Phóng to |
Đông đảo bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Bình Dân - Ảnh: Thanh Đạm |
Tiến sĩ Lê Quang Hàng, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty thẩm định giá SaigonLand, nói: “Nếu tính cả hai khu đất của bệnh viện thì giá trị tài sản có thể lên đến gần 1.100 tỉ đồng, gấp 12 lần số tiền bệnh viện định giá trong phương án CPH”.
Ông Hàng cho biết theo dữ liệu của công ty, giá đất nhà phố đang giao dịch trên thị trường tuyến đường Điện Biên Phủ, đoạn Bệnh viện Bình Dân khoảng 7 lượng vàng/m2. Với những khu đất có diện tích lớn hơn như khu vực đất của Bệnh viện Bình Dân (13.838,5m2), các chuyên gia thẩm định giá nhận định giá đất có thể dao động ở mức 4,2 lượng vàng/m2 (khoảng 60% mức giá thị trường). Với mức giá này, giá trị hai khu đất Bệnh viện Bình Dân có thể không dưới 750 tỉ đồng.
Cổ phần hóa bệnh viện: Còn những mô hình khác tốt hơn Thí điểm cổ phần hóa Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM Tự trị, chất lượng và y đức thay vì cổ phần hóa bệnh viện công Cổ phần hóa bệnh viện công: Dự kiến nhiều ưu đãi cho Bệnh viện Bình Dân Cổ phần hóa bệnh viện công: Không phải lựa chọn tốt nhất
Biếu không đất, thương hiệu
Nhiều người nhảy vào trục lợi Một chuyên gia thẩm định giá cho rằng đối với ngành dịch vụ như Bệnh viện Bình Dân, thương hiệu thường có giá cao hơn những ngành khác; việc bệnh viện để các “cổ đông tương lai” tham gia quá trình định giá tài sản là không khách quan, mà phải có một cơ quan thẩm định độc lập. Tính không chính xác không những làm thất thoát tài sản nhà nước mà còn tạo điều kiện cho những người trục lợi nhảy vào. “Ở một bệnh viện tư không mấy tiếng tăm, hiện giá cổ phiếu gấp 5-6 lần mệnh giá thì với Bệnh viện Bình Dân, người ta sẵn sàng chấp nhận mua giá cao hơn nhiều lần như vậy vì tài sản không được tính đúng giá trị thực”, chuyên gia này cho biết thêm. |
- Có thể đề án CPH chọn hình thức thuê đất, không tính giá trị khu đất nên tài sản của bệnh viện chủ yếu là máy móc thiết bị và các công trình trên đất. Tuy nhiên mức giá 90 tỉ đồng bệnh viện đưa ra khiến nhiều người bất ngờ.
Theo qui định của UBND TP.HCM, giá thuê đất tại khu vực này chỉ bằng 2% bảng giá đất qui định (thuộc khu vực 1). Nếu phân tích ở góc độ nhà đầu tư, với giá thuê như trên thì 50 năm sau Nhà nước mới thu hồi được vốn! Ở đây nếu tính đến khía cạnh lãi suất, lạm phát... như cách tính của các nhà tài chính khi phân tích đầu tư thì chắc chắn thời gian thu hồi vốn sẽ lâu hơn. Vì vậy, Nhà nước gần như biếu không cho cổ đông tài sản đất đai trong thời gian thuê đất.
* Đã vậy trong đề án CP, Bệnh viện Bình Dân đề xuất được miễn tiền thuê đất trong năm năm, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong tám năm. Theo ông, đề nghị này có hợp lý?
- Với phân tích như trên, tôi nghĩ các cơ quan chức năng của Nhà nước sẽ cân nhắc và có quyết định hợp lý.
* Giá trị thương hiệu của bệnh viện cũng không được đề cập. Trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến vấn đề này, thậm chí có thương hiệu lên đến hàng tỉ đôla. Ông có nhận xét gì về điều này?
- Trong nền kinh tế thị trường, giá trị doanh nghiệp bao gồm ba loại tài sản: tài sản tiền tệ, tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Thương hiệu là một trong những tài sản vô hình của doanh nghiệp. Giá trị của thương hiệu chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong tài sản của doanh nghiệp. Một nghiên cứu của Công ty Interbrand và J.P. Morgan năm 2002 cho thấy giá trị trung bình của thương hiệu chiếm ít nhất bằng 1/3 giá trị cổ phiếu. Còn cao hơn như Nokia, Coca-Cola chiếm 51%, Disney 68%, McDonald’s 71%...
Bệnh viện Bình Dân đã hình thành và được đầu tư hơn 50 năm qua, tọa lạc tại khu vực trung tâm của TP, có một lợi thế thương mại rất lớn. Đồng thời có đội ngũ thầy thuốc nổi tiếng, giỏi về chuyên môn... Nó được nhiều người trong cả nước biết đến. Tất cả các yếu tố trên đã tạo nên một thương hiệu mà ai cũng nhận ra.
Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Interbrand và J.P. Morgan về định giá thương hiệu, ta thử tính ở mức trung bình thì giá trị thương hiệu của Bệnh viện Bình Dân có thể là 250 tỉ đồng. Như vậy nếu tính cả hai khu đất của bệnh viện thì giá trị tài sản có thể lên đến gần 1.100 tỉ đồng, gấp 12 lần số tiền mà bệnh viện định giá trong phương án CPH.
Thất thoát tài sản
* Nghĩa là Nhà nước đương nhiên bị thất thoát nếu không tính đúng tính đủ giá trị tài sản?
- Với cách tính như hiện nay, chắc chắn Nhà nước sẽ bị thất thoát tài sản. Điều đó minh chứng rất rõ trên thị trường chứng khoán, nhất là thị trường OTC. Các nhà đầu tư nước ngoài nhận định rằng cổ phiếu của doanh nghiệp Việt Nam rẻ vì thật ra chúng ta chưa tính đúng, tính đủ tài sản thực tế của một doanh nghiệp.
Một khi giá trị tài sản của doanh nghiệp phản ánh đúng giá trị thật của nó sẽ hạn chế được những thất thoát tài sản không đáng có cho Nhà nước. Mặt khác cũng giúp nhà quản lý, điều hành công ty khai thác tốt nhất tài sản hiện có để đem lại lợi nhuận cho các cổ đông. Có 90 tỉ đồng thì anh quản lý khác, nhưng nếu tài sản là 1.100 tỉ đồng anh phải chịu áp lực nhiều hơn, buộc phải đổi mới công nghệ, thay đổi cung cách quản lý sao cho phù hợp.
* Có ý kiến cho rằng việc tính tài sản chưa sát với giá thị trường là một dạng ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp CPH?
- Trước đây thì cách làm này phù hợp, nhưng nay cần phải thay đổi để thích ứng với cơ chế thị trường. Ngoài ra cần phải xem xét yếu tố pháp lý về giá trị thương hiệu trong quá trình định giá tài sản của doanh nghiệp khi CPH, góp vốn liên doanh liên kết.
Cổ phần hóa bệnh viện công là thất sách
Chiều 5-6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM tiếp tục tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về đề án thí điểm cổ phần hóa (CPH) Bệnh viện (BV) Bình Dân. Ông Lê Hiếu Đằng - phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ TP - phân tích nhiều vấn đề: đề án CPH chưa rõ, chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện, giá trị đất thì rất lớn nhưng chưa tính được, thương hiệu là giá trị vô hình cùng với đội ngũ bác sĩ uy tín lâu năm cũng chưa tính. Cái lo lắng nhất là sau khi CPH người nghèo được chăm sóc như thế nào? Nói thiếu 60 tỉ hay hơn nữa thì có nhất thiết phải CPH hay chọn một phương án khác? Cổ đông chiến lược là như thế nào? Chủ trương CPH BV là đúng chưa ?...
BS Nguyễn Thế Dũng - giám đốc Sở Y tế TP - đưa ra nhiều lý do để bảo vệ việc tiến hành thí điểm CPH BV Bình Dân, đồng thời cho biết đề án hiện ở giai đoạn trình lên Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch - đầu tư. Tuy nhiên, ngay sau đó gần mười ý kiến của các đại biểu đã bày tỏ quan điểm phản bác. GS Trần Đình Bút - nguyên hiệu trưởng Trường Quản lý kinh tế cao cấp T.Ư TP.HCM - nhấn mạnh CPH đồng nghĩa với việc biến BV thành nơi phục vụ người có tiền. Có phải nhóm tác giả đề án đã chuyển biến chức năng thiêng liêng của mọi BV nhà nước là phục vụ vô điều kiện cho người dân sang chức năng kinh doanh sức khỏe? Đề án không tính giá đất, nhưng ông Bút cho rằng khoảng 2.085 tỉ đồng, nếu so với giá trị tài sản mà đề án nêu ra thì phần vốn nhà nước tại BV chỉ có 90 tỉ, điều này hoàn toàn bất hợp lý.
TS Phạm Minh Trí - chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật & quản lý TP - cũng phân tích: “Nếu chúng ta cần tiền đầu tư mà biến BV công thành BV cổ phần là việc làm không đúng. CPH BV Bình Dân là chúng ta đã lạc hướng, không đúng đối tượng, vì nó ảnh hưởng đến nhân dân rất lớn. Nếu CPH thì chỉ một nhóm người được lợi, còn nhân dân và Nhà nước bị thiệt, cái thiệt lớn nhất là bị tổn thương về lòng tin và uy tín của mình trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận