Phòng khám cho giới LGBT tại bệnh viện Bình Dân mở cửa vào chiều thứ 6 hàng tuần, tại lầu 6 khoa kỹ thuật cao - Ảnh tư liệu
ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, trưởng Khoa Nam học bệnh viện Bình Dân, cho biết đây là vấn đề mới, phòng khám mới được mở, số lượng bệnh nhân đến chưa nhiều như phòng khám thường nhưng rất được cộng đồng LGBT đón nhận.
Nhu cầu được chăm sóc y tế lớn
"Bản thân mình gặp rất nhiều rào cản về vấn đề y tế nên rất đồng cảm với các bạn cùng giới. Mắc các bệnh về vùng kín, cơ quan sinh dục nhưng đến bệnh viện lúc nào cũng bị kỳ thị, không chấp nhận giới tính nên không cho khám đành đi về. Dần già các bạn cũng ngại, không muốn đến cơ sở y tế mà tự mua thuốc uống hoặc để bệnh tự diễn tiến"- Bội Nhi (22 tuổi, TP.HCM), tốt nghiệp trường Múa TP.HCM, cô gái chuyển giới nữ xinh đẹp trong tà áo dài chia sẻ.
Phẫu thuật chuyển đổi giới tính hiện chưa được pháp luật công nhận, nhiều người để thỏa mãn mong mỏi được sống là chính mình phải ra nước ngoài làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, vấn đề hậu phẫu rất quan trọng nhưng hầu hết các bạn tự chăm sóc lẫn nhau, theo kinh nghiệm người này chăm người kia.
"Sau hậu phẫu, có nhiều người bị ngứa ở bộ phận sinh dục nhưng không biết đến đâu để được thăm khám. Hoặc các bệnh lây qua đường tình dục cũng không biết tiếp cận cơ sở y tế nào. Bởi không phải ai phẫu thuật cũng được chuyển đổi hoàn toàn, chuyển giới nam sử dụng hoóc môn thì vẫn còn tử cung, cơ quan sinh dục nữ… Đến khám phụ khoa không được mà qua nam khoa cũng không được tiếp nhận"- anh Hà Thanh (Hà Nội), chuyển giới nam cho biết.
"Những vấn đề can thiệp y khoa vẫn rất cần sự chấp nhận của xã hội, các bệnh viện không kỳ thị bệnh nhân… các bạn rất mong được chăm sóc y tế như những người bình thường khác, được chăm sóc hậu phẫu, tránh biến chứng. Mình may mắn là dù chỉ có hai mẹ con, nhưng được mẹ chấp nhận và đồng hành, còn rất nhiều bạn không được gia đình chấp nhận, thậm chí chối bỏ thì việc chăm sóc sức khỏe gặp rất nhiều khó khăn"- Bội Nhi tâm sự.
Phòng khám có đầy đủ chuyên khoa
Theo ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, do xã hội vẫn còn tâm lý phân biệt đối xử nên họ thường ngại đến các cơ sở khám chữa bệnh công mà thường tìm đến những phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, có khá nhiều phòng khám tư không đủ điều kiện khám và điều trị cho những bệnh nhân này dẫn đến tiền mất tật mang.
Và bản thân người LGBT cũng ngại đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị các bệnh lý có sẵn cũng như biến chứng hậu phẫu từ nước ngoài về.
"Dự án luật chuyển đổi giới tính đã được trình Quốc hội. Tuy nhiên, hiện tại vấn đề chăm sóc y tế của cộng đồng chuyển giới còn bỏ ngỏ. Có rất nhiều trường hợp biến chứng hậu phẫu từ nước ngoài về mà không được chăm sóc hoặc can thiệp y khoa dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhu cầu của nhóm LGBT không chỉ chuyển giới mà còn cần được chăm sóc sức khỏe cơ bản. Vì vậy, phòng khám mở ra sẽ giải quyết được nhiều vấn đề mà nhóm mong mỏi"- bác sĩ Dũng cho biết.
Hiện tại, bệnh viện Bình Dân vừa ra mắt phòng khám dành riêng cho người LGBT vào chiều thứ sáu hằng tuần tại lầu 6 khu kỹ thuật cao (Điện Biên Phủ, TP.HCM), điều trị tất cả bệnh lý cho nhóm đối tượng này.
"Lần đầu tiên tiếp xúc, tôi gặp rất nhiều bạn hỏi ‘bác sĩ có kỳ thị người đồng tính, chuyển giới không?’. Tôi khẳng định với tất cả mọi người rằng, tôi không kỳ thị bất kỳ ai hết. Mỗi người một thân phận khác nhau. Bệnh nhân đã vào bệnh viện thì đều được điều trị như nhau.
Tại phòng khám có đầy đủ các chuyên khoa, tư vấn tâm lý đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác. Quy trình khá đơn giản khi chỉ cần đăng ký trước theo số điện thoại 028.6686.1267 và sau đó đến trực tiếp phòng khám."- BS Dũng cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận