khách quen ngồi lại trước quán để uống. “Cô vẫn đang chờ tình hình ổn ổn hơn rồi mở bán tại chỗ, mấy chị em cũng lớn tuổi rồi nên cẩn thận chút” - cô Ba tình thiệt. Cô Nguyễn Thị Sương bán cà phê cho khách mang đi tại Cheo Leo ngày 27-10-2021. Ảnh: Quang ĐịnhBa cô chủ quánSuốt mấy mươi năm qua, Cheo Leo đỏ lửa là nhờ ba cô chủ quán thế hệ thứ 2 của gia đình. Một ngày bình thường của Cheo Leo bắt đầu lúc 4h sáng khi cô Hai (cô Lê Thị Tuyết, năm nay 71 tuổi) thức dậy nhóm bếp đun nước, pha mẻ cà phê đầu tiên rồi mở cửa quán lúc 5h hơn, rồi cô Ba cô Bảy thay nhau bán đến tối dọn dẹp. Ba chị em nhịp nhàng duy trì quán cà phê suốt mấy chục năm nay.Cô Ba mau mắn nhất nên thường lo chuyện “ngoại giao” của quán. Đến Cheo Leo không khó để nghe tiếng cô rôm rả “mới tới hả con, ghế nè ngồi đi, cái thằng này sao không chở vợ đi nhà hàng mà suốt ngày đi quán vỉa hè mậy?”. Khách cũng xem mình như người nhà, uống xong ly cà phê thì quay vô nói cô Ba, cô Bảy một tiếng “con về nghen cô”. Tấm hình ba chị em chủ quán Cheo Leo cùng gian bếp thân thuộc được treo trên tường nhà. Từ trái sang: cô Hai, cô Bảy và cô Ba. Ảnh: Quang ĐịnhCô Ba kể ba cô là dân Huế, ngày xưa vào Sài Gòn kiếm công việc làm ăn, thấy người Tàu mở tiệm nước nhiều, kinh doanh được, nên cũng bày mở quán cà phê. Ban đầu mới mở quán chưa ăn nên làm ra nên ba cô cũng phải xoay xở thêm nhiều việc khác. Giai đoạn thịnh nhất của quán là tầm những năm 1971 - 1972. “Ngày đó học sinh Pétrus Ký, Chu Văn An, Kiến Thiết tụ về, sáng 6h mở cửa là ngồi đầy rồi. Chiều tối thì giới trẻ lại bu nghẹt quán, nhạc mở tưng bừng. Nhà khi đó tất cả 10 lao động mà bán không kịp” - cô Ba kể.Với cô, Cheo Leo không chỉ là một quán cà phê là còn là một gia tài cô suốt đời trân quý, khi từ nhỏ hai chữ Cheo Leo đã gắn liền với cả gia đình. “Ngày xưa người ta gọi ba cô là ông Cheo Leo không hà, rồi mấy cô cũng là cô Hai Cheo Leo, cô Ba Cheo Leo. Ba má vất vả nhiều phen mới tạo dựng và giữ gìn được quán. Đây là gia tài lớn nhất mà ba má để lại, mấy cô chỉ tưới nước chăm bón cho có trái” - cô tâm sự. Sau hơn 80 năm gìn giữ quán cà phê của gia đình, ba chị em nay tuổi đã trên dưới 70. Cô Ba hiện đang truyền nghề cho thế hệ thứ ba của gia đình, là một người cháu trai vẫn phụ cô quán xuyến vào cuối tuần, với hy vọng bếp nhà Cheo Leo sẽ hoài đỏ lửa.Theo anh Bùi Vĩnh Thế, một người hoạt động trong ngành truyền thông và là khách của Cheo Leo hơn 7 năm qua, những người mới đến Cheo Leo để tìm một kiểu phục vụ chuyên nghiệp như các thương hiệu lớn thì họ sẽ thất vọng. Còn cái khiến anh gắn bó với Cheo Leo là không khí như một gia đình. “Nó ấm áp đến mức đi từ đầu hẻm đến cuối hẻm mình đều nhận được những cái gật đầu chào hay nụ cười niềm nở dù cho tất cả đều không biết tên nhau, nghề nghiệp của ai là gì” - anh nói. Tags: Sài GònCà phêTruyền thôngCà phê vợtCheo leoQuán cà phê
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
TP.HCM thưởng Tết cao nhất 1,9 tỉ đồng từ một doanh nghiệp vốn nước ngoài VŨ THỦY 23/12/2024 Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM về tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mức thưởng Tết cao nhất năm nay là 1,908 tỉ đồng từ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão CHÍ TUỆ 23/12/2024 Trưa nay áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển tây bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão Pabuk (bão số 10).
Thưởng tối đa 5 triệu cho người báo tin vi phạm giao thông có tạo được 'tai mắt' để giám sát? NHẤT NGỌC HẠNH 23/12/2024 Thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông sẽ khuyến khích người dân tham gia giám sát, tuy nhiên cũng cần phạt những ai tố cáo sai.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện tỉ phú Gerard Williams vì sợ công khai hồ sơ thuế? HOÀI PHƯƠNG 23/12/2024 Trong đơn kiện ngược, luật sư của ông Gerard Williams đưa ra bằng chứng Đàm Vĩnh Hưng vẫn nhảy múa vui vẻ sau tai nạn, chứ "không tàn phế".