Ai có thể bị vẩy nến?
Khoảng 1-2% dân số thế giới mắc bệnh vẩy nến. Mọi lứa tuổi đều có thể bị vẩy nến. Tuy nhiên, bệnh thường khởi phát trong khoảng từ 15 – 30 tuổi. Nam và nữ đều mắc bệnh như nhau.
Tại sao bị vẩy nến?
Nguyên nhân thật sự của vẩy nến vẫn chưa rõ nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy vẩy nến có liên quan đến gen và rối loạn miễn dịch ở cơ thể người bệnh, từ đó dẫn đến các tế bào da tăng sinh rất nhanh và bất thường. Ngoài ra, một số yếu tố môi trường cũng góp phần khởi phát, thúc đẩy cũng như làm nặng thêm bệnh vẩy nến. Các yếu tố đó gồm:
- Chấn thương: vẩy nến có thể xuất hiện ở những da bị chấn thương thậm chí cả những vết trầy xước nhẹ.
- Nhiễm trùng: nhiễm trùng đường hô hấp trên do liên cầu trùng như viêm họng, viêm amidan có thể gây khởi phát vẩy nến giọt (một dạng vẩy nến) hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh vẩy nến hiện mắc. Nhiễm HIV cũng làm nặng thêm bệnh vẩy nến.
- Thuốc: một số thuốc có thể gây khởi phát hoặc làm nặng thêm bệnh vẩy nến như thuốc điều trị cao huyết áp (ức chế men chuyển, beta-blocker), kháng sốt rét tổng hợp (chloroquin), lithium, một số kháng viêm non-steroid (indomethacine), progesterone và corticosteroid.
- Stress: buồn phiền, lo lắng, giận dữ, stress thường dễ làm bùng phát và nặng thêm bệnh vẩy nến.
- Thời tiết: thời tiết lạnh và khô dễ gây bùng phát bệnh vẩy nến. Thời tiết nắng, nóng và ẩm thường làm giảm nhẹ bệnh. Tuy nhiên, một số người thường bùng phát bệnh nặng hơn khi tiếp xúc với nắng (vẩy nến nhạy cảm ánh sáng).
- Rượu và thuốc lá: làm nặng thêm bệnh vẩy nến.
Vẩy nến biểu hiện như thế nào?
Vẩy nến thường biểu hiện dưới dạng những mảng màu đỏ, tróc vẩy ở bề mặt, giới hạn rất rõ. Vị trí có thể bất kỳ nhưng thường gặp nhất là da đầu, cùi chỏ, đầu gối, vùng xương thiêng. Người mắc bệnh vẩy nến thường không ngứa, tuy nhiên một số có thể ngứa, châm chích, bỏng rát. Những trường hợp nặng, người bệnh có thể xuất hiện nhiều mụn mủ hoặc đỏ da toàn bộ cơ thể. Ngoài tổn thương da, một số người có thể bị tổn thương móng với biểu hiện móng có nhiều vết lõm, hoặc đổi màu vàng nâu, hoặc móng dày hoặc hư toàn bộ móng.
Các dạng vẩy nến:
Vẩy nến có rất nhiều dạng nhưng vẩy nến mảng là dạng thường gặp nhất. Các dạng vẩy nến gồm:
- Vẩy nến mảng.
- Vẩy nến giọt.
- Vẩy nến đỏ da.
- Vẩy nến khớp.
- Vẩy nến mủ.
Làm thế nào để xác định bệnh vẩy nến?
Vẩy nến được xác định chủ yếu bằng thăm khám. Bác sĩ chuyên khoa da khám sang thương da, móng và vị trí tổn thương sẽ xác định chính xác bệnh vẩy nến. Trong trường hợp không rõ ràng, bác sĩ sẽ sinh thiết vùng da tổn thương để có chẩn đoán chính xác. Không có xét nghiệm máu hay nước tiểu có thể giúp chẩn đoán bệnh vẩy nến.
Vẩy nến có lây không?
Vẩy nến không lây từ người bệnh qua người khác cũng như không lây từ vị trí này sang vị trí khác trong cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, vẩy nến ngày nay nhiều nghiên cứu cho thấy có tính di truyền (10% con mắc bệnh nếu bố hoặc mẹ bệnh, 40% con mắc bệnh nếu cả bố mẹ đều bệnh).
Vẩy nến có những biến chứng gì?
Vẩy nến là một bệnh không ổn định, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng người bệnh có thể bị các biến chứng sau:
- Đỏ da toàn thân.
- Vẩy nến mủ.
- Viêm khớp.
- Nhiễm trùng da.
- Nghiện rượu, thuốc lá.
- Tổn thương gan do thuốc, rượu.
- Một số nghiên cứu gần đây cho thấy vẩy nến là yếu tố nguy cơ đối với hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch (nghĩa là dễ mắc hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch hơn) nhất là đối với những người vẩy nến nặng.
Vẩy nến được điều trị như thế nào?
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vẩy nến. Mục tiêu chính của điều trị là giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp người bệnh kéo dài thời gian ổn định của bệnh cũng như ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh. Do đó, người bệnh cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da cũng như cần biết những việc nên làm và không nên làm hàng ngày nhằm giúp kiểm soát và chung sống hòa bình với bệnh được tốt hơn.
Có rất nhiều phương pháp điều trị vẩy nến gồm:
- Tại chỗ: thường được sử dụng trong những hợp vẩy nên nhẹ hoặc trung bình, có thể sử dụng một mình hoặc kết hợp với những phương pháp khác. Có rất nhiều loại thuốc thoa tại chỗ có thể sử dụng trong điều trị vẩy nến hiện nay nhưng đều cần có hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da, gồm: corticosteroid, dẫn xuất vitamin D3, ức chế calcineurin, retinoid, hắc ín, anthralin và acid salicylic.
- Toàn thân: những thuốc này thường được chỉ định trong những trường hợp vẩy nến nặng, cần được sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ, gồm: methotrexate, cyclosporine, retinoid và sulfasalazine.
- Thuốc sinh học: đây là nhóm thuốc mới có tác dụng ức chế những thành phần chuyên biệt trong đáp ứng miễn dịch của bệnh. Tuy nhiên, những thuốc rất đắt tiền và hiện chưa có tại nước ta.
- Quang trị liệu: sử dụng tia sáng để điều trị vẩy nến như tia UVA, UVB, laser (Excimer). Các tia tử ngoại (UV) sẽ tấn công và phá hủy các DNA trong tế bào qua đó phá hủy toàn bộ tế bào.
Bệnh vẩy nến có chế độ ăn gì đặc biệt?
Nhìn chung bệnh vẩy nến không có chế độ ăn đặc biệt. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh ăn nhiều thức ăn béo, rượu bia và cần bổ sung thêm những thức ăn có chứa acid folic và omega-3.
Tóm lại, vẩy nến là bệnh da mạn tính thường gặp. Người bệnh cần hiểu biết rõ về bệnh cũng như các phương pháp điều trị hiện nay nhằm giúp bản thân có thể chung sống hòa bình và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh.
Người bệnh vẩy nến cần biết
Những điều nên làm:
- Sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ chuyên khoa da.
- Thông báo cho bác sĩ tất cả các thuốc mình đang sử dụng, kể cả thuốc không kê toa.
- Giữ vệ sinh da tốt.
- Tránh làm tổn thương da và làm khô da.
- Xem sang thương da mỗi ngày nhằm phát hiện tình trạng nhiễm trùng.
- Tránh lo lắng, giận dữ, xúc động mạnh.
- Không hút thuốc và uống rượu bia.
- Phơi nắng mỗi ngày khoảng 15-30 phút (trừ trường hợp vẩy nến nhạy cảm ánh sáng).
- Tái khám đúng hẹn.
- Tham gia hội những người bệnh vẩy nến.
Những điều không nên làm:
- Không sử dụng thuốc thoa tại chỗ không rõ loại.
- Không tự ý thoa thuốc có chứa corticosteroid mà không có ý kiến của bác sĩ.
- Không tự ý ngưng hay thay đổi thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận