Nguyên nhân gây bệnh teo não
Bệnh teo não có rất nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do di truyền, tuổi tác, chế độ dinh dưỡng (thiếu hụt vitamin B12 cũng gây ra bệnh teo não), do chế độ sinh hoạt (sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, thiếu ngủ thường xuyên...), do các bệnh của hệ thống mạch máu nuôi dưỡng não (như hẹp động mạch cảnh, dị dạng mạch máu hay xơ vữa động mạch).
Ngoài ra, còn một số bệnh có thể gây bệnh teo não như: chấn thương sọ não; đột quỵ: xuất huyết não, nhồi máu não (do sự gián đoạn đột ngột của nguồn cung cấp máu trong não), sử dụng corticoid thường xuyên; bệnh Alzheimer; bại não, người già mất trí nhớ, sa sút trí tuệ do xơ vữa mạch máu, viêm não, nhiễm trùng não hoặc tủy sống, bệnh động kinh...
Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh teo não trước đây chủ yếu là người cao tuổi, nhưng hiện nay số lượng bệnh nhân bị teo não ở người trẻ tuổi đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân thường do stress, áp lực công việc kéo dài, thiếu ngủ...
Sự nguy hiểm của bệnh
Hay quên, nhầm lẫn, gặp khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày... là biểu hiện thường thấy ở người cao tuổi. Khi não bị teo, khả năng kết nối các tế bào thần kinh gặp trục trặc thì việc truyền dẫn thông tin từ não bộ tới các bộ phận khác của cơ thể sẽ bị sai lệch, do đó gây ra sự rối loạn chức năng hoạt động trầm trọng và dẫn đến tình trạng sa sút trí tuệ, rối loạn cảm xúc, đi lại khó khăn.
- Mất trí nhớ: là triệu chứng đầu tiên và xuất hiện rất sớm, ngày càng nặng và không hồi phục. Bệnh nhân thường mất trí nhớ gần (quên những sự vật mới xảy ra), dần dần họ quên ngày, tháng, quên tên người thân. Khi ra khỏi nhà thì quên đường về, quên rửa mặt, quên cài cúc áo, quên mặt vợ (hoặc chồng) của mình...
- Rối loạn ngôn ngữ: biểu hiện sớm, bệnh nhân khó tìm từ để biểu hiện ý tưởng của mình; khó phát âm, nói không trôi chảy sau đó mất dần khả năng ngôn ngữ.
Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Bệnh nhân ăn uống khó khăn, không kềm chế hoặc không thể kiểm soát bước đi và thường đi lang thang khỏi nhà. Vì mất các khả năng kiểm soát này nên làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như:
+ Viêm phổi: do khó nuốt thức ăn và đồ uống làm bệnh nhân dễ hít các chất này vào phổi, gây ra viêm phổi đường hít.
+ Nhiễm trùng: do bệnh nhân thường đi tiểu không tự chủ nên phải đặt thông tiểu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường niệu, nếu không được điều trị thì bệnh sẽ càng nặng hơn, có thể đe dọa mạng sống bệnh nhân. Các điểm tỳ, nhất là vùng lưng, xương, hai bên hông dễ bị lở loét do bị liệt toàn thân...
+ Té ngã và các biến chứng: bệnh nhân thường bị mất định hướng và dễ dàng bị vấp ngã, làm tăng nguy cơ gãy xương. Hơn nữa, té ngã thường gây chấn thương nặng vùng đầu như xuất huyết nội sọ, bệnh nhân phải chịu phẫu thuật nằm viện dài ngày, càng làm tăng nguy cơ huyết khối trong não, loét da do tư thế nằm nhiều...
Lưu ý khi chăm sóc người bệnh teo não
Bệnh teo não là bệnh lý không thể chữa khỏi, do đó chỉ có thể làm giảm tốc độ phát triển của bệnh, nhưng khi bệnh từ từ phát triển thì người bệnh cũng dần xuất hiện các triệu chứng của bệnh và dần dần họ sẽ mất khả năng chăm sóc bản thân. Chính vì thế việc chăm sóc cho bệnh nhân bị teo não cần phải chú ý rất nhiều.
Trường hợp bệnh nhân teo não ảnh hưởng đến khả năng vận động: đầu óc vẫn rất minh mẫn, tỉnh táo thì cần được chăm sóc tỉ mỉ chu đáo, bảo đảm lưu thông hô hấp (đỡ bệnh nhân ngồi dậy, vỗ lưng, hút và lau sạch đờm dãi nếu có); phòng chống viêm đường tiết niệu (cho bệnh nhân uống đủ nước, vệ sinh sạch sẽ sau khi đi tiểu, bảo đảm vô trùng đối với các phương tiện đưa vào đường tiểu nếu phải đặt thông tiểu); phòng chống loét điểm tỳ (nhất là ở các vùng kheo, lưng xương cùng, 2 bên hông, xoa bóp hàng ngày, tránh để tỳ nén quá lâu một chỗ, xoa bột tan vào những chỗ nguy cơ đe dọa loét khi phát hiện sớm); cung cấp đủ dinh dưỡng bằng các đường tiêm truyền, đường tiêu hóa, thức ăn dễ tiêu, hạn chế chất béo và đường, chế độ ăn giàu vitamin và omega 3...
Trường hợp bệnh nhân bị teo não ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ thì cần kích thích trí não của bệnh nhân bằng cách tăng cường nói chuyện với người bệnh, cho người bệnh xem hình ảnh gia đình, đi tới những nơi nhiều kỷ niệm...
Ngoài ra, đi dạo trong công viên, tập thể dục, chơi với thú cưng, tập yoga, thiền, ngủ đủ giấc, duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh... là những liệu pháp xoa dịu thần kinh hiệu quả và giúp lấy lại sự thanh thản, nhẹ nhàng trong tâm trí một cách nhanh chóng.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh teo não cần lưu ý những nguyên tắc sau:
- Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu, béo phì... Đây là các bệnh góp phần thúc đẩy tình trạng thiếu máu não cục bộ dẫn đến teo não.
- Chế độ sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya, hạn chế hút thuốc lá, bia, rượu, nước uống có gas.
- Lao động trí não thường xuyên dưới những hình thức học tập như học ngoại ngữ hay nghiên cứu về ngôn ngữ, lịch sử, cây kiểng non bộ... là những hình thức rất tốt giúp não được hoạt động thường xuyên, làm chậm quá trình teo não.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao: chạy bộ, đi bộ, leo cầu thang, đạp xe đạp, dưỡng sinh hay yoga phù hợp với lứa tuổi, giúp lưu thông máu, các dưỡng chất tới não một cách tốt hơn, giúp mô não khỏe mạnh tăng cường khả năng chống lại bệnh tật.
- Giảm stress: vì nếu đầu óc luôn căng thẳng, áp lực quá nhiều liên tục sẽ khiến não trở nên rối loạn và làm cho trí nhớ suy giảm.
- Dinh dưỡng: chế độ dinh dưỡng đóng vai trò không nhỏ trong việc tăng cường thể lực, sức đề kháng của cơ thể; hạn chế thực phẩm quá nhiều dầu mỡ; tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin như ngũ cốc, các loại hạt, các loại rau xanh, trứng, thịt gà...; thực phẩm giàu canxi như hải sản, đậu nành, súp lơ, cá biển, hạnh nhân...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận