Người dân có thêm lựa chọn
Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, góp phần giảm tình trạng quá tải, từ ngày 1-8, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu triển khai khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính tại nhà K1 - khoa khám bệnh theo yêu cầu.
Trao đổi với báo chí chiều 30-7, ông Đào Xuân Cơ - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho hay bệnh viện đã sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ khám chữa bệnh ngoài giờ cho người dân.
Ông Cơ cho hay mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận từ 8.000 đến 10.000 người bệnh tới khám. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được thăm khám, có kết quả trong ngày, bệnh viện đã mở cửa khám bệnh từ 5h sáng.
"Mặc dù vậy, tình trạng quá tải vẫn diễn ra, vì vậy bệnh viện quyết định mở rộng khung giờ khám từ 17h đến 21h (thứ hai đến thứ sáu), người dân có thể dễ dàng sắp xếp công việc để thuận tiện đến bệnh viện, giảm thời gian chờ đợi đến lượt khám.
Việc chuyển qua khám vào buổi chiều, ngoài giờ không chỉ giúp người dân chủ động sắp xếp thời gian, mà còn có cơ hội đặt lịch khám dễ dàng", ông Cơ nói.
Ông Cơ cũng cho hay đến nay đã có 2.000 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y, cán bộ công nhân viên đăng ký tự nguyện làm thêm ngoài giờ hành chính.
Theo đó, bệnh viện bố trí đầy đủ phòng khám chuyên khoa tương tự trong giờ hành chính như nội tiết, tiêu hóa, cơ xương khớp, hô hấp, thần kinh, thận tiết niệu, tim mạch, truyền nhiễm, huyết học… Các phòng khám được bố trí tại nhà K1, thuận tiện cho việc di chuyển của người dân đến khám.
Về chi phí khám chữa bệnh, lãnh đạo bệnh viện cho hay đã gửi công văn lên Bộ Y tế đề xuất có thể khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoài giờ. Người bệnh có thẻ hoặc có giấy chuyển tuyến được hưởng bảo hiểm y tế.
Các chiếu chụp, xét nghiệm máu, siêu âm… chỉ sau 2 giờ sẽ có kết quả. Người dân khám ngoài giờ hành chính nhưng giá dịch vụ y tế không thay đổi.
Ông Vũ Văn Giáp, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ sau đại dịch COVID-19, bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn. Không ít nhân viên, y bác sĩ phải đi giao hàng, làm hàng mã, bán hàng online… để cải thiện cuộc sống.
Việc khám bệnh ngoài giờ sẽ giúp cán bộ nhân viên tăng thu nhập bằng chính tay nghề của mình, còn người bệnh chấm dứt cảnh chờ đợi từ nửa đêm, vật vờ chờ được khám bệnh.
Xét nghiệm máu buổi tối có ảnh hưởng đến kết quả?
Nhiều người dân băn khoăn liệu khám bệnh vào buổi tối có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Trong đó xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm được khuyến cáo nhịn ăn trước khi xét nghiệm.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Trần Minh Thảo - phó trưởng khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay một số xét nghiệm máu không cần nhịn ăn như xét nghiệm nhóm máu; xét nghiệm viêm gan A, B, C...; xét nghiệm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai.
Hoặc tầm soát ung thư, các xét nghiệm nhằm tìm ra dấu ấn ung thư như hormone hay các protein đặc biệt; xét nghiệm liên quan đến sản khoa như định lượng Beta hCG, các xét nghiệm liên quan đến tầm soát dị tật thai nhi, xét nghiệm NIPT và xét nghiệm giun sán đều không cần nhịn ăn.
"Đối với xét nghiệm công thức máu, việc ăn uống sẽ không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, do đó người dân không cần nhịn ăn trước khi lấy mẫu.
Tuy nhiên trong trường hợp mẫu máu cho các loại xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm miễn dịch... hay một số xét nghiệm khác thì bắt buộc phải nhịn ăn từ 8 - 12 giờ để không làm sai lệch kết quả xét nghiệm", bác sĩ Thảo khuyến cáo.
Bệnh viện cũng khuyến cáo người dân đặt lịch khám qua tổng đài và đăng ký khám vào buổi chiều hoặc ngày cuối tuần để tránh tình trạng quá tải vào buổi sáng như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận