Hầu hết những người bị tăng huyết áp không có biểu hiện triệu chứng nào cả và thậm chí họ còn không biết mình bị bệnh, vì vậy tăng huyết áp được gọi là "Kẻ giết người thầm lặng”.
Tăng huyết áp có nguyên nhân từ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu, bia. Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2015, có 45% nam giới hút thuốc; 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa uống ở mức nguy hại; hơn một nửa dân số ăn thiếu rau/tráỉ cây; người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và có khoảng 1/3 người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Đây là những yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng tim mạch, đột quỵ.
Khi nào được gọi là tăng huyết áp?
Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch để đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Bình thường huyết áp tối đa dao động từ 90-139 mmHg và số đo huyết áp tối thiểu bình thường từ 60- 89 mmHg.
Huyết áp được gọi là tăng khi huyết áp tâm thu >140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương >90mmHg sau khi đo lặp đi lặp lại nhiều lần và đúng cách. Dưới 40 tuổi, huyết áp 145/80; dưới 50 tuổi, huyết áp 150/80; dưới 60 tuổi huyết áp 160/90 và trên 60 tuổi huyết áp 165/95 được coi là có khuynh hướng tăng huyết áp.
Vì huyết áp có thể lên xuống trong những điều kiện nhất định nên để biết một người có bị tăng huyết áp hay không thì không thể xác định qua một lần đo mà phải đo nhiều lần trong ngày, thậm chí là trong tháng. Khi đo, bệnh nhân phải tuân thủ những yêu cầu như không hút thuốc lá hoặc uống cà phê 15-30 phút trước khi đo, tinh thần thoải mái... và bác sĩ phải thực hiện đo đúng phương pháp.
Xử trí khi bị tăng huyết áp
Bản chất của bệnh tăng huyết áp là không có triệu chứng điển hình. Nếu không dùng máy để đo huyết áp thì hầu như rất khó phát hiện. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân có những triệu chứng do tăng áp lực máu lên não như nhức đầu nhiều, mặt đỏ, tai ù, mắt nhìn mờ, chóng mặt, nôn mửa. Tốt nhất nên kiểm tra huyết áp bằng máy hoặc tìm sự trợ giúp của nhân viên y tế gần nhà. Để bệnh nhân nằm nghỉ trong tư thế thoải mái rồi tiến hành đo huyết áp. Sau 5-7 phút nằm nghỉ lại tiếp tục đo lần hai, nếu huyết áp vẫn cao như trị số ban đầu (khoảng 160/100) thì nên uống thuốc hạ huyết áp (người bệnh tăng huyết áp cần có sẵn thuốc ở nhà theo đơn của bác sĩ).
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, không được quá vội vàng cho bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp khi mới đi ngoài nắng nóng về hoặc đang lúc nóng giận... sẽ rất nguy hiểm. Những trường hợp như vậy, chưa chắc huyết áp nền đã cao mà nhiều khi do yếu tố môi trường, thời tiết, tâm lý có thể gây tăng huyết áp giả tạo.
Chú ý:
+ Khi huyết áp đột ngột tăng cao, bệnh nhân nên thả lỏng cơ thể, giữ tâm lý ổn định, không nên nói nhiều, không nên quá xúc động (quá vui hoặc nóng giận).
+ Người nhà không nên vì quá lo lắng mà tập trung lại hỏi han bệnh nhân quá nhiều. Người bệnh cũng không nên hoạt động gắng sức mà cần nằm nghỉ nơi yên tĩnh. Trong trường hợp huyết áp không hạ sau nghỉ ngơi thì cần đưa đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
+ Không sử dụng đường (trà đường, nước đường...); tuyệt đối không ăn mặn, không hút thuốc lá hoặc uống rượu, bia trong lúc lên cơn tăng huyết áp vì chúng dễ làm huyết áp tăng cao hơn.
Để phòng chống nguy cơ tăng huyết áp, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng của mình.
2. Tăng cường ăn rau và trái cây.
3. Giảm ăn muối xuống dưới 5g/ngày.
4. Tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày.
5. Không hút thuốc, hạn chế rượu, bia.
6. Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp, đặc biệt đối với người trên 40 tuổi. Mỗi người hãy nhớ số đo huyết áp của mình.
7. Người bị tăng huyết áp nên tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận