Bà M. trả hơn 2 triệu đồng cho thực phẩm chức năng Glutamax, mà nghĩ là thuốc có công dụng chữa bệnh do không được bác sĩ thông tin rõ - Ảnh: Q.LIÊN |
Bà N.T.M. - 61 tuổi, ở Hà Nội - bị bạch biến, đi khám tại Bệnh viện Da liễu T.Ư từ một tháng trước. Ngày 13-7, bà M. đi khám lại do nghi ngờ uống thuốc làm tái phát rối loạn tiền đình.
Cứ tưởng là thuốc
Lần khám này, bà M. ngỡ ngàng khi biết trong tổng số 2,7 triệu đồng tiền thuốc phải trả lần trước có một loại thực phẩm chức năng giá hơn 2 triệu đồng, mà trước đó bà cứ nghĩ là thuốc.
Điều đáng nói, loại thực phẩm chức năng này được ghi ở đơn tư vấn (không phải đơn thuốc), nhưng lại có dòng chữ “thuốc” và kèm theo chỉ dẫn “sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tái khám khi có bất thường”...
“Vì cách ghi như vậy khiến tôi nghĩ đây là thuốc có công dụng điều trị bệnh, buộc phải mua chứ không phải thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ, không bắt buộc sử dụng” - bà M. nói.
Nhập nhằng
Tại Bệnh viện Da liễu T.Ư trong ngày 13-7, hầu hết người bệnh đến khám đều được kê thuốc với hai loại đơn: đơn thuốc và đơn tư vấn. Trong đó phần đơn tư vấn là nơi bác sĩ kê thực phẩm chức năng và mỹ phẩm như là sữa tắm, dầu gội, kem dưỡng... Nhiều phiếu ghi đơn thuốc lên tới 3 - 4 triệu đồng, trong đó phần đơn tư vấn chiếm đến 2/3 số tiền phải trả.
Nhiều người bệnh cho biết họ không để ý đâu là thực phẩm chức năng, đâu là thuốc vì không được bác sĩ tư vấn hoặc dặn dò. Đã vậy, cả hai đơn đều có chữ “thuốc” nên họ nghĩ tất cả đều là thuốc.
Lỗi... máy tính(!)
Trả lời báo chí chiều 13-7, ông Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư, xác nhận có tình trạng trên nhưng nguyên nhân là do... lỗi công nghệ.
Chữ “thuốc” và dòng ghi chú “dùng thuốc theo đúng chỉ định” là ở đơn thuốc, nhưng do lỗi máy tính nên những chữ này lại hiện luôn ở đơn tư vấn, gây hiểu lầm cho người bệnh.
Ông Thường cũng cho biết sẽ yêu cầu bằng văn bản đối với các bác sĩ trong bệnh viện phải có giải thích cụ thể đến từng người bệnh đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng, hướng dẫn sử dụng, khuyến cáo... để người bệnh được thông tin rõ ràng.
Theo ông Thường, có đến 90% các bệnh da liễu phải điều trị bằng các loại vitamin, khoáng chất, hóa mỹ phẩm mới có hiệu quả, nhưng những loại vitamin, khoáng chất hiện nay đều được đăng ký là thực phẩm chức năng. Nhiều loại thuốc đặc trị da liễu khác nay cũng được đăng ký là thực phẩm chức năng. Trong khi đó ở VN không có khái niệm về dược mỹ phẩm (có công dụng điều trị), mà quy thành mỹ phẩm (có tác dụng làm đẹp).
Không được kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc Theo quy định của Bộ Y tế về việc ghi đơn thuốc, bác sĩ không được kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc mà phải kê vào một đơn khác. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thường - giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư, nhiều loại thuốc nhập ngoại đặc trị cho da liễu sau một thời gian vào VN thì hết “visa”, sau đó lưu hành tại VN lại ở dạng thực phẩm chức năng. Những loại này - theo ông - rất đặc hiệu với da liễu nên các bác sĩ vẫn kê cho người bệnh dùng, nhưng khi ở dạng thực phẩm chức năng được hiểu là sản phẩm bổ trợ (có thể sử dụng hay không đều được) nên để điều trị có kết quả tốt, bác sĩ phải tư vấn kỹ cho người bệnh về vấn đề này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận