Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sự việc chỉ được phát hiện và chấm dứt khi người nhà bệnh nhân thắc mắc đến bệnh viện và đề nghị Sở Y tế TP.HCM xác minh.
Bệnh viện âm thầm thu thêm?!
Là người thường xuyên đưa mẹ đến khám chữa bệnh (KCB) tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức nên anh Đỗ Minh Trường (30 tuổi, ngụ Q.9) phát hiện có sự chênh lệch mức giá xét nghiệm của bệnh viện so với mức giá được quy định tại thông tư 15/2018/TT-BYT ngày 30-5-2018 và thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30-11-2018 của Bộ Y tế.
Các khoản tiền thu chênh lệch này được bệnh viện gọi là "khoản tiền thu thêm / phụ thu ngoài BHYT".
Các xét nghiệm phổ biến người bệnh bị thu thêm bao gồm xét nghiệm máu kiểm tra men gan (đo hoạt độ ALT, đo hoạt độ AST thu 7.600 đồng), tổng phân tích tế bào máu ngoại vi thu 9.000 đồng.
Trong ảnh: một bảng kê chi phí khám bệnh mà người bệnh tự chi trả chi phí chênh lệch - Ảnh: H.T chụp lại
Quá trình tìm hiểu, anh Trường xác định các khoản tiền thu thêm của mỗi xét nghiệm không được bệnh viện niêm yết công khai. Điều này thể hiện ở trang 3 của bảng kê chi phí khám bệnh và bảng kê này được bệnh viện thu lại sau khi bệnh nhân ký tên.
"Bệnh viện âm thầm thu thêm, tất cả bệnh nhân hoàn toàn không được giải thích về khoản thu thêm này và tôi cho rằng số bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi việc thu thêm là rất lớn", anh Trường bức xúc.
Theo phân tích của Trường, mức độ người bệnh phải đóng thêm tiền cho các xét nghiệm tùy thuộc vào số lần đến KCB trong khoảng thời gian 10 tháng (từ ngày 20-9-2018 đến 30-7-2019). Ngoài ra, còn phụ thuộc vào số xét nghiệm được bác sĩ chỉ định thực hiện ở mỗi lần KCB nhiều hay ít.
"Dẫn chứng mẹ của tôi đến khám bệnh vào ngày 29-5-2019 bị thu thêm 61.900 đồng, tôi đến khám bệnh vào ngày 17-7-2019 bị thu thêm 24.200 đồng" - anh Trường nói.
Sở Y tế: "Bệnh viện thu sai quy định"
Liên quan đến vụ việc nêu trên, ngày 23-8 (tức 14 ngày sau khi anh Trường gửi kiến nghị yêu cầu bệnh viện trả lời thắc mắc), ông Cao Tấn Phước - giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - có văn bản trả lời.
Theo lý giải của ông Phước, khoản phụ thu chi phí một số xét nghiệm (ngoài mức đồng chi trả theo quyền lợi của BHYT) chỉ là một số xét nghiệm có số lượng thực hiện ít, việc phụ thu chi phí bù đắp để không phải chuyển người bệnh đi thực hiện cận lâm sàng ở tuyến trên.
"Việc thu phí này phải được nhân viên thu phí bệnh viện giải thích và được sự đồng ý của người bệnh. Trong trường hợp của anh Trường, nhân viên thu viện phí sơ sót trong việc giải thích rõ, chúng tôi thành thật xin lỗi và đã chấn chỉnh nhân viên thu phí" - trích văn bản trả lời.
Thẻ lưu trú cho người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Việc này từng gây phản ứng bởi người nhà bệnh nhân đầu năm 2019 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Không đồng tình với giải thích này, anh Trường tiếp tục làm đơn kiến nghị Sở Y tế TP làm rõ khoản tiền bệnh viện thu thêm của tất cả bệnh nhân có thực hiện cận lâm sàng trong thời gian ít nhất 7 tháng (từ ngày 5-1-2019 đến 17-7-2019).
Tuy nhiên, theo báo cáo giải trình với Sở Y tế, bệnh viện thừa nhận có tổ chức phụ thu tiền dịch vụ xét nghiệm từ tháng 9-2018 và chấm dứt từ 31-7-2019 (tức thu khoảng 10 tháng). Lý do thu "nhằm tạo thuận lợi cho bệnh nhân không phải đi lên tuyến trên".
Ngày 25-12, giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh có công văn khẳng định việc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức thu thêm ngoài mức đồng chi trả theo quyền lợi BHYT là sai quy định, bởi giá của những dịch vụ kỹ thuật bệnh viện thu thêm đã bao gồm tiền thuốc, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện dịch vụ.
Hướng xử lý số tiền đã thu không đúng quy định từ người bệnh, Sở Y tế đồng ý cho bệnh viện gửi vào Quỹ Vì người nghèo TP.HCM.
Vậy số tiền thu không đúng bao nhiêu, việc khắc phục các sai phạm như thế nào...? Phóng viên Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với ông Cao Tấn Phước - giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - nhiều lần nhưng vẫn chưa được phản hồi.
Thu phí tiện ích 3.000 đồng là phí gì?
Ngoài các vấn đề nêu trên, anh Trường còn thắc mắc việc bệnh viện thu phí tiện ích 3.000 đồng với tất cả các bệnh nhân. Đó là phí gì?
Theo Sở Y tế, bệnh viện trang bị một số tiện ích tại phòng khám và khu vực chờ cho người bệnh như máy uống nước nóng, lạnh; wifi miễn phí; ổ cắm sạc điện thoại… Và để bù đắp chi phí bệnh viện tổ chức thu 3.000 đồng/lượt khám.
Thế nhưng quy định đối với bệnh viện tổ chức các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và người nuôi bệnh phải niêm yết giá, thu đúng giá.
"Bệnh viện chỉ thu tiền với người nuôi bệnh có sử dụng các dịch vụ tiện ích, không tổ chức thu phí bình quân cho người nuôi bệnh" - công văn Sở Y tế nêu.
Trong khi đó, anh Trường khẳng định các lần đến bệnh viện gia đình điều trị ngoại trú, không sử dụng bất cứ dịch vụ tiện ích nào vẫn bị bệnh viện thu 3.000 đồng/lượt!?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận