Sở Y tế TP.HCM đã thống nhất về phương án sử dụng cơ sở cũ của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM (201 Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) làm nơi tái khám và chăm sóc điều trị nội trú bệnh nhân đã ổn định của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.
Giúp giảm tải nội trú
Sở Y tế cho biết trung bình mỗi ngày có từ 1.000 - 1.200 lượt khám ngoại trú tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, trong đó có khoảng 60% bệnh nhân tái khám.
Tại các khoa nội trú có 500 - 600 lượt bệnh nhân điều trị nội trú mỗi ngày, trong đó số bệnh nhân cần nằm điều trị dài ngày chiếm khoảng 20% (khoảng 100 bệnh nhân).
Như vậy, theo các phương án điều chuyển cơ sở cũ của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình sử dụng (làm cơ sở 2), cơ sở 201 Phạm Viết Chánh (quận 1) mỗi ngày có thể tái khám cho khoảng 500 lượt bệnh nhân.
Điều này giúp giảm tải nội trú cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (quận 5) hiện hữu khoảng 100 bệnh nhân.
Sở Y tế yêu cầu hai bệnh viện tổ chức bàn giao, tiếp nhận, quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời yêu cầu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình khẩn trương cho cải tạo, sửa chữa một số hạng mục ở cơ sở 2 đã xuống cấp đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế khi vận hành trở lại.
Bố trí những trang thiết bị tối thiểu cần thiết cho hoạt động tái khám và chăm sóc người bệnh nội trú, sẵn sàng phòng cấp cứu tại khoa khám bệnh của bệnh viện để sớm đưa cơ sở này đi vào hoạt động vào đầu tháng 11-2023.
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình xin tiếp nhận
Theo Sở Y tế, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình có quy mô 500 giường với diện tích sử dụng 13.000m2, tương ứng 26m2/giường bệnh. Theo tiêu chuẩn quốc gia, diện tích giường bệnh phải đạt 80 - 90m2/giường bệnh. Điều này đồng nghĩa bệnh viện hiện hữu không còn đạt chỉ tiêu diện tích cho một giường bệnh.
Chưa kể câu chuyện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình quá tải, xuống cấp là vấn đề nhức nhối bấy lâu nay. Vấn đề được dư luận quan tâm khi vừa qua bệnh viện có văn bản xin tiếp nhận tài sản nhà đất từ Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (đã dời về cơ sở mới ở Bình Chánh) tại địa chỉ số 201 Phạm Viết Chánh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1.
Đây được coi là giải pháp tạm thời, trong khi dự án xây mới bệnh viện ở Bình Chánh đang "đứng bánh"; nơi khám bệnh hiện có nằm trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5) quá tải và đặc biệt là địa chỉ 201 Phạm Viết Chánh đang trong tình trạng "vườn không nhà trống" suốt hơn hai năm qua.
Giải pháp này cũng được Sở Y tế thống nhất trong văn bản kết luận ngày 31-8-2022 và cho rằng chuyển giao tài sản và đất của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình làm nơi khám chữa bệnh là cần thiết, phù hợp cho công tác khám chữa bệnh và phát huy hiệu quả việc sử dụng tài sản công.
Sau nhiều lần đề xuất, kiến nghị, mới đây kết luận của ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM, trưởng Ban chỉ đạo 167 - chấp thuận điều chuyển khu nhà đất của Bệnh viện Truyền máu - Huyết học cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình quản lý.
Dự án xây mới 13 năm "giậm chân tại chỗ"
Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xây mới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.
Theo quy hoạch được duyệt, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình có quy mô khoảng 13 tầng (12 tầng nổi, 1 tầng hầm), có 500 giường bệnh với tổng vốn đầu tư khoảng 1.130 tỉ đồng theo phương thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Đây là công trình UBND TP.HCM kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho áp dụng thí điểm hình thức hợp đồng BT.
Lúc bấy giờ, TP.HCM từng quyết tâm khởi công xây dựng bệnh viện này trong quý 4-2010, thời gian thi công dự kiến là 32 tháng (tính từ thời điểm bàn giao mặt bằng), nhưng đến nay đã 13 năm dự án này vẫn "giậm chân tại chỗ".
Sở Y tế từng kiến nghị UBND TP.HCM ngưng triển khai dự án theo hình thức BT, chuyển sang nguồn vốn ngân sách của thành phố. Địa điểm dự án cũng được xin chuyển về thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận