Bệnh nhi mắc bệnh thủy đậu điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: T.Dương |
Các bác sĩ lo lắng số trẻ mắc bệnh thủy đậu có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới.
Ngày 6-2, tại phòng 107 khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM, nhiều bà mẹ đang chăm con mắc bệnh thủy đậu, trên mặt các bé chấm chi chít loại thuốc màu xanh.
Bồng bé trai nhỏ xíu mới được một tháng rưỡi tuổi đang khóc, trên mặt nổi đầy nốt rạ, chị Nguyễn Ngọc Yến (25 tuổi, ở Cái Bè, Tiền Giang) kể nửa tháng trước chị mắc bệnh thủy đậu.
Chị vừa hết bệnh thì thấy con bắt đầu nổi vài nốt rạ trên đầu. Ba ngày sau, các nốt rạ lan ra khắp người bé. Cạnh đó, chị Lý Thị Kim Ngân (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) cũng đang chăm bé Nguyễn Lý Kim Anh hơn 5 tháng tuổi mắc bệnh thủy đậu.
Nằm cùng phòng với hai bé trên còn có các bé lớn tuổi hơn cũng mắc bệnh thủy đậu như Văn Khởi My (5 tuổi, ở Q.Tân Phú), Nguyễn Trần Dương Khang (3 tuổi)... Những bé này đều không được người nhà đưa đi chích ngừa thủy đậu trước đó do không biết bệnh thủy đậu có văcxin chích ngừa.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm - thần kinh BV Nhi Đồng 1, cho biết khoảng hai tuần nay, số trẻ mắc bệnh thủy đậu nhập viện bắt đầu tăng.
Hiện trung bình mỗi ngày có 5-6 trẻ nằm điều trị, trong khi những tháng trước đó không có ca nào. So với những năm trước, năm nay bệnh thủy đậu vào mùa sớm hơn (các năm xuất hiện nhiều từ tháng 3 đến tháng 5).
Trong khi đó theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 2 TP.HCM, số trẻ mắc bệnh thủy đậu điều trị tại khoa nhiễm cũng tăng khoảng hai tuần nay.
Trung bình mỗi ngày khoa nhiễm BV Nhi Đồng 2 có 2-3 trẻ mắc bệnh thủy đậu nằm điều trị, ngày cao điểm lên tới năm trẻ, trong khi những tháng trước đó không có ca nào nhập viện.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh lo lắng dù mới vào mùa nhưng số ca thủy đậu nhập viện hiện đã bằng lúc cao điểm nhất của mùa thủy đậu năm trước. Dự báo trong thời gian tới nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, bệnh thủy đậu sẽ tăng mạnh.
Lúc đó, nhiều người dân sẽ hoang mang, lo lắng, dẫn đến tình trạng đổ xô đi chích ngừa. Bác sĩ Khanh khuyên trong thời gian này người dân cần phòng ngừa thụ động bằng cách cho trẻ cách ly tại nhà.
Nhưng cách này thường không hiệu quả vì khi chưa nổi mụn nước, người bệnh đã có thể lây cho người lành, khả năng lây kéo dài nhiều ngày sau khi mụn nước đã lành hẳn. Chích ngừa mới là cách phòng ngừa hiệu quả.
Cũng theo bác sĩ Khanh, các bậc phụ huynh thường đưa trẻ đi chích ngừa khi xung quanh có nhiều trẻ bệnh, nhưng chích ngừa vào thời điểm này khả năng phòng ngừa ít hơn vì có thể trẻ đã tiếp xúc với virút gây bệnh trước đó.
Vì vậy, khi trẻ 12 tháng tuổi nên đưa đi chích ngừa thủy đậu, ba tháng sau tiêm nhắc liều 2 hoặc tiêm nhắc lúc trẻ 4-5 tuổi, còn người lớn chích hai liều cách nhau ít nhất một tháng.
Đừng trùm kín trẻ bị bệnh Bác sĩ Khanh cho biết bệnh thủy đậu có nhiều tên gọi khác như trái rạ, phỏng rạ. Bệnh do virút có tên là varicella - zoster herpes gây ra, nếu không được chích ngừa thì khoảng 80% số người sẽ bị mắc bệnh trước 20 tuổi. Bệnh thủy đậu chủ yếu lây qua đường hô hấp, virút gây bệnh có trong các chất tiết đường hô hấp, chất dịch của mụn nước (nốt rạ). Bệnh thủy đậu nếu nhẹ có thể điều trị tại nhà mà không cần nhập viện, trẻ chỉ cần nhập viện khi có biến chứng. Trẻ mắc bệnh thủy đậu cần vệ sinh thân thể để tránh các biến chứng nhiễm trùng, khác với những quan niệm sai lầm là trùm kín trẻ, kiêng nước kiêng gió, tắm hay uống nước gốc rạ. Không nên tự ý dùng thuốc vì có thể làm bệnh diễn tiến nặng hơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận