Sốt mò là bệnh nhiễm trùng cấp tính, gây ra bởi vi khuẩn Orientia tsutsugamushi, truyền sang người qua ấu trùng mò. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng, bệnh thường khỏi sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, do rất khó phân biệt với các bệnh sốt khác, sốt mò thường bị chẩn đoán nhầm. Nếu không được điều trị, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30%.
Sốt mò lưu hành nhiều nhất ở khu vực Châu Á và Tây Thái Bình Dương, với các ổ dịch nhỏ rải rác trên các trảng bìa rừng, các rừng mới phá hoặc mới trồng, vùng giáp ranh, nơi nhiều cây con bụi rậm, các bãi cỏ ven sông suối, trên nương rẫy, những điểm có bóng mát râm và đất ẩm.
Việt Nam nằm trong vùng lưu hành của sốt mò. Các loài chuột và thú nhỏ - vật chủ ký sinh của ấu trùng mò đỏ - có mặt đông đúc và phân bổ rộng rãi ở nước ta. Bệnh sốt mò xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 10, cao điểm là các tháng 6-7. Mọi lứa tuổi đều có thể cảm nhiễm bệnh.
Tác nhân gây bệnh
Orientia tsutsugamushi là vi khuẩn ký sinh nội bào bắt buộc (trong tiếng Nhật tsutsuga nhĩa là "bệnh" và mushi là "côn trùng"). Do có hệ men không hoàn chỉnh, vi khuẩn này buộc phải sống trong tế bào của động vật khác.
Nguồn truyền bệnh
- Ổ chứa mầm bệnh chủ yếu là mò nhiễm O. tsutsugamushi: Mò có thể truyền mầm bệnh cho các loài gặm nhấm và thú nhỏ, truyền dọc mầm bệnh qua trứng sang đời sau hoặc truyền ngẫu nhiên mầm bệnh sang người.
- Ổ chứa thứ yếu là các loài gặm nhấm và thú nhỏ (chuột, sóc, chồn, thỏ, các loài chim, chó, lợn, gà...): Khả năng truyền mầm bệnh từ các động vật này sang ấu trùng mò thường thấp. Mầm bệnh nhiễm vào mò thường không được nhân lên và không truyền sang người hoặc thú nhỏ khác vì ấu trùng mò chỉ đốt hút máu 1 lần trong đời.
Phương thức lây truyền
- Bệnh truyền sang người qua trung gian là ấu trùng mò; như vậy mò vừa là vật chủ vừa là vectơ truyền bệnh. Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác.
- Khi hút máu vật chủ có mang mầm bệnh, ấu trùng mò bị nhiễm O. tsutsugamushi. Ấu trùng mò 6 chân phát triển thành nymph 8 chân, rồi thành mò trưởng thành và đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng đã mang sẵn mầm bệnh, ấu trùng này đốt và hút máu người và các con vật khác, làm lây nhiễm bệnh. Ấu trùng là giai đoạn duy nhất có thể truyền bệnh sang người (nymph và mò trưởng thành sống trong đất và không hút máu các động vật khác).
- Mò đỏ thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm, nơi có bóng râm hoặc trong hang đá. Người có thể bị mò nhiễm bệnh đốt khi sinh hoạt lao động trong ổ dịch, phát rẫy làm nương, đi qua các vùng ven suối, ven sông, vào các hang đá, đi dã ngoại, ngồi, nằm nghỉ trên bãi cỏ…
- Người bị nhiễm bệnh qua vết đốt của ấu trùng mò. Một khi bám vào người, ấu trùng mò thường đốt trong 2-3 ngày, đốt xong nó lại trở về mặt đất, trưởng thành và sinh sản ra thế hệ sau.
Triệu chứng lâm sàng
Sau khi đi qua da, O. tsutsugamushi nhân lên tại chỗ, tạo thành nốt sần, tiến triển thành nốt phỏng nước bằng hạt đỗ và vết loét hoại tử có vảy. Từ vết loét, Orientia tấn công hệ bạch huyết, gây viêm hạch tại chỗ, rồi viêm hạch toàn thân, gây sưng và đau hạch. Orientia đồng thời đi vào máu, tới cư trú và phát triển trong tế bào nội mạc (lớp lót) của các mạch máu nhỏ ở tất cả các cơ quan như phổi, gan, lách, thận, não, tim, gây tổn thương các cơ quan này.
Các biểu hiện lâm sàng điển hình:
- Thời gian ủ bệnh kéo dài 6 - 21 ngày (trung bình 10 -12 ngày).
- Bệnh thường khởi phát đột ngột. Sốt cao liên tục ≥ 38 - 40°C, kéo dài 2-3 tuần hoặc hơn nếu không điều trị. Có khi rét run 1-2 ngày đầu, kèm theo sốt thường có nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.
- Nốt loét đặc trưng (điển hình của sốt mò):
+ Thường thấy ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, bẹn, nách, cổ…, đôi khi ở vị trí bất ngờ trong vành tai, rốn, mi mắt.
+ Nốt loét thường không đau, đôi khi có thể gây ngứa, người bệnh thường chỉ có một nốt.
+ Nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục trên nền sẩn đỏ, sau 4 - 5 ngày vỡ ra thành nốt có vẩy nâu nhạt hoặc sẫm. Sau đó vẩy bong để lộ nốt loét đáy nông. Khi hết sốt, nốt loét liền dần. Một số bệnh nhân không có dấu hiệu nốt loét đặc trưng.
- Hạch và ban dát sẩn
+ Nổi hạch tại khu vực nốt loét khi bệnh nhân bắt đầu sốt hoặc sau đó 2-3 ngày. Hạch này hơi sưng và đau, là chỉ điểm tìm nốt loét.
+ Có thể nổi hạch toàn thân nhưng sưng đau nhẹ hơn.
+ Sau khi sốt 5-8 ngày thường xuất hiện ban dát sẩn mọc khắp người, trừ lòng bàn tay bàn chân. Ban có thể tồn tại vài giờ đến 1 tuần, đôi khi có đốm xuất huyết.
- Trong tuần sốt đầu, bệnh nhân có thể ho nhiều, viêm phổi thường xuất hiện vào cuối tuần thứ hai.
- Nếu không được điều trị, sốt có thể kéo dài 2 tuần hoặc hơn rồi dần dần hạ trong vòng vài ngày. Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân thường hết sốt sau 36 giờ và có thể hồi phục nhanh chóng.
- Trường hợp nặng có thể có tổn thương đa tạng: Viêm cơ tim, trụy tim mạch, đông máu nội mạc rải rác, viêm phổi nặng, suy hô hấp...
Chẩn đoán phân biệt
Việc nhận biết và chẩn đoán sốt mò rất khó khăn vì các triệu chứng ban đầu của bệnh thường không điển hình. Đa số bệnh nhân nhập viện muộn do chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như sốt rét, sốt phát ban, sốt xuất huyết, sốt thương hàn, nhiễm xoắn khuẩn vàng da, nhiễm virus cấp, nhiễm trùng huyết, nhiễm não mô cầu… Chẩn đoán xác định phải dựa vào vết đốt của mò và kháng thể đặc hiệu trong máu.
Phân biệt một số bệnh:
- Bệnh do xoắn khuẩn: Sốt, xung huyết, mắt đỏ, đau cơ, ban và hạch nhưng không có nốt loét đặc trưng, thường có xuất huyết dưới da.
- Thương hàn: Sốt kéo dài, li bì, mạch nhiệt phân ly nhưng đào ban rất thưa, bụng thường chướng, không có nốt loét đặc trưng.
- Sốt xuất huyết: Sốt thường kéo dài trung bình 6 - 7 ngày, nhưng ở Dengue cổ điển ban dát sẩn dày hơn, đau cơ khớp rõ hơn; ở Dengue xuất huyết ban xuất huyết hay xuất hiện khi sốt về bình thường, không có nốt loét đặc trưng.
- Sốt rét: Tuy sốt rét tiên phát có sốt liên tục, nhưng rồi cũng chuyển vào cơn sốt chu kỳ với 3 giai đoạn rét - nóng - vã mồ hôi; không có nốt loét đặc trưng; ký sinh trùng sốt rét dương tính.
Khi có biểu hiện nghi ngờ, người bệnh nên đến cơ sở y tế để khám, tránh tự ý dùng các loại thuốc hạ sốt kéo dài khiến bệnh nặng thêm. Tại các cơ sở y tế khi có bệnh nhân sốt liên tục, ngoài việc nghĩ tới các bệnh sốt thông thường cần nghĩ đến bệnh sốt mò, nên tìm vết đốt của mò để lại trên người bệnh nhân.
Điều trị
- Kháng sinh đặc hiệu: Chloramphenicol, tetracyclin hoặc doxycycline. Dùng azithromycin hoặc chloramphenicol cho trẻ em và phụ nữ có thai.
- Kháng sinh thường phát huy hiệu quả rất nhanh, bệnh nhân nhanh chóng hết sốt, toàn trạng cải thiện rõ rệt. Cần lưu ý là thuốc chỉ có tác dụng kìm khuẩn, làm giảm tốc độ nhân lên của vi khuẩn trong khi chờ đợi cơ thể tạo miễn dịch. Việc dừng kháng sinh quá sớm, nhất là trong những ngày đầu của sốt có thể khiến bệnh tái phát.
Các biện pháp phòng bệnh
- Phát quang bụi rậm xung quanh nhà.
- Phun thuốc diệt mò: Phun tồn lưu vào đất ẩm, bờ bụi cây cỏ cao dưới 20 cm quanh nhà, nơi râm mát.
- Diệt chuột theo mùa, chú ý rắc thuốc diệt mò trước.
- Khi đi làm rẫy, phát nương, đi rừng cần mặc quần áo dài tay có dây chun buộc chặt ở ống quần, mang giầy, đội mũ; tránh ngồi, nằm, phơi quần áo đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây.
- Tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò hoặc sử dụng các kem xua diệt mò.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận