Dù là nơi tận cùng của sự sống nhưng tình người như ngọn lửa cháy vẫn âm ỉ sưởi ấm bao trái tim người bệnh lạnh giá, đơn côi nơi này.
Bệnh viện ấm áp, bác sĩ tận tình
Nằm cách xa TP.HCM hàng trăm cây số, Bệnh viện Nhân Ái (trực thuộc Sở Y tế TP.HCM) đóng tại vùng núi đồi heo hút của huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Bên trong bệnh viện là các dãy khoa, phòng thân thiện như những ngôi nhà với xung quanh là cây xanh và hồ nước.
Tại phòng bệnh, nhiều bệnh nhân HIV/AIDS nặng, nằm bất động một chỗ với thân thể suy kiệt, lở loét được nhân viên y tế chăm sóc đặc biệt. Một số bệnh nhân khỏe mạnh sẽ hỗ trợ nhân viên y tế thay drap, thay tã, đưa bệnh nhân đi phơi nắng, lau sàn nhà, dọn cỏ khuôn viên bệnh viện...
Hình ảnh bệnh nhân và các y bác sĩ ở đây luôn thân thiện, cởi mở, ấm áp. Với bệnh nhân, các y bác sĩ là người thân, luôn ân cần, dang rộng vòng tay đón chào khi còn bị xã hội kỳ thị, chăm sóc họ khi ở bờ vực cái chết và sự sống.
Hơn 10 năm điều trị tại Bệnh viện Nhân Ái, bệnh nhân N.A.T. (58 tuổi) vẫn nhớ như in các bác sĩ đã kiên trì tập vật lý trị liệu hằng ngày, động viên thêm sức mạnh, sau sự cố ông tự té xe máy rồi được đưa vào bệnh viện cấp cứu và phát hiện nhiễm HIV.
"Nay tôi đã tự đi xe lăn được, tự sinh hoạt bằng đôi tay của mình. Lúc mới vào bệnh viện, tôi nằm bất động một chỗ, rất chán nản và muốn buông xuôi, không muốn sống. Thế nhưng các y bác sĩ ở đây vẫn kiên trì hằng ngày tập vật lý trị liệu và động viên tinh thần cho tôi", ông T. gửi gắm lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ mà ông xem như là người thân trong gia đình.
May mắn hơn, bệnh nhân L.H.M. (42 tuổi) còn khỏe nên hằng ngày anh phụ giúp nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân bệnh nặng hơn.
"Việc hằng ngày của tôi là thay tã, thay drap, lau sàn... Bệnh viện như mái nhà, mình ở đây vừa điều trị vừa giúp đỡ những bệnh nhân khác có hoàn cảnh, mắc bệnh như mình. Các y bác sĩ tại bệnh viện rất tận tình. Chúng tôi gọi bác sĩ, điều dưỡng là thầy, cô vì họ như người cha, người mẹ thay thế để chăm sóc cho mình", bệnh nhân M. chia sẻ.
Nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái
Gắn bó với bệnh viện được 16 năm, anh Bùi Văn Tiến - phó phòng công tác xã hội Bệnh viện Nhân Ái - đã tiếp xúc hàng ngàn bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, tâm thần, nghiện ma túy... được chuyển từ các trại, trung tâm cai nghiện về đây.
Ngoài HIV, nhiều bệnh nhân còn mắc thêm các bệnh truyền nhiễm khác như viêm gan B, viêm gan C...
Anh Tiến cho hay thời điểm ban đầu được đưa đến bệnh viện, bệnh nhân thường có thái độ chống đối, không hợp tác, hung hãn, quậy phá, thậm chí tấn công nhân viên y tế. Đã có nhiều nhân viên y tế bị phơi nhiễm HIV, trong đó có người bị phơi nhiễm HIV 2-3 lần.
Riêng anh Tiến thì đã phơi nhiễm hai lần (lần đầu vào tháng 7-2014 và lần thứ 2 là tháng 9-2015).
Lần phơi nhiễm đầu tiên, anh Tiến rất lo lắng khi kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân kháng rất nhiều loại thuốc. Sau thời gian điều trị dự phòng kéo dài 3 tháng, anh mới thở phào nhẹ nhõm khi nhận kết quả âm tính với HIV.
Cũng bị phơi nhiễm do dịch mủ trên người bệnh nhân bắn vào mắt, bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Chiến (khoa săn sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái) giữ vững được tinh thần ổn định vì đã chuẩn bị tâm lý, xác định những tình huống này có thể xảy ra ngay từ ngày đầu vào làm việc.
Bác sĩ Chiến được điều trị dự phòng theo phác đồ Bộ Y tế và may mắn kết quả xét nghiệm sau đó cũng âm tính HIV.
Tiếp xúc bệnh nhân trong một thời gian, anh Bùi Văn Tiến nghiệm ra chính thái độ đối xử, chăm sóc từ nhân viên y tế cho bệnh nhân tốt thì sẽ không xảy ra tình huống bệnh nhân chống đối, quậy phá, hành hung như anh từng lo lắng.
"Đa số bệnh nhân xác định Bệnh viện Nhân Ái là ngôi nhà của họ, không muốn đi đâu. Một số bệnh nhân khỏe mạnh xin về nhà nhưng chỉ được một thời gian ngắn cũng trở lại bệnh viện" - anh Tiến nói.
Nhiều bệnh nhân cuối đời chỉ ở bên nhân viên y tế
Là nơi điều trị bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối nên anh Tiến cùng đồng nghiệp đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân tử vong. Thời gian đầu làm việc, những lúc đối diện bệnh nhân tử vong, anh cảm thấy không khí rất u ám, nặng nề.
Trong số này có nhiều bệnh nhân vô gia cư, thậm chí có bệnh nhân có gia đình nhưng bác sĩ không biết hoặc không liên lạc được, nên lúc bệnh nhân cuối đời cũng chỉ có nhân viên y tế.
"Bản thân nhân viên y tế chúng tôi cũng giống như người thân của bệnh nhân nên cảm thấy mất mát điều gì đó rất lớn khi bệnh nhân tử vong. Có những bệnh nhân đã chăm sóc hơn 10 năm, sống với nhau như anh em trong gia đình. Chiếc giường đó bệnh nhân nằm hằng ngày, nay mình đi qua không còn thấy họ nữa", anh Tiến trải lòng.
Với hơn 15 năm gắn bó Bệnh viện Nhân Ái, bác sĩ Lê Văn Hạng - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp - chia sẻ bệnh nhân tại bệnh viện này khác với những bệnh nhân thông thường khi sức khỏe của họ rất yếu, tinh thần phức tạp, nghiện ngập...
Sẽ rất khó khăn, thử thách lớn đối với y bác sĩ mới vào làm. Nhưng khi đã vượt qua được điều này thì sẽ rất yêu nghề. "Khi bệnh nhân khỏe mạnh, mình còn mừng hơn bản thân người bệnh" - bác sĩ Hạng nói.
Dành thanh xuân cho những bệnh nhân đặc biệt
Dành hết thanh xuân, tuổi trẻ để đến với vùng núi rừng heo hút gắn bó với những bệnh nhân vô cùng đặc biệt này, Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái Trần Kim Anh chia sẻ Bệnh viện Nhân Ái là nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái, hàm chứa một ý nghĩa nhân đạo sâu sắc.
Không ít người bệnh nguy kịch bị người thân, xã hội kỳ thị xa lánh đã được cứu sống và hỗ trợ hòa nhập với cộng đồng trở thành những con người có ích cho xã hội.
Học viên nhiễm HIV, mắc lao, lao kháng thuốc tại các cơ sở cai nghiện ma túy được thu dung điều trị kịp thời giảm tình trạng bỏ trị, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận