Chiều 10-4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh toàn quốc.
Bệnh truyền nhiễm ở trẻ gia tăng
Theo ông Hoàng Minh Đức - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, nhiều bệnh truyền nhiễm trên cả nước gia tăng. Trong đó, có 10.196 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam có trên 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc tay chân miệng của cả nước.
Ông Đức cho hay bệnh tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Trong khi đó, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ, lây truyền qua đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Vì vậy, nguy cơ lây truyền cao khi trẻ sinh hoạt tập thể tại trường mầm non.
Ngoài bệnh tay chân miệng, các dịch bệnh khác có vắc xin dự phòng như sởi, ho gà... cũng tăng số ca mắc.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cả nước cũng ghi nhận 118 ca mắc ho gà, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Đức nhận định số ca mắc ho gà, sởi có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch trong thời gian tới, đặc biệt tại những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua và cả ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng.
Đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét
Theo ông Đức để phòng chống các bệnh có vắc xin dự phòng, cần tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả.
"Các địa phương cần xác định ổ dịch, điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ.
Trong trường hợp địa phương có số mắc lớn, đề nghị CDC đánh giá dịch tễ học và địa phương chủ động tiêm vắc xin cho trẻ", ông Đức nhấn mạnh.
Về tình hình cung ứng vắc xin năm 2024, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho hay từ đầu năm đã cung ứng 2 đợt, bao gồm 9 loại vắc xin đáp ứng nhu cầu sử dụng trên toàn quốc đến hết tháng 4-2024. Ngay sau khi được cung ứng vắc xin, các địa phương đã triển khai tiêm bổ sung cho những trẻ chưa được tiêm chủng.
Ngoài ra, đầu tháng 4 vừa qua, đơn vị cung ứng đã tiếp nhận 1 triệu liều vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin 5 trong 1), dự kiến tuần cuối tháng sẽ có giấy xuất xưởng. Số lượng 1,8 triệu liều vắc xin còn lại sẽ tiếp tục về Việt Nam trong tháng 5-6, đáp ứng nhu cầu sử dụng của năm 2024.
Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong những năm qua đã ảnh hưởng đến tỉ lệ tiêm chủng các vắc xin cho trẻ em, một số bệnh có vắc xin phòng bệnh đã có xu hướng gia tăng.
Tổ chức Y tế thế giới gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Bệnh sốt xuất huyết cũng tăng mạnh ở châu Mỹ, Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng ở Trung và Nam Mỹ, với hơn 1.000 ca tử vong.
Tại Việt Nam, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận