17/04/2014 18:00 GMT+7

Bệnh sởi gây biến chứng gì, điều trị ra sao?

LÊ THANH HÀ thực hiện
LÊ THANH HÀ thực hiện

TTO - Trước tình hình bệnh sởi ngày càng gia tăng khiến nhiều người lo lắng, làm sao để tránh bị lây nhiễm sởi, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh - trưởng khoa nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

DIS64wWT.jpgPhóng to
Trẻ bị bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

Sởi là bệnh do virút gây ra, thường gặp ở người chưa được tiêm ngừa hoặc chưa tiêm ngừa đủ, chưa mắc bệnh sởi lần nào và có tiếp xúc với bệnh nhân sởi.

Bệnh thường gây biến chứng ở trẻ nhỏ. Bệnh sởi lây lan rất nhanh qua nước bọt trong không khí khi người mang mầm bệnh hắt hơi hoặc ho.

Thực tế từ trước khi phát ban vài ngày, người mắc sởi đã phát tán virút ra môi trường xung quanh và việc phát tán virút này còn kéo dài 5-7 ngày sau khi bệnh nhân phát ban.

* Xin bác sĩ cho biết các triệu chứng của bệnh sởi?

- Bệnh sởi có hai thể là thể điển hình và không điển hình. Ở thể điển hình, bệnh diễn tiến qua ba giai đoạn: giai đoạn ủ bệnh kéo dài 10-14 ngày, giai đoạn khởi phát từ 2-4 ngày.

Ở giai đoạn này bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, viêm đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể thấy các hạt nhỏ 0,5-1mm màu trắng có quầng ban đỏ trên niêm mạc miệng; giai đoạn toàn phát kéo dài 2-5 ngày.

Thường sau khi sốt cao 3-4 ngày, bệnh nhân bắt đầu phát ban, xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân, ban hồng nổi sẩn, khi dùng tay kéo căng da thì ban biến mất. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt bệnh nhân giảm dần.

Khi ban nhạt dần rồi chuyển màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, bệnh nhân bước vào thời điểm hồi phục. Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi nhưng có thể ho còn kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

Ở thể không điển hình, bệnh nhân có thể sốt nhẹ thoáng qua, viêm đường hô hấp nhẹ và phát ban ít, tình trạng sức khỏe tốt.

Thể này dễ bị bỏ qua nên thường dẫn đến lây bệnh mà không biết. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, phù nề tứ chi, đau mỏi toàn thân, thường có viêm phổi nặng kèm theo. Xét nghiệm có thể có tăng men gan.

* Bệnh sởi có thể gây biến chứng gì và cần được điều trị, chăm sóc thế nào?

- Các biến chứng thường gặp của sởi là bệnh nhân có thể bị viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản, viêm thanh quản, tiêu chảy, bùng phát lao tiềm ẩn. Người lớn, trẻ lớn có thể gặp biến chứng viêm cơ tim, viêm não...

Khi bệnh nhân bị bệnh cần được nghỉ ngơi tại giường, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh da, mắt, miệng họng, uống thuốc giảm ho, hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, hoặc áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lau nước ấm, chườm mát.

Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung điện giải qua đường uống. Chỉ truyền dịch duy trì khi người bệnh nôn nhiều, có nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải.

Ngoài ra, cần bổ sung vitamin A nếu trẻ suy dinh dưỡng và có dấu hiệu khô mắt do thiếu vitamin A.

sfSS2l7d.jpgPhóng to
Trẻ bị bệnh sởi phải nằm hành lang tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: L.TH.H. chụp ngày 16-4-2014

* Xin bác sĩ cho lời khuyên về biện pháp phòng ngừa bệnh sởi?

- Cách ly người bệnh trong suốt giai đoạn có biểu hiện bệnh cho đến ít nhất bốn ngày sau khi bắt đầu phát ban để tránh lây lan. Để phòng bệnh sởi hữu hiệu nhất, phụ huynh cần cho cho trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh sởi hai mũi theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia lúc trẻ được 9 tháng tuổi và lúc 18 tháng tuổi. Mũi tiêm này chỉ chứa vắcxin sởi.

Ngoài ra, hiện nay cũng có các vắcxin phối hợp với sởi (chích một mũi phòng được ba bệnh là sởi, quai bị và rubella).

LÊ THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên