09/05/2018 09:16 GMT+7

'Bệnh viện'... 15.000 đồng

ĐOÀN NHẠN - T.B.DŨNG
ĐOÀN NHẠN - T.B.DŨNG

TTO - Cái tên 'Bệnh viện' 15.000 đồng mà bà con làng biển Hoà Hiệp Bắc (Đà Nẵng) gọi cũng bắt nguồn từ đây: Ai có tiền thì trả 15.000 đồng bỏ vào hòm cho một lần khám, thuốc thang điều trị lấy thoải mái.

Bệnh viện... 15.000 đồng - Ảnh 1.

Y sĩ quân y Ninh Công Khánh khám chữa, điều trị miễn phí cho bà con tại trung tâm sinh hoạt cộng đồng phường Hoà Hiệp Bắc Ảnh: B.D

16 giờ chiều, hình ảnh một ông y sĩ biên phòng không mặc bộ đồ quân phục chạy chiếc xe máy cũ rè rè tấp tới Trung tâm sinh hoạt cộng đồng phường Hoà Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) làm nhiều người bật cười.

"Hôm nay đông khách khám hay sao đến trễ dữ. Tụi tui đợi ông cả tiếng rồi, làm lẹ rồi vào khám cho bà con đi" - tiếng một người phụ nữ lớn tuổi bật ra từ cánh cửa nhà sinh hoạt cộng đồng.

Trạm xá đặc biệt

Nhà sinh hoạt cộng đồng của phường Hoà Hiệp Bắc nằm sâu hun hút trong những con hẻm nhỏ, bên cạnh những dãy nhà lụp xụp ken đặc của bộ đội biên phòng và những người dân nghèo miền biển. 

Y sĩ Ninh Công Khánh - cán bộ quân y Đồn Biên phòng Hải Vân mở tủ thuốc lôi ra chằng chịt những thiết bị máy móc rối rắm dây nhựa, kim châm để bắt đầu buổi khám chữa bệnh cho bà con.

Bốn năm người bệnh - tất cả đều là bà con nghèo được ông Khánh xếp nằm ngang trên tấm chiếu, đôi mắt lim dim hướng mặt qua nhau để vừa nói chuyện về mớ cá, vừa tận hưởng những giây phút khoan khoái dễ chịu khi được đưa kim châm cứu vào các vùng lưng, bả vai.

Bỗng từ ngoài cửa, một phụ nữ tất tưởi chạy xe máy rà tới, bước vào cửa rồi nói như reo với cả ông Khánh lẫn mấy người: "Khoẻ dữ rồi bác sĩ ơi. Mấy hôm trước tui lết không có được. Cả người đau ê ẩm, đụng vô chỗ mô cũng đau. Mới châm có hai bữa mà thấy bữa ni bạo không? Chân tay cứ như là sống lại rứa đó. Tui kể cho chồng mả ổng cũng không tin". 

Người phụ nữ này cũng là một bệnh nhân của ông Khánh - bà Nguyễn Thị Bích - tổ 23 phường Hoà Hiệp Bắc. Bà Bích kể rằng do lao động nặng nhọc nhiều năm nên bà bị chứng đau mỏi, tê chân tay triền miên. 

Đi nằm viện điều trị nhưng do bệnh viện cách xa nhà, mỗi ngày chỉ có thể điều trị châm cứu được khoảng 1 giờ nên bệnh tình không chuyển biến. Được bà con rỉ tai mách nước, bà tìm tới "bệnh viện" của y sĩ Ninh Công Khánh.

Chúng tôi đứng quan sát để tìm cách tiếp chuyện với vị y sĩ - mà người dân vùng biển gọi là "bác sĩ" Khánh. Nhưng càng về tối mịt, lượng người đến nhà văn hoá cộng đồng càng đông hơn. Ông Khánh nói rằng cứ hỏi chuyện đi, vì càng về tối bà con mới đi làm về, họ sẽ tới càng đông hơn nên khả năng rảnh tay là không thể. 

Chỉ trong chớp nhoáng, những dãy bàn ghế, bục sân khấu nhà văn hoá cộng đồng và những dãy hành lang đã không còn một chỗ trống. Ánh điện nhá nhem trộn lẫn mùi mồ hôi đặc trưng của dân làng biển, ông Khánh vẫn miệt mài chăm chút, điều trị cho từng người bằng vẻ mặt cam chịu tới lạ lùng.

Dành hết thời gian khám chữa bệnh cho bà con nghèo

Suốt buổi nói chuyện, y sĩ Ninh Công Khánh không gọi những người tới nhờ mình chữa trị là bệnh nhân mà dùng một từ hết sức gần gũi, thân thương khi nhắc về họ: "bà con".

Ông Khánh là y sĩ Quân y biên phòng, từng được phân nhiệm vụ tại đồn biên phòng Sơn Trà (TP Đà Nẵng) rồi tới năm 2009 ông chính thức được điều động về trạm quân dân y 3 trong 1 tại Hoà Hiệp Bắc. 

Từ nguồn thuốc của Bộ Chỉ huy cấp xuống, ông cùng anh em cán bộ chiến sĩ hàng ngày lại ngồi ở trạm 3 trong 1 sơ cứu, thăm khám sức khoẻ cho bà con vùng địa bàn phụ trách.

Tháng 12-2016 Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng điều động ông trở lại trạm Sơn Trà. Những người dân vùng biển ở đây vốn thân thuộc, quá quen với ông nên họ... viết thư gửi đồn, gửi cả Bộ Chỉ huy đề nghị cho ông được trở lại với bà con. 

Những dòng chữ mộc mạc, chân chất mà đầy tình cảm ấy từ những người dân nghèo đã chạm đến lãnh đạo Bộ Chỉ huy. Chỉ một năm sau ngày đi xa bà con, năm 2016 y sĩ Ninh Công Khánh được điều về lại đồn Hải Vân, được sống hàng ngày với bà con.

Điều rất đặc biệt mà mấy chục năm nay ông Khánh luôn làm bà con yêu mến, nể phục: ông không đòi hỏi tiền công khi khám cho dân. Khi khám trên trạm thì có thuốc từ biên phòng cấp, nhưng khám ngoài giờ ở các nhà văn hoá cộng đồng thì ông làm miễn phí, tiền bà con đưa tuỳ tâm. 

Được bao nhiêu ông "sung công quỹ", bỏ vào một cái hòm nhỏ rồi mua thuốc thang, máy móc phục vụ lại cho bà con. Cái tên "Bệnh viện 15.000 đồng" mà bà con làng biển Hoà Hiệp Bắc gọi cũng có từ đây: Ai có tiền thì trả 15.000 đồng bỏ vào hòm cho một lần khám, thuốc thang điều trị lấy thoải mái. 

Ai không có thì cứ lẳng lặng ra về. Nhưng điều kì lạ là với bà con nghèo, họ có thể đến lúc này tay không nhưng lúc khác có được chút tiền là họ lại "trả" gấp nhiều lần. Tất cả vì "bệnh viện 15.000 đồng".

Một ngày làm việc của y sĩ Khánh

Ông Khánh bấm ngón tay rồi nhẩm cho chúng tôi lịch làm việc một ngày: từ 7-11h trưa thì trực tại đồn Biên phòng Hải Vân. Từ 11h ông có 30 phút ăn cơm, nghỉ ngơi cho tới 11h30 thì ra ngồi trực khám cho bà con tại trạm 3 trong 1 Kim Liên, phường Hoà Hiệp Bắc. Tới 16h ông rời trạm và về "bệnh viện" đặc biệt dành cho ông và các bà con nghèo ở nhà văn hoá cộng đồng phường Hoà Hiệp Bắc.

"Vậy con cái, gia đình thì anh sắp xếp như thế nào?". Ông Khánh cười: "Vợ mình lo hết. Được cái là bả cũng là bác sĩ, nên quá hiểu chồng, chả bao giờ hỏi mấy giờ thì về, tiền nong ở đâu cả".

​Ra mắt chuyên mục "Tôi yêu Đà Nẵng" trên báo Tuổi Trẻ

TTO - Sáng 23-3, tại Đà Nẵng, báo Tuổi Trẻ và UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ ra mắt chuyên mục Tôi yêu Đà Nẵng.

                                                                            

ĐOÀN NHẠN - T.B.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên