20/12/2014 11:09 GMT+7

​Béo phì có phải một dạng khuyết tật?

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TT - Hôm 18-12, Tòa án công lý châu Âu (ECJ) chính thức khẳng định béo phì được xem là một dạng khuyết tật khi nó cản trở công việc của ai đó.

Phán quyết của ECJ đưa ra sau khi tòa án Đan Mạch yêu cầu cơ quan công lý cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) xem xét đơn kiện của công dân Karsten Kaltoft người Đan Mạch.

Karsten Kaltoft là người giữ trẻ tại thành phố Billund (Đan Mạch). Cách đây bốn năm, anh bị bắn chỉ vì... béo phì. Anh Karsten đã làm đơn đòi chính quyền Billund phải bồi thường vì cho rằng anh là nạn nhân của tình trạng kỳ thị với người béo phì.

Theo phần hồi đáp của ECJ, đúng là “chưa có quy định chung chính thức nào trong luật pháp EU hiện hành nghiêm cấm việc kỳ thị với bệnh béo phì”.

Tuy nhiên, ECJ cho rằng “có thể xem béo phì là một dạng khuyết tật trong trường hợp nó cản trở việc tham gia toàn diện và hiệu quả của người (bị béo phì) đó trong công việc chuyên môn trên tương quan bình đẳng với những lao động khác”.

Theo bảng thống kê của tạp chí Y Học Dự Phòng (Mỹ) nghiên cứu trên cơ sở dữ liệu năm 2010, các nhóm nghề có tỉ lệ béo phì cao nhất là cảnh sát, nhân viên cứu hỏa, bảo vệ (40,7%); nhân viên công tác xã hội, các giáo sĩ, chuyên gia tư vấn (35,6%); nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà, chuyên viên massage (34,8%); kỹ sư, kiến trúc sư (34,1%) và lái xe buýt, lái xe tải, lái cần trục, lái xe thu gom rác (32,8%).

Cũng theo bảng trên, các nhóm nghề nghiệp có tỉ lệ béo phì thấp nhất là các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học và các nhà tâm lý, chỉ 14,2%.

Mỗi năm béo phì làm tổn thất hơn 73 tỉ USD cho các doanh nghiệp Mỹ.

Theo đó, vấn đề còn lại chỉ là việc tòa án Đan Mạch sẽ quyết định xem nhân viên giữ trẻ Kaltoft có rơi vào trường hợp này không.

Liên minh thương mại Đan Mạch - cơ quan đại diện cho quyền lợi của anh Kaltoft - cho rằng phán quyết của ECJ là thắng lợi lớn, góp phần bảo vệ nhóm lao động dễ bị tổn thương.

Trước đó, chính quyền thành phố Billund luôn nói rằng không thể coi bệnh béo phì của Karsten Kaltoft là một dạng khuyết tật, vì đó là tình trạng bệnh do anh tự gây ra cho mình.

Còn theo luật sư đại diện cho anh Kaltoft, ông Jacob Sand: “Nếu một người béo phì bị đuổi việc do không đáp ứng được công việc hiệu quả như mong muốn của nhà tuyển dụng thì không được xem là bị kỳ thị, vì đó là lý do chính đáng. Nhưng nếu người đó vẫn có thể hoàn thành công việc dù có phải nhờ thêm một chút hỗ trợ thì đó chính là kỳ thị”.

Tuy nhiên, ông Jacob Sand cũng thừa nhận dù thế nào thì béo phì vẫn sẽ là nguyên nhân khiến nhiều người bị sa thải.

Tuy nhiên phán quyết này cũng gây ra dư luận trái chiều, đặc biệt trong giới lãnh đạo doanh nghiệp.

Trên Diễn đàn bệnh béo phì quốc gia của Anh, người ta cho rằng phán quyết của ECJ rõ ràng đã đẩy các chủ doanh nghiệp vào tình trạng phải chấp nhận và nương theo căn bệnh béo phì của nhân viên thay vì tìm phương pháp giải quyết.

Tam Fry, người phát ngôn diễn đàn này, nói: “Họ (các chủ doanh nghiệp) sẽ phải điều chỉnh lại bàn ghế, cửa giả và mọi thứ để phục vụ những người ngoại cỡ. Tôi tin rằng việc này cũng sẽ gây ra bất đồng giữa những người béo phì và các đồng nghiệp khác của họ ở nơi làm việc”.

Số khác thì cho rằng phán quyết mới này của ECJ sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới luật pháp hiện hành của các nước EU. Luật sư Claire Dawson tại London cho biết theo luật pháp Anh, béo phì vẫn chưa được xem là khuyết tật.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên