11/03/2012 07:31 GMT+7

Bệnh tay chân miệng bùng phát dữ dội

Bác sĩ NGÔ THỊ KIM YẾN(phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng)
Bác sĩ NGÔ THỊ KIM YẾN(phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng)

TT - Chín tuần đầu năm 2012, 60 tỉnh thành có trên 12.400 ca mắc bệnh tay chân miệng, 11 ca tử vong. So với cùng kỳ 2011, số ca mắc tăng 7,4 lần. Chưa vào mùa dịch nhưng số mắc và tử vong do bệnh tăng chóng mặt.

qTv2xjID.jpgPhóng to
Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng chờ khám tại khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM chiều 10-3 - Ảnh: Thuận Thắng
Xem video
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, sáu tuần đầu năm 2012 có trên 6.300 ca mắc bệnh tay chân miệng và chín ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2011 số ca mắc tăng 7,1 lần. Chỉ ba tuần sau đó, số ca mắc đã tăng gấp đôi (so với sáu tuần trước đó) và so sánh với cùng kỳ 2011, số lượng bệnh nhân tay chân miệng đã tăng 7,4 lần, càng chống bệnh càng tăng theo cấp số nhân.

Khó ngăn dịch

"Khó khăn hiện nay của ngành y tế là không có thuốc đặc trị, không có văcxin phòng ngừa. Mặt khác, nguồn lây bệnh cũng có từ người lớn mang mầm bệnh khiến việc cắt đứt nguồn lây này rất khó. Vì vậy, ý thức của người dân về hành vi rửa sạch tay chân cho trẻ, giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt, ăn uống là cực kỳ quan trọng"

Một trong những yếu tố khiến bệnh tay chân miệng đang lây lan nhanh là tỉ lệ người lành mang trùng rất cao, lên đến 71% tại các khu vực có bệnh, thời gian thải trùng lên đến sáu tuần. Trong khi đó, tỉ lệ người dân thực hiện đúng các hành vi phòng bệnh hiệu quả như thường xuyên rửa tay sạch cho trẻ và người chăm sóc trẻ, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, rất thấp.

Sở Y tế Hải Phòng (tỉnh chiếm hơn 60% trong tổng số ca của 29 tỉnh, TP phía Bắc) cho biết bệnh tay chân miệng đã xuất hiện tại hầu hết quận huyện trong TP và đang bùng phát, lây lan nhanh. Từ đầu năm đến nay, Hải Phòng có hơn 1.400 ca. Theo thống kê của Sở Y tế Hải Phòng, trong tháng 2 dịch tăng hơn 1,4 lần so với tháng 1. Ông Phan Trọng Khánh, giám đốc Sở Y tế Hải Phòng, cho biết dù chưa công bố dịch nhưng trước tình hình bệnh tay chân miệng bùng phát, UBND TP Hải Phòng đã thành lập ban chỉ đạo, yêu cầu các quận huyện tăng cường các biện pháp chống dịch.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho hay khu vực miền Nam cũng đang là vùng trọng điểm của bệnh với tỉ lệ mắc/100.000 dân lên đến 19,1, trong khi mức chung cả nước khoảng 13,1/100.000 dân, đặc biệt tại các tỉnh như Đồng Tháp, Hậu Giang, Cà Mau... TP.HCM do số dân cao nên chưa bị xếp vào nhóm này, nhưng số ca mắc trong những tuần gần đây luôn ở mức 120-150 ca mắc/tuần, được xếp vào nhóm có số mắc hàng tuần lớn nhất (cùng với Hải Phòng và một số tỉnh thành khác).

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho hay trong tháng 2-2012, TP.HCM có 498 ca tay chân miệng, tăng hơn ba lần so với cùng kỳ năm trước. Tại TP đã có 211 phường, xã (chiếm 65% các phường, xã) có ca bệnh tay chân miệng. Số ca mắc bệnh ở TP hiện đã chạm mức 180 ca/tuần, là mức cảnh báo bệnh lan rộng.

Bác sĩ Hà Anh Tuấn, trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết do năm nay bệnh diễn biến bất thường, nhiều ca chuyển độ quá nhanh từ độ 1 đến độ 3, 4 nên nhiều lúc bác sĩ không kịp trở tay.

TQLzuKut.jpgPhóng to
Một ca nhiễm tay chân miệng tại Đà Nẵng - Ảnh: Đăng Nam - Đồ họa: N.Khanh

Dấu hỏi nhức nhối về hiệu quả chống dịch

Ngày 2-3, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch quốc gia phòng chống dịch tay chân miệng. Trong tháng 3 sẽ có ba đoàn công tác liên ngành do ba lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì đi kiểm tra hoạt động chống dịch tại các địa phương. Ngoài ra, bộ trưởng Bộ Y tế đã phân công 12 đoàn công tác hỗ trợ 63 địa phương trong suốt năm, thay cho việc cử đoàn theo đợt, hết đợt lại cử đoàn mới không có điều kiện theo dõi sát sao như năm 2011.

Tại hội nghị của Bộ Y tế với các Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ hơn mười ngày trước đây, nhiều ý kiến đã đề xuất công bố dịch thành hai mức: mức có dịch và mức công bố dịch, nhằm huy động sự phối hợp của toàn hệ thống chính trị tại địa phương. Nếu không như tình hình hiện nay, chưa công bố dịch thì việc chống dịch chỉ do ngành y tế đảm nhiệm, chưa kể không công bố dịch khó có nguồn tài chính cho chống dịch. Ngay năm 2011, có địa phương chỉ dành 150 triệu đồng cho chống dịch tay chân miệng và kết quả tỉnh này đã có số tử vong/số mắc tay chân miệng cao nhất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu dành 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, nhưng phần lớn địa phương không phân bổ ngân sách đúng yêu cầu này mà thường là có dịch mới bố trí nên rất bị động cho tổ chức phòng chống.

Theo dự đoán của viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư Nguyễn Trần Hiển, bệnh tay chân miệng nóng bỏng từ đầu năm, nóng hơn cả năm 2011 là năm có số mắc và tử vong do tay chân miệng cao nhất từ trước đến nay với 112.000 ca mắc, 169 ca tử vong, cho thấy số mắc tay chân miệng năm nay có thể tương đương năm 2011, thậm chí “lập kỷ lục” cao hơn, chỉ hi vọng số tử vong thấp hơn. Tay chân miệng là bệnh phần lớn có thể tự khỏi, nhưng trên 160 em bé tử vong trong năm 2011 và 11 em bé nữa tử vong trong chín tuần đầu năm 2012 để lại một dấu hỏi nhức nhối về hiệu quả chống dịch.

Chủ yếu mắc bệnh tại cộng đồng

Theo thống kê năm 2011, 76,9% trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại cộng đồng, 23,1% mắc tại trường học, có căn nguyên từ tình trạng tỉ lệ người lành mang trùng rất cao trong vùng dịch, lên tới 71%. Trên 80% ca tử vong nhiễm virút EV 71, độc lực cao nhất trong nhóm virút gây bệnh đường ruột. Chín tuần đầu năm 2012, 100% ca tử vong dương tính với virút EV 71.

__________

Ngồi chăm con mắc bệnh tay chân miệng tại hành lang khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 sáng 10-3, anh P.V.T. (28 tuổi, ở Cai Lậy, Tiền Giang) kể con trai anh, bé P.Q.T., 14 tháng tuổi, mới nhập viện tại đây ngày 9-3. Con anh được xếp vào phòng 109 nhưng trong phòng mỗi giường đều có 3-4 bệnh nhi. Vì đông quá anh phải tìm một chỗ cho con nằm ở hành lang. Trời nắng, anh phải mua hai chiếc chiếu, một cái trải dưới đất cho con nằm, một cái cột vào thành tường hành lang để nắng khỏi chiếu vào con.

Trong phòng 109, chị L.T.T.S. (25 tuổi, ở Vũng Tàu) kể tối qua sau ba ngày điều trị tại đây, con gái chị mới được nằm thoải mái một chút với hai bé/giường, chứ ngày thường mỗi giường đều từ 3-4 bé. Nhiều bà mẹ cho biết cứ đến chiều thứ sáu, bác sĩ cho một loạt bệnh nhi xuất viện để chuẩn bị tiếp nhận một loạt bệnh nhi mới nhập viện vào sáng thứ hai.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 20-25 ca mắc bệnh tay chân miệng mới nhập viện. Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, một bác sĩ điều trị tại khoa nhiễm cho biết mỗi ngày tiếp nhận 10-15 trẻ mắc bệnh tay chân miệng mới nhập viện. So với cùng kỳ năm trước, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tăng hơn nhiều. Số trẻ nằm điều trị tại khoa trong ngày lên đến 60 trẻ, trong đó 1/3 số trẻ mắc bệnh nặng, đã có biến chứng.

Trong khi đó, sáng 10-3, tại Trung tâm Phụ sản - nhi Đà Nẵng - nơi điều trị bệnh tay chân miệng lớn nhất miền Trung, tình trạng quá tải cũng rất nghiêm trọng. Giường bệnh, ghế nằm, chiếu... trải la liệt dọc hành lang, dưới chân cầu thang để bệnh nhi nằm điều trị.

Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến - phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng - cho biết sở đã chỉ đạo Trung tâm Phụ sản - nhi Đà Nẵng tận dụng khu nhà lưu trữ hồ sơ để kê thêm 60 giường bệnh. Tuy nhiên, do bệnh nhi nhập viện nhiều nên phải nâng công suất khu nhà này lên 80 giường. Trung tâm này còn lấy luôn phòng của điều dưỡng để làm phòng điều trị cho bệnh nhi. Khoa y học nhiệt đới có 50 giường bệnh nhưng cũng phải kê thêm gần cả trăm giường.

Tại Trung tâm Phụ sản - nhi Đà Nẵng ngày 10-3 vẫn đang điều trị cho 259 ca tay chân miệng. Tuần qua tại đây tiếp nhận khám và điều trị cho gần 330 trường hợp. Không chỉ bệnh nhi ở Đà Nẵng mà nhiều tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi... cũng có bệnh nhân điều trị tại đây khiến tình hình bệnh càng phức tạp, khả năng lây nhiễm bệnh chéo rất cao. Trong khi tâm lý người dân hoang mang khi thấy con cái có biểu hiện giống tay chân miệng thì đưa ngay vào viện khiến bệnh viện càng quá tải hơn. Sở Y tế Đà Nẵng phải thành lập tổ tư vấn tay chân miệng đặt ngay tại Trung tâm Phụ sản - nhi để tư vấn cho các bậc phụ huynh yên tâm hơn.

Đồng Tháp: tăng gấp 6 lần

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Ấn cho biết hai tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã có hơn 600 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2011. Hiện mỗi tuần các bệnh viện trong tỉnh phải điều trị cho hơn 70 ca. Đến nay đã chi hơn 1 tỉ đồng để tổ chức phun xịt, khử trùng ở 3.000 điểm có người bệnh hoặc ổ dịch nhưng vẫn chưa chặn được bệnh.

Hậu Giang: năm ngoái 2 ca, năm nay 300 ca

Đó là số liệu thống kê ca tay chân miệng của tỉnh Hậu Giang vào thời điểm này. Bác sĩ Nguyễn Văn Mười - phó giám đốc Sở Y tế Hậu Giang, cho biết hiện tỉnh đang khẩn trương đề ra nhiều biện pháp để phòng chống và ngăn chặn bệnh lây lan, trong đó biện pháp then chốt vẫn là công tác tuyên truyền các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ có con dưới 5 tuổi, về vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống...

Khánh Hòa: tỉnh có số ca bệnh nhiều nhất miền Trung

TS Viên Quang Mai, phó viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, cho biết Khánh Hòa là tỉnh có số ca mắc bệnh nhiều nhất 11 tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Ông Bùi Xuân Minh, phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho biết hiện toàn tỉnh có gần 300 ca mắc bệnh, trong đó mỗi tuần có 30-40 ca mắc bệnh mới. Số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bác sĩ NGÔ THỊ KIM YẾN(phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên