Bác sĩ vòi tiền bệnh nhân thừa nhận lấy 81 triệu đồng của 15 người - Ảnh 1. Bệnh viện Truyền máu - huyết học (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: TRẦN MAI
Nhưng thật ra đó không chỉ là chuyện vòi vĩnh, mà chính là chuyện "làm tiền" trên sinh mạng người bệnh.
Bi kịch hơn, những bệnh nhân bị làm tiền ấy không chỉ nghèo khó, kinh tế kiệt quệ vì chi phí với căn bệnh nan y, mà còn ở sinh mạng họ chỉ còn tính thêm được bao nhiêu ngày sống.
Trong bối cảnh khốn cùng ấy, sự phẫn nộ dành cho hành động làm tiền trắng trợn của vị bác sĩ này càng nhân lên bội phần, dù rằng ai cũng biết đây chỉ là chuyện cá biệt hiếm hoi.
Có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa quên một câu chuyện đẹp và cảm động, cũng xảy ra ở một bệnh viện, cùng ở chuyên ngành truyền máu - huyết học chỉ hơn một năm trước: Tháng 10-2017, vị bác sĩ viện trưởng Viện Huyết học - truyền máu trung ương Nguyễn Anh Trí về hưu, hàng trăm y bác sĩ và bệnh nhân xếp hàng dài tiễn ông rời nhiệm sở. Từ em bé bị ung thư đang điều trị đến những bệnh nhân lớn tuổi, những người bảo vệ bệnh viện, những y bác sĩ... ai cũng ôm lấy ông và khóc.
Nhớ tới hình ảnh đẹp trong ngày về hưu của bác sĩ Trí chắc chắn sẽ nuôi dưỡng cho mỗi người những cảm xúc tích cực hơn câu chuyện làm tiền đáng phẫn nộ vừa xảy ra của bác sĩ N.L.M.T. kia.
Ngành nghề nào cũng thế, không thể tránh khỏi có người này người kia. Chúng ta vẫn đọc thấy những câu chuyện tiêu cực tương tự, song diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác, như chuyện những quan tòa nhưng lại nhận tiền chạy án của bị can, chuyện những cảnh sát giao thông nhưng lại có người đã nhận tiền mãi lộ, chuyện những vị tướng chống tội phạm nhưng lại bảo kê cho tội phạm, chuyện quan chức lo quy hoạch đất đai nhưng tìm cách nuốt đất của dân, chuyện những thầy cô lẽ ra nên yêu thương học sinh thì đã có người trở thành những "ác sư" hành hạ học trò đến thương tật...
Những nghịch lý ấy vẫn diễn ra và về bản chất không khác mấy câu chuyện vị bác sĩ - người lẽ ra phải cứu sống bệnh nhân lại tìm cách lợi dụng nỗi lo âu về mạng sống để trục lợi, o ép làm tiền bệnh nhân.
Tuy nhiên "cường độ" bất bình và phẫn nộ mà cộng đồng dành cho những câu chuyện phản cảm xảy ra trong ngành y (và ngành giáo dục) luôn mạnh hơn so với những tiêu cực khi xảy ra ở những ngành nghề khác bởi tự sâu thẳm trong tâm thức người Việt, có hai nghề để người dân tuyệt đối trân trọng gọi là thầy: thầy thuốc và thầy giáo. Chính vì thế, mỗi hành động đi ngược lại tinh thần của hai nghề ấy luôn đẩy tâm thế phẫn nộ của cộng đồng lên cao trào.
Rất nhiều bạn đọc đã bình luận dưới bài báo về câu chuyện "vòi vĩnh" của bác sĩ T., nhưng tựu trung nhất vẫn là "có lẽ vị bác sĩ này đã chọn nhầm nghề. Nếu chọn nghề y thì không thể kiếm tiền trên sự sống mong manh của bệnh nhân như thế".
Hẳn mỗi thầy thuốc đều biết: ở nước ta, có một thời bệnh viện được người dân gọi là "nhà thương". Chữ "thương" ấy không chỉ là thương tật - nhà thương: nơi chữa thương tật. Chữ "thương" trong "nhà thương" còn có nghĩa là thương yêu!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận