Mỗi ngày Trung tâm cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 200 - 300 bệnh nhân cấp cứu nặng, thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải trong khi nhiều trang thiết bị, máy móc đã được sử dụng thời gian dài nên hiệu suất bị giảm - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Nhưng nhiều hạn chế, vướng mắc cũng từ đó lộ ra, khiến các bệnh viện xin dừng thí điểm tự chủ khi bản thân họ chưa thể tự giải quyết hết những hạn chế, vướng mắc đó.
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) là một ví dụ. Đối thoại cùng Tuổi Trẻ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ nói: "Chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng tự chủ toàn diện hơn hai năm qua đã dẫn đến nhiều kết quả không mong muốn".
Từ "bệnh viện giàu" thành không có nguồn thu
* Ông vừa nhắc đến việc "cố gắng hết sức", cụ thể như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
- Sau hơn hai năm thực hiện tự chủ toàn diện, từ một "bệnh viện giàu", thu nhập y bác sĩ cao, chất lượng chuyên môn hàng đầu, những ngày này nói đến Bạch Mai nhiều người ái ngại vì lương y bác sĩ giảm còn 1/2, thậm chí 1/3.
Từ giữa năm 2020 đến hết 2021 hơn 200 y bác sĩ xin nghỉ, chuyển việc, năm nay thêm 100 người. Lý do chính y bác sĩ nghỉ việc là thu nhập giảm thấp vì bệnh viện không có nguồn thu để chi trả khoản thu nhập tăng thêm, trong khi bệnh nhân đông, công việc quá sức.
Không phải chúng tôi không nỗ lực mà đã làm hết sức, để thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết 33 (nghị quyết về thí điểm tự chủ toàn diện bốn bệnh viện thuộc Bộ Y tế, trong đó có Bạch Mai) đã đặt ra, như hạn chế tối đa nằm ghép, tăng sự hài lòng của người bệnh, tổ chức lại các khoa, phòng hợp lý hơn theo chức năng, nhiệm vụ và đặc biệt nhất là chăm sóc toàn diện cho người bệnh tại một số khu vực nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
* Theo ông, đâu là nguyên nhân của kết quả "không mong muốn" này?
- Theo tôi là được tự chủ toàn diện nhưng giá dịch vụ lại không được tự chủ, vẫn thu theo giá bảo hiểm. Trong khi chúng tôi thực hiện nâng chất lượng dịch vụ, như trước đây giường dịch vụ ở nhiều khoa, phòng có thể chiếm tới 50 - 60% số giường kế hoạch thì hiện giảm còn dưới 25%, nhờ đó giảm tối đa nằm ghép, hiện giờ rất ít giường bệnh phải ghép hai bệnh nhân. Làm tốt nhưng thu vẫn theo mức cũ nên tài chính thâm hụt. Đây là khó khăn nhất trong giai đoạn vừa qua của chúng tôi.
Có gắng hết sức vẫn luẩn quẩn
* Và hiện tại đã có người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai phàn nàn về chất lượng dịch vụ, ít thấy bác sĩ kinh nghiệm...
- Năm 2020 - 2021 có 200 y bác sĩ, hậu cần, cả kế toán giỏi ở Bạch Mai nghỉ/chuyển việc, năm nay thêm 100 người. Lương, thu nhập thấp quá trong khi hiện nay bệnh nhân đông, y bác sĩ làm việc quá sức, thu nhập tăng thêm chỉ bằng 1/3, có nơi bằng 1/5 so với trước.
Trong khi chúng tôi phải dành mọi nguồn thu để trả lương cho y bác sĩ, khoản tiết kiệm được (thực tế là quỹ phát triển sự nghiệp) trong 10 năm qua đã dùng hết để trả lương, vì năm 2020 nguồn thu giảm 2.000 tỉ đồng so với 2019, tương đương giảm 30%, đến 2021 lại giảm tiếp 1.500 tỉ so với 2020.
Thực tế những người ở lại bệnh viện là rất yêu bệnh viện, yêu nghề, chúng tôi đang cố gắng, nhưng người phải chịu đựng nhiều nhất chính là người bệnh. Hai năm vừa qua chúng tôi không đầu tư thêm được máy móc thiết bị, trong khi những máy móc thiết bị có từ giai đoạn trước thì đều ở diện liên doanh liên kết, đang phải "đắp chiếu" vì chưa rõ ràng về pháp lý.
Đáng tiếc nhất là toàn bộ máy móc dùng cho trung tâm y học hạt nhân và điều trị ung bướu (máy PET CT, thiết bị xạ phẫu, CT 256 lát cắt...), trong khi bệnh nhân phải chuyển đi các bệnh viện khác để chiếu chụp, số thiết bị đó nếu không được sử dụng thì một thời gian nữa sẽ biến thành đống sắt vụn vì không được bảo hành bảo trì.
* Nhưng dù sao các ông đã có một bệnh viện lớn, có thương hiệu, ở ngay trung tâm Hà Nội. Vậy theo ông, bệnh viện đã năng động nhất có thể chưa?
- Hiện cơ sở vật chất của Bạch Mai ở diện xuống cấp, nhiều tòa nhà đã xây dựng nhiều chục năm, ngay tòa nhà xây bằng vốn ODA của Nhật cũng đã có tuổi đời 22 năm. Hai năm qua toàn bộ chi phí sửa chữa là chúng tôi đi xin, vận động, số tiền này cũng lên tới hàng chục tỉ đồng và đều không sử dụng tiền của bệnh viện. Hay giai đoạn dịch COVID-19, chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp, nhận được thiết bị như bơm tiêm điện, máy truyền dịch...
Vấn đề của chúng tôi nằm ở chỗ nguồn thu bệnh viện rất thấp, tiền thuốc, vật tư y tế bệnh viện mua của nhà cung cấp bao nhiêu thu bấy nhiêu, bệnh viện chỉ có nguồn thu từ phí dịch vụ nhưng hiện nay không có thiết bị, tiền giường và dịch vụ nội khoa không đáng bao nhiêu so với khoản chi. Vì thế bệnh viện không đủ tiền đầu tư cho con người, cán bộ không yên tâm làm việc, người giỏi được mời sang các bệnh viện tư, nguy cơ ảnh hưởng chất lượng điều trị.
Máy PET CT của Bệnh viện Bạch Mai có giá hơn 60 tỉ đồng chịu cảnh “đắp chiếu” từ năm 2020 dù vẫn hoạt động bình thường - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Không xin tiền, chỉ xin cơ chế chính sách
* Sau hai năm thí điểm tự chủ, ông có nói về việc cần thay đổi chính sách để tự chủ mà "sống được", cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Theo các tiêu chí hiện tại, Bạch Mai có thể xếp vào nhóm tự chủ chi thường xuyên. Có người nói chúng tôi không tự chủ toàn diện nữa mà đề nghị quay về tự chủ chi thường xuyên, có phải quay lại "bầu sữa ngân sách" hay không thì không phải. Chúng tôi không xin tiền, chỉ xin cơ chế, chính sách.
Nếu tự chủ toàn diện thì cần phải có lộ trình, trong đó bao gồm tính đúng, tính đủ giá dịch vụ kỹ thuật, mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cũng phải tăng lên và có nhiều mức đóng để người đóng cao được chi trả cao. Người diện chính sách, người nghèo thì được hỗ trợ.
* Nếu có chính sách như ông nói, các ông có thể đưa Bạch Mai quay về như trước đây được hay không?
- Nếu có chính sách như vậy thì Bạch Mai sẽ về như cũ. Truyền thống ở bệnh viện này là có người đi nhưng khi nhận người về là rất khắt khe, bác sĩ nội trú mới được tuyển dụng. Chúng tôi còn bộ khung, còn nhiều người cốt cán, dù đã có nhiều y bác sĩ giỏi ra đi và nếu không thay đổi, chúng tôi sẽ tiếp tục mất người. Nếu cho cơ chế, hai năm nữa Bạch Mai sẽ hồi phục.
Cơ sở hạ tầng tại Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cũng xuống cấp sau thời gian dài không được sửa chữa, tường nhà bong tróc, nhiều vị trí bị thấm phải hứng bằng chậu khi mưa lớn - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Tôi tên Hứa khi đợi chính sách mới
* Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các ông đang làm gì để giữ chân y bác sĩ?
- Mỗi cán bộ nhân viên xin đi, mà ngay cả chỉ có ý định xin đi thôi chúng tôi đã động viên, nhưng vẫn nhiều người đi. Có khi tôi sắp tên là Hứa, không phải tên Cơ nữa, vì ai định đi cũng nói với họ đợi chính sách thay đổi. Nhưng đến nay chưa thay đổi được, mà anh em vẫn phải lo cuộc sống hằng ngày, phải có tiền cho con học hành, chăm lo cha mẹ...
Trong số trường hợp xin đi, có lần tôi không ngủ được suốt một tuần vì một dược sĩ lâm sàng xin nghỉ việc. Dược sĩ lâm sàng là của hiếm trong bệnh viện, chúng tôi cũng mất nhiều công đào tạo, nhưng thu nhập quá thấp. Trước khi đi dược sĩ có đến chào, bạn ấy cũng rất tiếc nhưng biết làm sao được.
Cùng lúc có hai cơn "địa chấn"
Trong ba năm vừa qua, có thể nói Bệnh viện Bạch Mai đã nhận cùng lúc hai cơn "địa chấn". Trong đó, tháng 9-2020, ông Nguyễn Quốc Anh, cựu giám đốc bệnh viện, đã bị bắt để điều tra việc nâng giá robot phẫu thuật Mako và Rosa. Cùng thời điểm đó, toàn bộ thiết bị liên doanh liên kết trị giá cả ngàn tỉ đồng đặt tại Bệnh viện Bạch Mai đã bị tạm dừng sử dụng, "đắp chiếu" cho đến nay, gây hàng loạt khó khăn do thiếu thiết bị chưa kịp bù đắp.
Tháng 11-2021, một giám đốc nữa của Bệnh viện Bạch Mai là ông Nguyễn Quang Tuấn cũng bị bắt do liên quan đến sai phạm trước đó tại Bệnh viện Tim Hà Nội (trước khi ông Tuấn về Bệnh viện Bạch Mai). Điều này gây nên nhiều xáo trộn tâm lý của y bác sĩ, chưa kể những xáo trộn về tổ chức, nhân sự của bệnh viện.
Đây cũng là thời điểm bệnh viện thí điểm tự chủ toàn diện, dịch COVID-19 làm doanh thu sụt giảm... Trong lúc này, ngành y tế nói chung cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu thuốc, thiếu vật tư do những chính sách không phù hợp về đấu thầu, mua sắm, đăng ký lưu hành thuốc... được các ngành chức năng đặt ra nhiều thời gian vừa qua. Chính vì thế, khó khăn của Bạch Mai đang gặp phải là tình hình chung của toàn ngành y tế.
Tự chủ toàn diện sẽ tư nhân hóa
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương, cho rằng Bệnh viện Bạch Mai cùng một số bệnh viện lớn tuyến trung ương xin dừng tự chủ toàn diện là đúng.
Theo ông Trí, có nhiều nguyên nhân, trong đó rất nhiều văn bản quy định cụ thể hơn chưa có dẫn đến lúng túng. Bên cạnh đó, bản chất của vấn đề tự chủ toàn diện gần như bị sai bởi đây là hình thức tư nhân hóa các bệnh viện công.
Với việc thí điểm tự chủ toàn diện theo nghị định 33 khi mọi khâu chuẩn bị chưa xong, chưa đầy đủ đã dẫn đến các máy móc, công việc đang theo cơ chế khác bây giờ lại chuyển sang cơ chế khác, cắt hết nguồn đầu tư từ đó khiến bệnh viện bị bế tắc.
Lý do khách quan khác là Bệnh viện Bạch Mai bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thậm chí còn bị phong tỏa, một loạt cán bộ chủ chốt, hai người đứng đầu bị xử lý hình sự với những lỗi ở giai đoạn trước gây ra chao đảo rất lớn về tâm lý, các vấn đề của bệnh viện.
Cũng cần nói thêm những việc sai trái bị xử lý hình sự đa số liên quan đặt máy, liên kết, huy động vốn đầu tư... Việc xử lý vụ án cũng dẫn đến hàng loạt máy móc, trang thiết bị hiện đại bị niêm phong, trở thành tang vật của vụ án. Việc này tiếp tục dẫn đến bế tắc, không thể làm được.
Trước mắt quay lại tự chủ một phần
Với đủ các nguyên nhân đã nêu nhưng theo ông Trí, Bệnh viện Bạch Mai vẫn phải quay trở lại làm tự chủ. Tuy nhiên, việc giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề nghị thôi tự chủ toàn diện chuyển sang tự chủ theo nhóm 2 của nghị định 60 là bệnh viện chỉ chi thường xuyên, vẫn được hỗ trợ xây dựng cơ bản, sửa chữa, mua sắm các thiết bị rất đúng. Các cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Bộ Y tế, bộ trưởng Bộ Y tế cần vào cuộc quyết liệt hỗ trợ, giải quyết, báo cáo Chính phủ sớm có quyết định cho bệnh viện dừng tự chủ toàn diện chuyển sang tự chủ theo nghị định 60.
Khi có quyết định thay đổi việc tự chủ cho bệnh viện, Bộ Y tế cũng phải bắt tay vào cùng hỗ trợ bệnh viện, trong đó nếu bệnh viện thiếu nhân viên cần tạo cơ chế để họ tuyển người. Với bệnh viện lớn như Bạch Mai việc tuyển người không khó. Cạnh đó với các thiết bị, máy móc nếu thuộc về tang vật vụ án cần điều tra nhanh để chuyển vào làm việc, nếu không Bộ Y tế cần xem xét báo cáo Chính phủ bổ sung kinh phí để bệnh viện mua. Có thể gia hạn thêm ba tháng với nhà thầu đã được ký kết cung cấp thuốc men, thiết bị và trong ba tháng đó phải tiến hành các gói thầu mới theo quy định hiện hành để mua ngay thuốc, trang thiết bị phục vụ nhân dân.
"Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là cần sự quyết liệt và nếu bộ trưởng Bộ Y tế sớm cho ý kiến sẽ giải quyết được ngay vấn đề bất cập ở Bạch Mai", ông Trí nói.
Đại biểu DƯƠNG TẤN QUÂN (Bà Rịa - Vũng Tàu):
Quốc hội cũng cần vào cuộc
Việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ của các bệnh viện công còn nhiều bất cập, trong đó căn cứ cơ sở pháp lý về cơ chế tự chủ còn thiếu, chưa đủ, dẫn đến tình trạng "không cân đối, không tự chủ được nguồn tài chính". Cạnh đó đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, liên doanh, liên kết, sử dụng thiết bị y tế kỹ thuật cao tại các cơ sở y tế công lập chưa có quy định.
Ngoài ra việc giao dự toán khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở các cơ sở y tế còn chưa phù hợp, chưa đảm bảo giá dịch vụ y tế, chưa "tính đúng, tính đủ chi phí" trong các bệnh viện phải tự chủ kinh phí chi thường xuyên. Cạnh đó, còn nhiều rào cản về tổ chức, nhân sự trong tự chủ, đấu thầu...
Vì vậy, Quốc hội cần thực hiện rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ chế tự chủ với y tế công lập, giúp các bệnh viện ổn định, y bác sĩ chuyên tâm cho công việc, phục vụ, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
THÀNH CHUNG
Muốn tự chủ phải đủ điều kiện
Hệ thống máy đặt - máy mượn đang hoạt động tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chiều 14-11, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt nhất". Là bệnh viện xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, ông Lê Văn Quảng, giám đốc Bệnh viện K, cho hay việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nếu để bệnh viện tự chủ đầu tư là "không thể lo được". Vì vậy, Nhà nước cần có đầu tư ban đầu về máy móc từ 3 - 5 năm để khi bệnh viện có nguồn đầu tư, lo đủ nguồn vốn mới tính đến tự chủ toàn diện.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng đề xuất việc thực hiện tự chủ ở nhóm nào thì phải đủ điều kiện và phù hợp với từng đơn vị. Tuy nhiên, các bộ ngành liên quan cần tháo gỡ khó khăn liên quan đến đầu tư máy móc, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, để khi bệnh viện có đủ điều kiện sẽ tự chủ toàn phần.
Ông Nguyễn Huy Quang, nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho hay việc Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, tức có quyền được điều chỉnh quy mô giường bệnh, về công tác cán bộ, đầu tư mua sắm quản lý tài sản... nhưng nhiều quy định liên quan lại không đồng bộ, chưa thống nhất, nên gây khó khăn trong thực hiện tự chủ.
Chẳng hạn với tiền lương, các bệnh viện được tự chủ nhưng vẫn phải thực hiện theo thang bảng lương từ ngân sách, nên để có thu nhập tăng thêm cho y bác sĩ là rất khó. Hay quy định về giá dịch vụ là "tính đúng tính đủ" nhưng mới chỉ đáp ứng được các chi phí khám chữa bệnh trong khi đầu tư máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất là khó khăn.
Cũng theo ông Quang, hệ thống y tế của ta là hỗn hợp công - tư, nên dù tự chủ ở hình thức nào thì Nhà nước phải đảm bảo ngân sách trong chi đầu tư, nắm vai trò chủ đạo. Về hoàn thiện thể chế, ông cho rằng với bệnh viện tự chủ toàn diện gồm: chi thường xuyên và chi đầu tư, có thể tính tới việc thành lập thành công ty, vận hành như doanh nghiệp, đảm bảo tự chủ được minh bạch, hiệu quả.
Theo đó, cần xây dựng quy định về khung giá cho các bệnh viện để tự chủ về tài chính, có kế hoạch tính đúng, tính đủ trong các yếu tố cấu thành giá; hướng dẫn về quản lý tài sản công để thực hiện liên doanh, liên kết cho phù hợp, hướng dẫn thành lập hội đồng quản lý, sửa đổi quy định đấu thầu thuốc, trang thiết bị, điều chỉnh tiền lương tiền công cho phù hợp...
NGỌC AN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng trở ngại trong tự chủ là viện phí chưa tính đúng, tính đủ. Hiện nay hầu hết các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế TP.HCM quản lý (45/50 bệnh viện) đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhưng giá dịch vụ khám chữa bệnh mới chỉ dùng để chi tiền lương và các chi phí trực tiếp như thuốc, hóa chất, vật tư, điện, nước, xử lý rác thải, nước thải...
Các chi phí khác như khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản, công nghệ thông tin, quản lý, đào tạo... vẫn chưa được kết cấu vào giá.
Sắp tới nếu chưa chuyển đổi cấu trúc quản lý của các bệnh viện theo mô hình tự chủ tài chính như các nước, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND TP cho thành lập hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện.
Ông Nguyễn Tri Thức, giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay giá dịch vụ y tế công đến nay vẫn chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành gây nhiều khó khăn đối với các bệnh viện tự chủ, đặc biệt với bệnh viện tự chủ thuộc nhóm 1 và nhóm 2 do không được cấp kinh phí chi thường xuyên và đầu tư. Tính đúng, tính đủ hoàn toàn không phải là lạm thu.
Mặt khác, các chi phí có tính biến động giá theo điều chỉnh của Nhà nước, trượt giá không được điều chỉnh đồng thời vào giá dịch vụ y tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn chi lương, thu nhập cho cán bộ viên chức, khó thực hiện chế độ đãi ngộ thu hút nhân tài.
HƯƠNG THẢO
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận