Tần suất bệnh lý võng mạc đái tháo đường trong đái tháo đường type 1 thì cao hơn trong đái tháo đường type 2. Bệnh lý võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân gây mù lòa thường gặp nhất từ 20 - 65 tuổi.
Bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?
Bệnh võng mạc đái tháo đường là các mao mạch dãn ra để cho máu, các chất dịch, mỡ… thấm qua thành mao mạch và làm cho võng mạc bị phù. Nếu vùng phù này ở hoàng điểm sẽ làm cho mắt nhìn mờ.
Ngoài ra, bệnh võng mạc đái tháo đường cũng làm giảm tốc độ hồng cầu, tăng khả năng kết tụ của tiểu cầu, tăng độ quánh của máu… do đó làm cho các mao mạch bị tắc, gây ra thiếu máu võng mạc. Võng mạc không được nuôi dưỡng đầy đủ sẽ sinh ra những mạch máu mới, bất thường còn gọi là tân mạch, có thể vỡ và gây chảy máu trong mắt.
Biểu hiện của bệnh
Biểu hiện của bệnh võng mạc đái tháo đường là mắt bị mờ, đôi khi mắt chưa mờ nhưng đã có tổn thương ở võng mạc, do đó người bệnh đừng chờ đợi mắt mờ mới đi khám mắt.
Bệnh võng mạc đái tháo đường là bệnh lý vi mạch máu ảnh hưởng đến các tiểu mạch võng mạc trước mao mạch, mao mạch và các tiểu mạch. Có hai nguyên nhân bệnh: tắc nghẽn vi mạch máu và rò rỉ.
Các biến chứng của bệnh
Do bệnh võng mạc đái tháo đường liên quan đến sự tăng trưởng bất thường của mạch máu trong võng mạc, nên bệnh có những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm nhìn.
- Xuất huyết trong mắt: các mạch máu mới có thể chảy máu vào trung tâm của mắt. Nếu số chảy máu nhỏ, có thể chỉ thấy một vài điểm nhỏ hoặc floaters. Trong nhiều trường hợp nặng, máu có thể chảy vào khoang và hoàn toàn chặn tầm nhìn. Xuất huyết thường không gây mất thị lực vĩnh viễn mà chỉ xảy ra trong vài tuần hoặc vài tháng, trừ khi võng mạc bị hư.
- Võng mạc tách rời: các mạch máu bất thường liên kết với bệnh võng mạc đái tháo đường kích thích sự tăng trưởng của mô sẹo, có thể kéo võng mạc đi từ phía sau của mắt. Điều này có thể gây ra những điểm nổi trong tầm nhìn, nhấp nháy của ánh sáng hoặc mất thị lực nghiêm trọng.
- Bệnh tăng nhãn áp: mạch máu mới có thể phát triển ở phần phía trước của mắt và cản trở dòng chảy bình thường của chất lỏng ra mắt, gây áp lực trong mắt (tăng nhãn áp). Áp lực này có thể ảnh hưởng dây thần kinh mang hình ảnh từ mắt đến não.
- Mù: bệnh võng mạc đái tháo đường do rối loạn tuần hoàn võng mạc dẫn đến phù võng mạc, xuất huyết võng mạc, tiết dịch trong võng mạc, xuất huyết trong mắt dẫn đến làm mờ và mù mắt.
Các yếu tố nguy cơ
- Thời gian mắc bệnh là quan trọng nhất. Người ta thấy rằng sau khi mắc bệnh đái tháo đường vào khoảng 5 năm thì bắt đầu có dấu hiệu tổn hại ở võng mạc (ở Châu Âu là sau 10 năm). Quá trình mắc bệnh lâu dài cũng như tỷ lệ đường trong máu cao làm bệnh võng mạc tiến triển nhanh.
- Sự kiểm soát đường huyết tốt: không ngăn chặn được bệnh lý võng mạc đái tháo đường mà chỉ là điều kiện để kìm hãm sự phát triển của bệnh.
- Những yếu tố phối hợp làm nặng thêm bệnh võng mạc đái tháo đường:
+ Thai kỳ
+ Cao huyết áp
+ Bệnh lý thận
+ Những yếu tố thuận lợi khác: Béo phì, tăng lipid máu, hút thuốc lá, thiếu máu.
Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh?
Trong giai đoạn sớm của bệnh có khi bệnh nhân chưa nhìn mờ hoặc nhìn mờ ít nhưng đã có những tổn thương ở võng mạc. Do đó khi bị tiểu đường người bệnh nên đi khám mắt định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa Đáy mắt.
Thầy thuốc sẽ soi đáy mắt, chụp hình màu võng mạc, chụp hình võng mạc có chích thuốc cản quang nhằm phát hiện sớm các tổn thương trên võng mạc và sẽ quyết định có điều trị bằng tia laser hay không.
Để phòng ngừa và ngăn chặn mù lòa, người có bệnh đái tháo đường cần thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý để ổn định lượng đường trong máu và ổn định huyết áp sẽ làm chậm sự tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường.
Người bệnh nên khám mắt định kỳ theo hẹn của bác sĩ. Nếu bệnh được điều trị ở giai đoạn sớm thì càng có nhiều cơ hội phòng ngừa mù lòa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận