Bênh vực Hi Lạp, Gunter Grass làm thơ!

BAOCHAU 09/06/2012 00:06 GMT+7

TTCT - Tác giả Đức đoạt Nobel văn chương Gunter Grass vừa cho đăng trên tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung bài thơ chỉ trích chính sách chống Hi Lạp của Đức và châu Âu.

Dưới tựa đề Nỗi xấu hổ của châu Âu, tác giả 85 tuổi đã viết một bài thơ gieo theo nhịp thơ cổ Hi Lạp gồm 12 khổ, mỗi khổ hai câu. Bài thơ cho rằng cách châu Âu buộc Hi Lạp vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế đang hủy diệt đất nước này cùng lịch sử giàu có của nó.

Phóng to
Nhà văn Gunter Grass - Ảnh: cultura.blogosfere.it

Khi "Antigone vận toàn đen"...

Khổ đầu bài thơ nói EU đã đưa đất nước này tới "gần với sự hỗn loạn", rằng EU "đã đi quá xa khỏi đất nước từng cho mình mượn một vành nôi". Gunter Grass ám chỉ những biện pháp thắt lưng buộc bụng mà EU đang đòi hỏi dẫn tới việc cắt giảm 60% lương ở Hi Lạp, mức thất nghiệp chính thức trong giới trẻ lên hơn 50%, gây ra nạn đói kém và tâm thế thất vọng trong xã hội Hi Lạp. Trong khi đó quyền lợi xã hội của người lao động bị vi phạm có hệ thống để bảo đảm trả nợ cho các ngân hàng trên thế giới cũng như để tăng lợi nhuận của các tập đoàn.

Hiện đang có cuộc tranh luận trong giới lãnh đạo châu Âu về việc loại trừ Hi Lạp khỏi khu vực đồng euro và buộc nước này trở lại với đồng tiền Hi Lạp (drachma). Phủ thủ tướng Đức cũng đã đưa ra kế hoạch sáu điểm, kêu gọi bán hết tài sản nhà nước cho người đặt giá cao nhất và thiết lập những khu vực kinh tế đặc biệt, nơi người lao động được trả mức lương tận đáy và mất nhiều quyền hạn.

Tình hình này cũng được Grass nhắc trong bài thơ, so sánh nó với việc chiếm đóng Hi Lạp của Đức quốc xã làm hàng trăm nghìn người Hi Lạp thiệt mạng. Grass viết Hi Lạp là "một đất nước không có quyền hành, đất nước mà thắt lưng của họ đang bị các cường quốc có quyền hành siết ngày càng chặt". Tính phi dân chủ của các chương trình khắc khổ của châu Âu được đưa ra từ tháng 12 năm ngoái. Dưới áp lực của Brussels, chính quyền dân cử đã bị thay thế bằng một ban lãnh đạo kỹ trị không được bầu chọn.

Cùng lúc, Hi Lạp đang bị các ngân hàng và định chế tài chính quốc tế gây sức ép để không bầu cho những đảng phái chống lại các biện pháp khắc khổ này. Bài thơ của Grass nói tất cả mọi người Hi Lạp đều bị ảnh hưởng bởi các biện pháp khắc khổ của châu Âu, trong khi tầng lớp thượng lưu mà Grass gọi là "những kẻ theo chân các đại gia" từ lâu đã chuyển tiền sang những "thiên đường an toàn" ở nước ngoài.

Trong suốt bài thơ, Grass đã tìm những ẩn dụ tương tự trong lịch sử và thần thoại Hi Lạp cho câu chuyện hiện đại. Ông viết "Antigone (*) vận toàn đen trong khi tầng lớp thượng lưu châu Âu đánh cắp đỉnh Olympus". Hay ở cuối bài thơ, Grass viết "Socrates đã trả lại chén thuốc độc" mà các ủy viên EU đang cố ép cử tri Hi Lạp uống. Socrates uống chén thuốc độc của mình vì tinh thần thượng tôn pháp luật, nhưng đã cho phép người Hi Lạp "trả lại chén độc này".

Bị Israel cấm cửa

Đây không phải là bài thơ đầu tiên gây tranh cãi của Grass. Hai tháng trước ông đã viết bài thơ Điều phải nói chỉ trích Israel, cảnh báo cuộc chiến của Israel chống lại Iran sẽ ảnh hưởng cho hòa bình thế giới. Ngay lập tức, bài thơ bị chỉ trích trên các tờ báo Đức. Chủ bút Die Zeit Josef Joffe lên án Gunter Grass "bài Do Thái", còn ứng viên tổng thống của Đảng cánh tả Beate Klarsfeld so sánh Grass với Hitler. Hậu quả của bài thơ này là Gunter Grass bị Israel cấm nhập cảnh.

Liên quan tới bài thơ mới Nỗi xấu hổ của châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề châu Âu của Quốc hội Đức Gunther Krichbaum (thuộc Liên minh dân chủ Cơ Đốc giáo) cho rằng chỉ trích của Grass đã xa rời thực tiễn. Tờ Die Welt phản biện: "Vì sao Grass không viết gì về cách Hi Lạp lừa dối EU khi gia nhập khu vực euro, không nói một lời gì về núi nợ khổng lồ của nước này, về chủ nghĩa gia đình trị và quản lý yếu kém của ban lãnh đạo Hi Lạp"?

Gunter Grass là nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, điêu khắc gia từng đoạt Nobel văn chương 1999, được cho là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất nước Đức. Sau bài thơ gây tranh cãi Điều phải nói, việc Gunter Grass bênh vực Hi Lạp trong cuộc khủng hoảng sâu sắc hiện nay của khu vực đồng euro khiến ông tiếp tục bị chỉ trích, thậm chí có người còn đòi rút lại giải thưởng Nobel của tác giả.

Trong số những giọng nói hiếm hoi bênh vực nhà văn, World Socialist viết: "Trong bài thơ, Grass đã nói thay cho đa số dân chúng châu Âu. Thật đáng ngợi khen khi ông dũng cảm đối mặt với những kẻ tấn công để vạch trần sự phá sản tri thức tuyệt đối của họ".

MINH THƯ (Theo WS, The Local)

__________

(*): Antigone: theo thần thoại Hi Lạp, Antigone là con gái Oedipus và Jocasta, tự kết liễu mình sau khi bị Creon, vua của Thebes kết tội chết vì đã chống lệnh Creon hỏa thiêu xác anh trai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận