Các bác sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) của Việt Nam đang khẩn trương cấp cứu cho quân nhân 39 tuổi, người Ghana đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Nam Sudan - Ảnh: Trịnh Mỹ Hòa
Sáng 2-5, trung tá Trịnh Mỹ Hòa - giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) - cho biết vừa vận chuyển thành công ca cấp cứu MEDEVAC (vận chuyển y tế bằng máy bay trực thăng) cho một quân nhân bị đột quỵ não trong quá trình làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Nam Sudan.
Đây là ca vận chuyển bệnh nhân thành công đầu tiên của Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) kể từ khi được điều sang Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc vào ngày 23-3.
Ngày 30-4, quân nhân 39 tuổi, người Ghana đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan khởi phát với triệu chứng đau đầu dữ dội, đau liên tục kèm theo nôn ói, chóng mặt, đi lại khó khăn. Đây là 1 ca khó chẩn đoán do không điển hình của một ca đột quỵ não.
Bệnh nhân được vận chuyển bằng trực thăng Mi-8 - Ảnh: Trịnh Mỹ Hòa
Bệnh nhân được xử trí hạ áp tại Bệnh viện dã chiến cấp 1 (Ghana) 24 giờ nhưng triệu chứng nặng hơn, nên được chuyển lên Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) của Việt Nam.
Sau khi vận chuyển cấp cứu đường không về bệnh viện thành công, kíp trực khám lâm sàng xác định bệnh nhân có những bất thường như huyết áp cao, hội chứng tiểu não nhẹ bên phải, không yếu liệt chi. Bệnh nhân được theo dõi đột quỵ não tuần hoàn sau trên nền tăng huyết áp độ 2, rối loạn lipid máu.
Nhưng sau 12 tiếng tình trạng bệnh không thuyên giảm, nên Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) xin ý kiến giám đốc y khoa vùng chuyển an toàn bệnh nhân lên Bệnh viện cấp 2+ của Ấn Độ ở thủ đô Juba (Nam Sudan) bằng chuyến bay đặc biệt sau 2 tiếng.
Toàn bộ hành trình được bác sĩ theo dõi kỹ, đảm bảo an toàn - Ảnh: Trịnh Mỹ Hòa
Đánh giá của Bệnh viện 2+ Ấn Độ ở Juba khẳng định dù chỉ dựa vào khám lâm sàng là chủ yếu (không có phương tiện cận lâm sàng như CT scan) nhưng chẩn đoán của Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) của Việt Nam là chính xác và vận chuyển kịp thời. Nhờ đó bệnh nhân này sẽ được chuyển lên tuyến cao hơn (Bệnh viện cấp 3 ở Uganda, ngoài Nam Sudan) điều trị.
Thượng úy Đinh Văn Hồng - đội trưởng Đội AMET (vận chuyển y tế đường không) - cho biết đây là ca vận chuyển cấp cứu đầu tiên của bệnh viện và điều may mắn là tiến hành theo quy trình thuận lợi, quá trình vận chuyển bằng trực thăng Mi-8 bệnh nhân ổn định, bàn giao bệnh nhân an toàn.
Nữ bác sĩ của Việt Nam chăm sóc cho bệnh nhân - Ảnh: Trịnh Mỹ Hòa
Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 3) có 63 cán bộ nhân viên được Bộ Quốc phòng quyết định thành lập vào tháng 3-2020, nhằm thay thế Bệnh viện cấp 2 (số 2) đang làm nhiệm vụ tại Cộng hòa Nam Sudan (từ tháng 3-2021). Hiện bệnh viện mới chỉ hoạt động với 50% quân số, bởi 50% còn lại còn đang cách ly ở thủ đô Juba, dự kiến sang tuần mới hợp quân đầy đủ.
Đây là lần thứ 3 Việt Nam tổ chức bệnh viện dã chiến tham gia gìn giữ hòa bình quốc tế. Trong 3 năm qua, các bệnh viện đã tham gia chăm sóc, điều trị cho trên 2.000 người, trong đó có nhiều ca nghiêm trọng được phẫu thuật thành công, được Liên Hiệp Quốc gửi thư khen ngợi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận