Đại diện gia đình nạn nhân nêu kiến nghị tại phiên tòa chiều 28-5 - Video: DANH TRỌNG
Phiên tòa xét xử vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong bước sang ngày làm việc thứ 11 và vẫn tiếp tục phần tranh luận.
Đến hôm nay, 28-5, tòa đã dành 3 ngày cho các luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương nêu quan điểm.
Đến cuối giờ chiều, phiên tòa mới dừng lại ở phần các luật sư đưa ra quan điểm bào chữa, đại diện gia đình nạn nhân đề xuất kiến nghị, chưa đến phần đại diện Viện kiểm sát (VKS) đưa ra quan điểm đối đáp.
Trả lại công bằng cho bệnh viện
Trong phiên tranh tụng chiều nay, luật sư Nguyễn Danh Huế - đại diện cho BVĐK Hòa Bình - nhắc lại quan điểm người phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này là ông Trương Quý Dương - nguyên giám đốc bệnh viện, và giám đốc Công ty Thiên Sơn.
Theo ông Huế, việc Công ty Thiên Sơn "bán cái" hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO cho Công ty Trâm Anh là hành vi chuyển nhượng thầu trái pháp luật nghiêm trọng, là nguyên nhân chính dẫn tới việc 9 bệnh nhân tử vong.
Luật sư này kiến nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét khởi tố giám đốc Công ty Thiên Sơn và xem xét trách nhiệm dân sự nguyên giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương để làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, "cũng là để trả lại công bằng, bảo vệ lẽ phải cho bệnh viện".
Luật sư Nguyễn Danh Huế nêu quan điểm tranh tụng chiều 28-5 - Ảnh: DANH TRỌNG
Luật sư Huế cũng chỉ ra "một điều hết sức vô lý" diễn ra tại BVĐK Hòa Bình suốt những năm qua: Hòa Bình là tỉnh miền núi, bệnh nhân chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số nhưng khi chạy thận lại phải chịu mức giá gấp đôi so với những nơi khác.
Ông Huế dẫn chứng, tại BV Bạch Mai (Hà Nội) và các BV khác, mức giá chạy thận là 3,5-4 USD/ca, còn tại BVĐK Hòa Bình, mức giá lên đến 7,7 USD/ca.
Luật sư này nói không quy kết "sự vô lý" trên là vi phạm, nhưng nhấn mạnh là "có rất nhiều nghi vấn".
"Theo nghị định của Bộ Y tế, khi liên doanh, liên kết, yếu tố đầu tiên đặt ra là hiệu quả, trong khi chúng tôi tìm hiểu thấy đơn nguyên thận nhân tạo luôn lỗ. Bệnh nhân nghèo thì phải trả giá chạy thận đắt gấp đôi, nghĩa là chỉ có lợi ích của nhà đầu tư được đảm bảo.
Trong việc này, ông Trương Quý Dương có vai trò rất lớn", luật sư Huế cho rằng ông Dương phải bồi thường thay cho bệnh viện.
Luật sư này còn thẳng thắn nhận định sự cố y khoa này cho thấy có những nhóm lợi ích "hoành hành trên nỗi đau của các bệnh nhân".
Người nhà nạn nhân trò chuyện với bác sĩ Lương trước phiên tòa chiều 28-5 - Ảnh: DANH TRỌNG
Người nhà nạn nhân không xin giảm tội...
Được nêu ý kiến trước khi VKS đối đáp, đại diện gia đình các nạn nhân tiếp tục nhắc lại quan điểm "bác sĩ Lương không có tội" và kiến nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của ông Trương Quý Dương.
Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (con gái nạn nhân Nguyễn Thị Minh) đề nghị VKS "đính chính" vì trong bản luận tội có nêu "gia đình nạn nhân xin giảm tội cho bác sĩ Lương".
"Ý kiến chung của gia đình cả 9 nạn nhân tử vong là bác sĩ Lương không có tội nên không xin giảm tội mà đề nghị tòa tuyên bác sĩ vô tội", chị Tuyết nói.
Tham dự phiên toà suốt những ngày qua với tư cách người bị hại, chị Tuyết chia sẻ nhận thức: "Người nhà chúng tôi chết là thật. Chứng cứ quy trách nhiệm, buộc tội cho bác sĩ Lương là không có thật, còn bệnh viện 6 năm chạy thận không có giấy phép, các cán bộ được phân công không đúng ngành nghề".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận