12/11/2022 21:48 GMT+7

Bệnh nhi mắc vi khuẩn 'ăn thịt người' tử vong

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Bệnh viện Nhi trung ương vừa thông tin bệnh nhi 15 tuổi (trú Thanh Hóa) mắc bệnh Whitmore (còn gọi vi khuẩn "ăn thịt người") đã tử vong trong tình trạng suy đa tạng, hoại tử ruột.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 12-11, lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương cho biết hai bệnh nhi trú tại Thanh Hóa mắc Whitmore được điều trị tại bệnh viện. Trong đó, bệnh nhi 15 tuổi đã tử vong đêm 11-11. 

Bệnh nhi còn lại 10 tuổi tình trạng nhẹ hơn và đang hồi phục tốt.

Bệnh nhi 15 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương vào ngày thứ 12 sau khi khởi phát trong tình trạng nặng, phổi tổn thương, suy hô hấp, vẫn còn ban sẩn xuất huyết ở hai bàn tay. Các bác sĩ đã chẩn đoán trẻ bị sốc nhiễm khuẩn/suy đa tạng/Whitmore.

Được biết hai ngày trước khi khởi phát, trẻ đi học về và bị dầm nước mưa, sốt cao liên tục bốn ngày, ho, nổi sẩn ban kèm đau tức ngực phải, đau bụng... Bệnh nhi được điều trị tại hai bệnh viện địa phương sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương.

Trước đó, Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận ba trường hợp mắc bệnh Whitmore, bao gồm một phụ nữ 40 tuổi ở Đắk Lắk và hai bé trai ở Thanh Hóa.

Theo các tài liệu y khoa, bệnh Whitmore (còn được gọi Melioidosis) là một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.

Những nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy bệnh phân bố ở nhiều tỉnh thành phía Bắc và phía Nam. Tỉ lệ tử vong do bệnh khá cao, trên 40%, nhất là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng.

Phòng bệnh bằng cách nào?

Các bác sĩ cho biết đến nay bệnh Whitmore vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó biện pháp phòng ngừa chính là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là những người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh gan mãn… bằng cách sử dụng đồ bảo hộ như mang găng tay cao su, đi ủng.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh Whitmore:

1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.

2. Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

3. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

4. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

5. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

6. Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

7. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Vi khuẩn Vi khuẩn 'ăn thịt người' gây bệnh Whitmore có thật sự đáng sợ?

TTO - Trường hợp bé gái 9 tuổi ở Đắk Lắk bị nhiễm Whitmore (do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra, còn gọi vi khuẩn 'ăn thịt người') lại dấy lên nỗi lo lắng khi chúng xâm nhập vào cơ thể, gây tổn thương nhiều cơ quan.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên