Có nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng chuyển biến nặng, số ít mắc đồng nhiễm, bội nhiễm. Trong khi đó tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc, sốt xuất huyết, tay chân miệng và thủy đậu cùng gia tăng.
Mắc bệnh tay chân miệng, thêm viêm phế quản
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, chỉ trong một tuần gần đây nhất, TP ghi nhận 1.614 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước là 716 ca.
Ghi nhận tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) sáng 18-7, có đông phụ huynh ôm trẻ chờ đợi bác sĩ tái khám tay chân miệng. Bên trong phòng bệnh, nhiều trẻ mắc tay chân miệng độ nặng đang được theo dõi sát.
Sau sáu ngày theo dõi, uống thuốc theo kê đơn của bác sĩ tại nhà và hai ngày nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vì mắc bệnh tay chân miệng, bé M. (23 tháng tuổi, ngụ Tân Bình, TP.HCM) vẫn còn sốt, giật mình.
Mẹ bé M. cho hay cách đây hơn một tuần bé bị sốt, sau đó lòng bàn tay, chân nổi nhiều nốt hồng ban. "Trong mấy ngày uống thuốc, theo dõi tại nhà thì sức khỏe của con ổn hơn, nhưng sau đó thấy trong miệng bé có nhiều vết lở nên đưa con đi tái khám rồi bác sĩ chỉ định nhập viện", mẹ bé M. kể.
Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay TP ghi nhận gần 1.000 ca mắc tay chân miệng, chưa ghi nhận ca tử vong. Trong đó, nhiều trẻ mắc tay chân miệng nặng, điều trị nội trú.
Bé K. (4 tuổi, Hà Nội) nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn sau ba ngày sốt cao liên tục, tự điều trị tại nhà. Sau đó trẻ có biểu hiện co giật nên đã đưa trẻ vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu. Qua thăm khám các bác sĩ xác định bệnh nhi bị tay chân miệng độ 2B nhóm 1 (là giai đoạn bệnh bắt đầu diễn biến nặng phải nhập viện điều trị).
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhân, trưởng khoa nhi - tiêu hóa dinh dưỡng - lây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, tại thời điểm nhập viện bé K. có tình trạng giật mình liên tục. Đây là triệu chứng kích thích thần kinh, triệu chứng điển hình của tay chân miệng. Trẻ được chỉ định điều trị an thần đường tiêm. Sau năm ngày điều trị, trẻ đã gần hết các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, trẻ lại gặp bội nhiễm viêm phế quản phổi.
Chủ động ứng phó bệnh gia tăng
Bác sĩ Dư Tuấn Quy - trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết hiện khoa đang điều trị 130 ca, trong đó có 30 ca bệnh nặng (độ 2B và độ 3). So với tháng trước, tổng số ca nội trú tăng gấp đôi. Hiện bệnh đã tiến sát "đỉnh dịch" và tiếp tục tăng.
Trước tình hình này, bệnh viện mở thêm một tầng lầu với công suất 150 giường bệnh, nâng số giường khoa có lên 300 giường để ứng phó.
"Dự trù tình huống xấu nhất nếu dịch bệnh tay chân miệng bùng mạnh hơn nữa thì vẫn đủ giường bệnh. Khoa chúng tôi không chỉ tiếp nhận trẻ mắc bệnh tay chân miệng, mà còn những bệnh truyền nhiễm và bệnh lý thần kinh khác", bác sĩ Quy nói.
Bác sĩ Quy cho biết thêm, phần lớn số ca mắc tay chân miệng tại khoa là ở tỉnh. Lý do chính là phụ huynh mong muốn và an tâm hơn khi con được điều trị ở bệnh viện tuyến cuối, dù trẻ mắc bệnh ở mức độ nhẹ.
"Hiện các bệnh viện tuyến tỉnh có đầy đủ trang thiết bị, thuốc điều trị, các bác sĩ cũng có kinh nghiệm xử trí và điều trị nên với những trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhẹ thì nên đưa đến điều trị ở cơ sở y tế gần nhất.
Không nên vượt đường xa đến TP.HCM khám, nhập viện vì điều này dẫn đến quá tải cục bộ các bệnh viện nhi tuyến cuối, trong khi có thể khiến trẻ chuyển nặng trên đường di chuyển", bác sĩ Quy khuyến cáo.
Tại Bệnh viện Xanh Pôn, bác sĩ Nhân cho hay từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh viện tiếp nhận ca mắc tay chân miệng rải rác trung bình 2 - 4 ca/ngày. So với các bệnh truyền nhiễm khác, bệnh tay chân miệng thời gian qua có "trội" hơn. Tuy nhiên số ca chuyển nặng không nhiều, chỉ chiếm 0,5 - 1% ca bệnh.
Chú ý bội nhiễm, biến chứng nặng
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui - phó trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 - cho hay khoa từng tiếp nhận các trẻ mắc tay chân miệng kèm theo viêm phổi, hen suyễn. Những trẻ mắc bệnh đồng nhiễm này được điều trị song song (vừa tay chân miệng vừa bệnh đường hô hấp).
"Bệnh đồng nhiễm giữa tay chân miệng và bệnh về hô hấp thì thường nhẹ. Có những trường hợp viêm phổi nặng, khoa phải hội chẩn với khoa hô hấp", bác sĩ Qui nói.
Về mối quan hệ giữa bệnh tay chân miệng và bệnh đường hô hấp, bác sĩ Qui cho hay chưa có nghiên cứu nào chứng minh mối liên quan giữa các bệnh này. Qua thực tế ghi nhận ở những trẻ có sức đề kháng yếu thì thường mắc nhiều bệnh cùng lúc. Chẳng hạn như trẻ thường xuyên bị cảm cúm, viêm phổi… thì kèm theo mắc vi rút gây bệnh tay chân miệng.
Theo bác sĩ Nhân, trẻ mắc tay chân miệng có thể bị đồng nhiễm, bội nhiễm mầm bệnh khác dẫn đến tình trạng tăng nặng và khó điều trị hơn.
Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 30% trường hợp bệnh nhi tay chân miệng điều trị tại khoa bị bội nhiễm.
"Ban đầu chỉ mắc tay chân miệng nhưng sau đó nhiễm thêm các tác nhân gây bệnh khác gây viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, nôn… Trẻ có bội nhiễm sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh tùy từng trường hợp", bác sĩ Nhân cho hay.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga - phó trưởng khoa nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới - trẻ mắc tay chân miệng đa số diễn biến nhẹ, tuy nhiên cũng có thể gặp biến chứng nặng hơn là viêm cơ tim, viêm não, viêm não tủy, có thể gây tử vong.
"Có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tuy nhiên, năm nay bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não.
Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ và cuối giấc ngủ. Ngoài ra còn có biểu hiện run chi, đi lại loạng choạng.
Gia tăng sốt xuất huyết tại miền Bắc
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tuần qua Hà Nội có gần 300 ca mắc sốt xuất huyết mới, tăng gần 2 lần so với tuần trước đó, thêm 22 ổ dịch mới.
Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội ghi nhận tổng số 1.114 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, gần đây số ca mắc xuất sốt huyết cũng gia tăng, có những ngày cao điểm tiếp nhận hàng chục bệnh nhân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng khuyến cáo ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng trong thời gian tới.
TS Nguyễn Văn Dũng, trưởng khoa côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, cũng nhận định khả năng cao bùng phát dịch tại miền Bắc. Ông cho rằng chu kỳ trước đây là 4-5 năm lặp lại dịch sốt xuất huyết nhưng với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã phá vỡ. Năm 2017 số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết rất cao, đến 2019 và 2022 cũng có số ca mắc rất cao, không phải chu kỳ 4 năm.
Tại Hà Nội gần đây cũng ghi nhận nhiều ca thủy đậu ở người lớn, đã có hai ca tử vong trong khi bình thường đây là căn bệnh được coi là "lành tính".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận