27/06/2011 08:29 GMT+7

Bệnh viện lọc máu không hiệu quả làm mẹ tôi tử vong?

L.TH.H. ghi
L.TH.H. ghi

TT - Mẹ tôi tên Nguyễn Thị Cận (76 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) bị suy thận mãn giai đoạn cuối, tăng huyết áp, được điều trị và lọc máu định kỳ hai lần/tuần từ ba năm nay. Ngày 24-2, mẹ tôi được bác sĩ Bệnh viện Pháp Việt (FV) phẫu thuật nẹp cố định xương đùi trái bị gãy.

Tình trạng mẹ tôi tiến triển tốt trong ba ngày đầu sau phẫu thuật. Tuy nhiên, sáng 28-2 mẹ tôi bị khó thở, tay chân phù, bụng bắt đầu trướng dần. Mẹ tôi được bác sĩ tiếp tục cho lọc máu, thở oxy, thụt tháo phân... nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng. Ngày 1-3, mẹ tôi bắt đầu bị sốt.

Trong thời gian phẫu thuật và điều trị tại Bệnh viện FV, mẹ tôi được lọc máu tất cả bốn lần. Tuy nhiên, chúng tôi nghi ngờ việc lọc máu tại Bệnh viện FV không hiệu quả, đưa đến tình trạng mẹ tôi bị ứ nước ngày càng nặng, phù toàn thân, phù phổi, tràn dịch đa màng. Dù vậy, Bệnh viện FV vẫn tỏ ra lúng túng trong nhận định, đánh giá và xử trí tình trạng của mẹ tôi. Sáng 2-3, chúng tôi buộc phải chuyển mẹ tôi sang Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Tuy nhiên, ngày 20-3 mẹ tôi đã tử vong vì sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng.

Trong suốt thời gian nằm viện, mỗi ngày mẹ tôi được khám và điều trị bởi một bác sĩ khác nhau nên sức khỏe không được đánh giá hợp lý, xuyên suốt để có biện pháp điều trị thích hợp. Việc theo dõi bệnh nhân cũng hời hợt, khi chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy, trong hồ sơ của mẹ tôi còn có hồ sơ của ba bệnh nhân khác. Điều này khiến tôi quan ngại trước cách làm việc và quản lý của Bệnh viện FV.

Lê Văn Vui (TP.HCM)

Ông Jean - Marcel Guillon - tổng giám đốc Bệnh viện FV - trả lời:

Bệnh nhân Nguyễn Thị Cận nhập viện tại Bệnh viện FV vì gãy xương đùi ở vị trí dưới khớp háng nhân tạo đã được thay trước đây. Đồng thời, bệnh nhân đang bị suy thận mãn, được điều trị và lọc máu định kỳ tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là một trường hợp bệnh tương đối phức tạp.

Trong quá trình lọc máu, bệnh nhân cần được sử dụng thuốc chống đông để máu không bị đóng cục. Khi sử dụng thuốc chống đông, hiển nhiên bệnh nhân có nguy cơ bị chảy máu. Vì vậy, nếu bệnh nhân cần được phẫu thuật, bác sĩ bắt buộc phải hạn chế sử dụng thuốc chống đông càng ít càng tốt, đặc biệt là những bệnh nhân có số lượng tiểu cầu thấp như bệnh nhân Nguyễn Thị Cận. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được thực hiện những đợt lọc máu nhanh thay vì lọc máu định kỳ mất từ 4-5 giờ.

Bệnh viện đã thực hiện các đợt lọc máu nhanh cho bệnh nhân ngay trước và trong những ngày sau phẫu thuật. Vì những đợt lọc máu này diễn ra nhanh nên bác sĩ không thể đưa nhiều dịch (nước) ra ngoài như khi lọc máu bình thường được và đúng như dự đoán, bệnh nhân có dấu hiệu quá tải dịch. Khi thời gian hậu phẫu đã đủ dài, bác sĩ tiến hành các đợt lọc máu dài hơn qua màng siêu lọc - một phương pháp lọc máu hiệu quả.

Bệnh viện đã nhiều lần giải thích cho người nhà bệnh nhân nhưng người nhà không hiểu. Bệnh viện khẳng định khi rời khỏi bệnh viện, bệnh nhân Cận ở trong tình trạng ổn định và không hề có nguy cơ tử vong. Đúng là nhân viên bệnh viện đã đưa nhầm kết quả xét nghiệm của bệnh nhân khác cho gia đình bệnh nhân Nguyễn Thị Cận. Chúng tôi đã nghiêm túc xử lý và đảm bảo sự việc trên sẽ không còn xảy ra.

L.TH.H. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên