11/09/2024 08:23 GMT+7

Bệnh viện căng mình cứu người trong mưa lũ

Mưa lũ lịch sử khiến nhiều tỉnh, thành phía Bắc đang bị nhấn chìm trong biển nước, nhiều cơ sở y tế bị hư hại nghiêm trọng. Tại các bệnh viện, lực lượng y tế vẫn túc trực cứu chữa người bệnh, người gặp nạn trong mưa lũ, phòng chống dịch bệnh.

Bệnh viện căng mình cứu người trong mưa lũ - Ảnh 2.

Các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức điều trị bệnh nhân trong mưa lũ - Ảnh: BVCC

Với tinh thần 4 tại chỗ được chỉ đạo xuyên suốt ngay khi bão lũ xuất hiện, các bệnh viện nhanh chóng thực hiện di dời tài sản, vật tư y tế, sơ tán bệnh nhân nội trú đến khu vực an toàn; đảm bảo việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho bệnh nhân.

Nỗ lực cứu người trong mưa lũ

Sau trận bão số 3 (Yagi) lịch sử, tỉnh Quảng Ninh là một trong những tỉnh thành bị thiệt hại nhiều nhất do bão gây ra. Đến ngày 10-9 nhiều cơ sở y tế tại tỉnh Quảng Ninh vẫn trong tình trạng hoang tàn, nhiều cơ sở vật chất hư hại nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, hầu hết bệnh viện, trung tâm y tế đều có thiệt hại. Trong đó, nhiều khoa phòng bị tốc mái, nhiều cây xanh bị đổ.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho hay những ngày qua là những ngày rất khó khăn đối với người dân tỉnh Quảng Ninh nói chung và các cơ sở y tế nói riêng. Thiệt hại do bão gây ra là rất lớn và sẽ mất nhiều thời gian để khắc phục.

Trong hai ngày từ 7 đến 8-9 khi bão số 3 đi qua, các bệnh viện ở tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận điều trị 357 ca tai nạn do bão, ba trường hợp tử vong.

Trong đó 18 ca đa chấn thương nặng, 6 ca chấn thương sọ não, 19 trường hợp gãy xương và hơn 300 ca chấn thương phần mềm khác. Các y bác sĩ đã nỗ lực vừa chống bão, vừa đảm bảo cấp cứu điều trị cho bệnh nhân.

Tại Hà Nội, hai bệnh viện tuyến cuối Bạch Mai và Việt Đức cũng căng mình điều trị cho bệnh nhân trong mưa bão lịch sử.

Tại Bệnh viện Việt Đức, trong hai ngày 6 và 7-9, tua trực của Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận và điều trị 14 ca cấp cứu nhập viện do siêu bão tác động. Đến sáng 9-9, khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện điều trị cho gần 130 bệnh nhân, tăng 150% so với số giường có thể tiếp nhận được.

Lãnh đạo bệnh viện cho hay ngay từ khi nhận được thông tin về siêu bão sắp đổ bộ, các đơn vị nội viện liên quan đã phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, gia cố các khu vực trọng yếu như khu vực phòng khám cấp cứu, khoa hồi sức tích cực, phòng mổ, các tầng hầm và các kho lưu trữ thuốc, trang thiết bị y tế...

Các kíp trực đã nỗ lực cấp cứu người bệnh trong cơn bão nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân trong tình huống khẩn cấp.

Bệnh viện căng mình cứu người trong mưa lũ - Ảnh 3.

Bệnh viện tại tỉnh Quảng Ninh thiệt hại nặng nề sau mưa lũ - Ảnh: BVCC

Đội cấp cứu lưu động căng mình cứu người

Từng có 15 năm lái xe cho Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, ông Đào Dũng Tiến chia sẻ chưa bao giờ việc di chuyển đến cơ sở y tế tại Hà Nội lại khó khăn như những ngày vừa qua. Ông Tiến kể lại ca trực trong đêm 7-9, khi cơn bão số 3 càn quét qua Hà Nội là ca trực mà kíp trực không bao giờ quên được.

Ông nói dù đã chuẩn bị tâm lý việc cấp cứu sẽ khó khăn hơn nhưng kíp trực cũng không thể ngờ những chuyến xe lại gian nan đến vậy. Chuyến xe trên con đường không một bóng người, chỉ có tiếng gió rít ầm ầm và những hàng cây đổ nghiêng ngả trên đường.

Nếu bình thường xe di chuyển đến các địa điểm cấp cứu chỉ trong 5-7 phút thì hôm đó phải mất 20-25 phút mới có thể đến nơi. Thậm chí, để đảm bảo an toàn khi cấp cứu người bệnh cả kíp trực đã thủ sẵn mũ bảo hiểm đội trên đầu để tránh nguy hiểm.

"Đáng nhớ nhất trong những chuyến xe "bão táp", có lúc xe suýt bị lật trên dốc Ngọc Hà giao với Hoàng Hoa Thám. Lúc ấy khoảng 21h, khoảnh khắc xe quay đầu rẽ, cùng với gió mạnh khiến chiếc xe bị tạt nghiêng.

Lúc ấy bánh xe dường như đã bị gió nhấc lên. Cả kíp cấp cứu đều thót tim, cảm giác như đang trong một bộ phim hành động. May mắn xe to, nếu không có lẽ xe sẽ bị lật ngay", ông Tiến kể lại.

"Ai cũng biết sẽ phải đối diện với nguy hiểm thế nhưng chúng tôi đã chọn nghề này, công việc này nên phải bằng mọi cách hoàn thành nhiệm vụ", ông Tiến bộc bạch.

Cũng đang công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115, bác sĩ Nguyễn Huyền Linh (28 tuổi) được phân công trực trong đêm mưa bão ở Hà Nội. Đêm 7-9, khi nhận được cuộc gọi từ người nhà bệnh nhân thông báo cụ ông 94 tuổi (Láng Hạ, Đống Đa) đang trong tình trạng khó thở, tăng huyết áp, lúc này ngoài trời đã mưa to, những cơn dông lốc khiến các tuyến đường di chuyển khó khăn.

"Bình thường chỉ mất 5-7 phút di chuyển thì hôm đó phải 20 phút sau chúng tôi mới tiếp cận được bệnh nhân. Khi đến nơi, bệnh nhân đã rất nguy kịch, không thể đo mạch, hỏi đáp không thưa. Ngay lập tức, tôi sơ cứu ép tim, hô hấp nhân tạo, đồng thời đưa lên xe cấp cứu để đưa đến bệnh viện gần nhất", bác sĩ Linh kể lại.

Trong bão số 3, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đáp ứng 112/112 lượt yêu cầu cấp cứu, phục vụ 83 bệnh nhân cấp cứu, vận chuyển 15 bệnh nhân tới viện an toàn.

Trong mưa bão, khi những nguy hiểm cận kề, các y bác sĩ, lực lượng cứu hộ vẫn túc trực vượt mưa lũ để cứu sống người bệnh. Bệnh viện không chỉ là nơi chữa lành vết thương cơ thể mà còn là nơi tràn đầy sự an ủi và hy vọng giữa dông bão.

Phòng chống dịch bệnh mùa lũ ra sao?

Trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ nhiều dịch bệnh.

Để chủ động phòng tránh dịch trong mùa mưa bão, Bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi.

Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô... hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

Mắc mùng khi ngủ kể cả ban ngày. Thay rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác động vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Bệnh viện 'căng mình' cứu người trong mưa lũ - Ảnh 3.Bệnh viện ở Quảng Ninh hoang tàn sau bão Yagi, hệ thống điện nước tê liệt

Do ảnh hưởng của bão Yagi, nhiều bệnh viện tại tỉnh Quảng Ninh thiệt hại nặng nề sau bão, một số bệnh viện đã cạn kiệt nguồn nước dự trữ, hệ thống điện nước tê liệt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên