08/09/2012 07:00 GMT+7

Bệnh viện vệ tinh phải tạo được niềm tin

TĂNG HÀ NAM ANH
TĂNG HÀ NAM ANH

TT - Ý tưởng giảm tải bệnh viện tuyến trung ương bằng cách tăng khả năng điều trị của bệnh viện tuyến tỉnh không mới, gần đây nhất có thể kể đến đề án 1816 của Bộ Y tế nhằm nâng cao nâng lực của bệnh viện tuyến dưới.

Thế nhưng quá tải vẫn cứ quá tải.

HLu78dfw.jpgPhóng to
Chăm sóc bệnh nhân tại khoa nội tim mạch Bệnh viện đa khoa Đồng Nai - nơi sẽ là vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Duy Minh

"Điều quan trọng là phải làm sao thuyết phục và làm cho bệnh nhân tin vào bệnh viện vệ tinh để họ an tâm ở lại điều trị, đó mới là ý nghĩa của ý tưởng này"

Tăng Hà Nam Anh

Thực tế những năm qua cho thấy chúng ta cần rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để biến ý tưởng này thành hiện thực một cách trọn vẹn hơn. Trong đó cần chú trọng đến yếu tố phải có sự đóng góp từ cả hai phía: người đi chuyển giao công nghệ và người nhận chuyển giao.

Với kinh nghiệm đi chuyển giao kỹ thuật từ nhiều năm nay, chúng tôi nhận thấy điều quan trọng nhất là cần phải phân tích thật kỹ tình hình nhân sự, vật chất, ý muốn của nơi nhận chuyển giao, có kế hoạch chuyển giao và xây dựng đội ngũ cho nơi chuyển giao thật cụ thể, để làm sao khi người đi chuyển giao rút về sẽ không kéo bệnh nhân đi theo. Nhiều bác sĩ tham gia chương trình 1816 đã than thở không biết phải làm gì khi đến nơi chuyển giao, họ không biết chương trình cụ thể làm gì. Họ cũng than phiền là mang tiếng xuống chuyển giao xây dựng nhưng thực chất lại là đi làm việc thay cho tuyến dưới. Kết cục khi họ rút đi, bệnh nhân cũng theo chân họ lên lại tuyến trên.

Cụ thể trong trường hợp này, chúng ta cần xây dựng một chương trình chi tiết để làm sao người đi chuyển giao biết mình chuyển giao cái gì, người nhận chuyển giao phải hiểu rõ từ việc chẩn đoán, điều trị, xử lý biến chứng tai biến nếu có xảy ra, hiểu được điểm dừng ở chỗ nào để quyết định chuyển đi hay giữ lại bệnh nhân điều trị. Nhiều trường hợp nơi nhận chuyển giao sau khi hoàn tất chương trình đã không lượng sức mình, xử lý những ca quá nặng nên kết quả cuối cùng không tốt, khiến công sức xây dựng “đổ sông đổ bể”. Chương trình chuyển giao phải đi từ những việc đơn giản đến phức tạp, không nên coi thường những điều đơn giản. Trong y khoa, thông thường tai biến hay xảy ra trên những ca đơn giản vì lúc đó sự chủ quan chính là nguyên nhân gây ra các tai biến đáng tiếc.

Bệnh viện vệ tinh cần phải biết “công lực” của mình ở mức độ nào để nhận chuyển giao cái gì. Phải có kế hoạch xây dựng đội ngũ nhân lực sẵn sàng nhận chuyển giao và triển khai sau khi nhận. Ngoài ra, cần có sự quyết tâm cao của ban lãnh đạo từ bệnh viện đến các khoa phòng với ý muốn nâng cao tầm bệnh viện.

Chúng tôi xin lấy hai ví dụ để minh họa cho việc này. Có một bệnh viện tỉnh gần TP.HCM đã nhờ bệnh viện chúng tôi chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi khớp. Sau một thời gian chuyển giao, các bác sĩ đã nắm được kỹ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh lý khớp. Hai năm sau khi gặp lại đồng nghiệp ở hội nghị, hỏi ra mới biết bệnh viện không thể triển khai được nội soi khớp vì thiết bị còn thiếu mà không được mua, một số bác sĩ nhận chuyển giao đã xin nghỉ vì điều kiện làm việc khó khăn...

Ngược lại, Bệnh viện Thiện Hạnh ở Đắk Lắk đã xây dựng đội ngũ nhân viên hoàn chỉnh, thiết bị đầy đủ và bàn bạc một kế hoạch chi tiết với thời gian cụ thể với chúng tôi. Kết quả là sau hai năm chuyển giao, bệnh viện này đã thực hiện được kỹ thuật nội soi khớp và còn tiếp tục hoàn thiện những kỹ thuật khó hơn trong nội soi khớp. Sự thành công của bệnh viện này nhờ những người nhận chuyển giao biết mình cần cái gì và quyết tâm thực hiện.

TĂNG HÀ NAM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên