Bệnh sởi tăng mạnh
TT - Hiện mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM tiếp nhận 9-10 trẻ mắc sởi nhập viện, trong khi cả năm 2008 chỉ có hai ca!
Các bé mắc bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM - Ảnh: H.T.Vân |
Bác sĩ Trần Thị Thúy, phó khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết trong mười năm trở lại đây chưa khi nào lại thấy số bệnh nhi sởi nhập viện tăng bất thường như hiện nay.
1.047 ca sởi
Theo số liệu của phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện số bệnh nhi mắc sởi nhập viện đang tăng mạnh với 9-10 trẻ mỗi ngày. Từ đầu năm đến ngày 18-11, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận 1.047 trẻ mắc sởi điều trị nội trú. Trong số này có một bé gái 10 tháng tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM tử vong vào ngày 12-11 do đến bệnh viện điều trị trễ.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết đa số trẻ mắc sởi nhập viện đợt này đều ở TP.HCM. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó gần 50% là trẻ dưới 1 tuổi. Theo bác sĩ Châu Việt, Viện Pasteur TP.HCM đang nghiên cứu nguyên nhân dịch sởi tăng bất thường như hiện nay. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế ước tính có khoảng 70% số trẻ mắc bệnh là do chưa được chích ngừa.
Lý do được một số bà mẹ đưa ra là hơn một năm trước có một đợt bị thiếu hụt văcxin chích ngừa sởi làm nhiều cháu bé 9 tháng tuổi không được chích ngừa. Mặt khác, thời gian gần đây nhiều dịch bệnh diễn ra liên tục, nhiều trẻ mắc bệnh suốt nên không thể có chỉ định chích ngừa văcxin sởi. Bác sĩ Châu Việt giải thích khi cơ thể các cháu bé yếu (đã nhiễm siêu vi khác) mà chích ngừa văcxin sởi sẽ làm trẻ mắc ngay bệnh sởi. Vì nguyên tắc của văcxin sởi là lấy chính con siêu vi sởi đã được làm giảm độc lực chích vào người để tạo kháng thể. Bên cạnh đó bác sĩ Trần Thị Thúy kể một số phụ huynh thừa nhận do họ sợ những vụ tai biến văcxin trước đó nên không đưa con đi chích ngừa.
Bệnh lây dữ dội
Theo bác sĩ Châu Việt, bệnh sởi do siêu vi gây ra nên khi mắc bệnh trẻ sẽ sốt cao. Ngoài ra, trẻ còn bị ho, sổ mũi, phát ban. Ban sởi thường dày, đỏ ửng, lan từ mặt đến cổ, ngực, bụng sau đó lan ra tay, chân. Khác với các loại sốt phát ban khác là ngay khi đã phát ban trẻ vẫn tiếp tục sốt cao.
Nhiều bà mẹ quan niệm trẻ mắc sởi cần phải được trùm kín, tránh gió, tránh nước, thậm chí tránh ăn... Bác sĩ Châu Việt cho rằng đó là những quan điểm sai lầm. Trẻ mắc sởi vẫn có thể nằm quạt, máy lạnh. Bên cạnh đó, vẫn nên tắm cho trẻ vì nếu không tắm trẻ sẽ ngứa ngáy, khó chịu, không như cách nghĩ phổ biến của nhiều bà mẹ là tắm cho trẻ thì ban sởi sẽ lặn vào trong, bệnh sẽ nặng hơn. Trẻ mắc sởi không phải kiêng cữ gì mà nên cho ăn đầy đủ chất để nhanh hồi phục. |
Bác sĩ Châu Việt nhấn mạnh bệnh sởi là một trong những bệnh lây truyền qua đường hô hấp dữ dội nhất. Khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa điều trị cho một cháu bé bị viêm phổi, sau đó mới phát hiện cháu bé này mắc bệnh sởi.
Ngay sau đó 3-4 bé bên cạnh cũng bị lây bệnh. Biến chứng thường gặp ở các bệnh nhi mắc bệnh sởi nhập viện là viêm phổi, viêm phế quản, viêm não... Bác sĩ Việt khuyên khi trẻ sốt trên 24 giờ mà không hạ sốt, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để tránh những biến chứng có thể xảy ra.
Theo bác sĩ Châu Việt, bệnh sởi đã có văcxin chích ngừa, do đó cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là chích ngừa cho trẻ lúc 9 tháng tuổi. Sau đó, trẻ cần được chích ngừa nhắc lại khi được hơn 12 tháng tuổi và hơn 6 tuổi. Trẻ đã được chích ngừa vẫn có một tỉ lệ nhỏ bị mắc bệnh nhưng thường ở thể nhẹ, ít gây biến chứng. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng vì khi cơ thể khỏe mạnh thì siêu vi sẽ rất khó tấn công.
THÙY DƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận