Tranh minh họa. Nguồn: infonet.vn
Trĩ là bệnh gặp ở mọi độ tuổi, ở cả nam và nữ. Đây cũng là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh hậu môn trực tràng. Cha ông ta có câu "thập nhân cửu trĩ" có thể hiểu cứ 10 người đi khám bệnh hậu môn trực tràng thì có tới 9 người mắc bệnh trĩ. Bệnh tuy ít gây tử vong nhưng nếu không quan tâm phòng ngừa, điều trị sớm và đúng cách có thể gây biến chứng, khiến tinh thần không thoải mái, chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề.
Trĩ là một hệ thống đám rối tĩnh mạch sinh lý bình thường nằm ở vùng hậu môn trực tràng. Do một nguyên nhân cơ hội nào đấy làm cho hệ thống tĩnh mạch trĩ sa dãn không hồi phục, khi đó gọi là bệnh trĩ.
Nguyên nhân nào gây nên bệnh trĩ?
- Táo bón kinh niên dẫn đến việc khó khăn khi đi đại tiện, mỗi lần đi đại tiện người bệnh phải rặn nhiều khiến cho các niêm mạc thành mạch trĩ bị giãn ra quá mức dẫn đến hình thành búi trĩ.
- Những người có tính chất công việc đứng hoặc ngồi lâu một chỗ sẽ tạo áp lực lớn ở vùng chậu nên dễ mắc bệnh trĩ.
- Những người có chế độ ăn không hợp lý (ăn ít chất xơ, ăn ít hoa quả,…) cũng rất dễ mắc bệnh trĩ.
- Mang bầu, béo phì cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ.
Nhận biết bệnh trĩ như thế nào?
Đại tiện ra máu đỏ tươi: Đây là dấu hiệu sớm nhất và thường gặp nhất trong bệnh trĩ. Lúc đầu, chảy máu rất kín đáo, tình cờ bệnh nhân phát hiện khi nhìn vào giấy vệ sinh sau khi đi cầu hoặc nhìn thấy máu dính phân. Về sau, mỗi khi đi cầu, bệnh nhân phải rặn nhiều do táo bón, máu chảy thành giọt hay thành tia. Muộn hơn, cứ mỗi lần đi cầu, đi đứng nhiều hoặc ngồi xổm thì máu lại chảy. Có khi máu chảy rất nhiều khiến bệnh nhân phải vào cấp cứu. Đôi khi, máu từ búi trĩ chảy ra đông lại trong lòng trực tràng gây đi cầu ra máu cục.
Sa trĩ: Đây cũng là triệu chứng thường gặp. Trĩ sa độ I, II thì không gây phiền hà nhiều nhưng nếu trĩ sa độ III, bệnh nhân rất khó chịu khi đi cầu, đi đứng nhiều, làm việc nặng. Nếu trĩ sa đến độ IV, bệnh nhân thường xuyên khó chịu.
Đau: Hiện tượng đau có thể không xảy ra, bệnh nhân chỉ thấy cộm, vướng nhưng cũng có thể gây đau thực sự trong tắc mạch trĩ, sa trĩ nghẹt, nứt kẽ hậu môn. Khi bị tắc mạch trĩ bệnh nhân không dám ngồi ngay ngắn trên ghế, mà chỉ đặt một bên mông lên ghế.
Ngoài ra có thể gặp một số biểu hiện khác như chảy dịch khiến bệnh nhân có cảm giác ẩm ướt, ngứa quanh lỗ hậu môn.
Để chẩn đoán chính xác bệnh trĩ, mức độ bệnh cần phải dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, thăm trực tràng và nội soi hậu môn.
Tác hại của bệnh trĩ đối với sức khỏe
Ung thư trực tràng: Đây là tác hại nguy hiểm nhất đối với những người bị bệnh trĩ không được chữa trị kịp thời. Vì thế, khi bạn thấy mình có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh trĩ hãy đến các bệnh viện ngay để được khám và điều trị kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.
Viêm nhiễm vùng hậu môn: Những người mắc bệnh trĩ sẽ có nguy cơ cao bị viêm nhiễm vùng hậu môn, các búi trĩ được hình thành tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Khi táo bón rặn quá nhiều sẽ gây nứt hậu môn, rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn từ phân và nước tiểu.
Giảm ham muốn tình dục: Khi bị bệnh trĩ sẽ khiến cho bệnh nhân cảm thấy bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, làm cho họ không còn hứng thú khi quan hệ tình dục do mặc cảm căn bệnh ở vùng kín, thay vào đó là những cảm giác lo lắng, dễ mất tập trung.
Tại sao phải điều trị sớm bệnh trĩ?
Bệnh trĩ thường tiến triển âm thầm, thời gian đầu các biểu hiện chỉ thoáng qua, cộng với tâm lý e ngại nên người bệnh không đi khám và điều trị sớm. Thường khi bệnh trở nên nặng, gây khó khăn trong sinh hoạt hay do bệnh biến chứng mới đi khám và điều trị. Bệnh trĩ càng nặng thì thời gian điều trị càng lâu, nhiều biến chứng, phương pháp điều trị phức tạp, tốn kém và dễ tái phát. Vì vậy, bệnh trĩ cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt để có hiệu quả và đỡ tốn kém. Bệnh trĩ có nhiều phương pháp điều trị khác nhau. Với người bị bệnh trĩ độ I, II thì được khuyến nghị nên điều trị bảo tồn bằng thủ thuật kết hợp thuốc y học cổ truyền (thuốc uống, ngâm hậu môn..) để điều trị do tính hiệu quả và chi phí thấp. Còn với những bệnh nhân bị bệnh trĩ độ III, IV hoặc bị biến chứng (tắc mạch trĩ...) thì nên áp dụng phương pháp Đông - Tây y kết hợp: phẫu thuật cắt trĩ sau đó dùng Đông y điều trị củng cố.
Làm thế nào để phòng bệnh trĩ?
Quá trình điều trị là một phần, ngoài ra người bệnh cần biết cách phòng tránh thì mới có thể giúp đạt kết quả tốt, tránh tái phát. Một số lời khuyên sau đây sẽ giúp hình thành thói quen tốt để phòng tránh bệnh trĩ hiệu quả:
- Tập thói quen đi cầu đều đặn hằng ngày, tránh táo bón. Không nên đọc sách báo, làm việc khác trong quá trình đi đại tiện hoặc dùng lực quá sức khi đại tiện.
- Điều chỉnh thói quen ăn uống: Tránh các thức ăn cay nóng như ớt, tiêu; tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, trà…; ăn nhiều chất xơ (rau, củ, quả); uống nước đầy đủ.
- Vận động thể lực, nên tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận