Theo các bác sĩ, không phải trường hợp nào cũng nên vào viện tuyến cuối, gây quá tải không cần thiết.
Trẻ chuyển nặng trên đường đi đến TP.HCM
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) ngày 9-10 khá đông phụ huynh từ các phòng bệnh đưa trẻ mắc tay chân miệng ra đánh giá mức độ bệnh. Riêng phòng cấp cứu của khoa - nơi điều trị các trẻ mắc tay chân miệng độ nặng, có khá nhiều trẻ. Có đến 16 ca bệnh nặng (trong đó có 12 ca độ 3 và 4 ca độ 2b) đều ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Điển hình trường hợp bệnh nhi 26 tháng tuổi ở Trà Vinh. Khi nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng, phụ huynh lo lắng con chuyển nặng nên tự đón xe đưa thẳng lên Bệnh viện Nhi đồng 1 mà không đến cơ sở y tế địa phương.
Trong quá trình di chuyển, phụ huynh chỉ thấy con mình lơ mơ, ngủ nhiều, không ăn uống mà không biết đó là dấu hiệu trẻ chuyển nặng. Khi đến Bệnh viện Nhi đồng 1, mức độ mắc tay chân miệng của bé đã chuyển sang độ 3.
Bác sĩ CKII Dư Tuấn Quy, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết trong ngày 9-10 khoa điều trị 148 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 35 ca tay chân miệng độ 3, 19 ca độ 2b, số còn lại là độ 2a. Trong tổng số ca tay chân miệng này có đến hơn 70% là bệnh nhi ở tỉnh chuyển đến, trong khi trước đây tỉ lệ này giữa TP.HCM và các tỉnh là tương đương.
Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc bệnh viện - cho biết trong ngày 9-10 bệnh viện đang điều trị 87 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 8 ca bệnh nặng với 4 ca thở máy (có 2 ca lọc máu), 4 ca thở oxy. Trong tổng số 87 ca có đến 70% ca bệnh ở tỉnh chuyển đến, nhiều nhất là các tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ.
Hà Nội cũng ghi nhận số ca bệnh tay chân miệng tăng
Tại một số bệnh viện ở Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng tiếp nhận có gia tăng, trong đó một số trường hợp nặng.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tuần qua TP ghi nhận 265 ca mắc tay chân miệng, gấp đôi số ca mắc tuần trước đó là 141 ca. Trong đó, có hai ổ dịch tay chân miệng.
Cộng dồn trong năm 2023, khu vực miền Bắc ghi nhận 8.869 ca, so với cùng kỳ năm 2022 số mắc cao hơn 29%.
Vô tình lây lan bệnh, không cần thiết đến tuyến trên
Nhận định nguyên nhân số bệnh nhi ở tỉnh chiếm đa số, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho rằng dịch bệnh tay chân miệng năm nay có sự dịch chuyển giữa các vùng địa lý, và hiện đang gia tăng ở vùng Tây Nam Bộ.
Lý do nữa là phụ huynh thường có tâm lý lo sợ nên muốn đưa trẻ lên bệnh viện tuyến trên, trong khi một số bệnh viện tuyến dưới còn gặp một số khó khăn như nhân sự, thuốc điều trị, trang thiết bị...
Bác sĩ Dư Tuấn Quy khi hỏi các bậc phụ huynh, họ cho biết vì gia đình quá lo lắng khi phát hiện trẻ mắc bệnh tay chân miệng nên đã chủ động đón xe khách vượt đường xa đến TP.HCM.
Một số trẻ đã nhập viện ở bệnh viện địa phương, nhưng khi thấy có ca chung phòng chuyển nặng thì lại lo lắng và xin chuyển viện. Có trường hợp bệnh nhi không đủ điều kiện chuyển viện nhưng phụ huynh xin xuất viện rồi tự chuyển đi, dù nhân viên y tế tại bệnh viện địa phương muốn giữ ca bệnh.
"Khi di chuyển bằng xe khách đường xa, sẽ làm lây lan cho trẻ khác trên xe. Tình hình này nếu tiếp diễn thì mức độ lây lan trong cộng đồng ngày càng nhanh hơn. Không những thế, có trẻ bỏ lỡ 'thời gian vàng' điều trị, chuyển nặng ngay trong quá trình di chuyển", bác sĩ Quy lo lắng.
Trước lo lắng của các bậc phụ huynh ở tỉnh, bác sĩ Tiến khuyến cáo gia đình nên đưa trẻ mắc tay chân miệng tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, không nhất thiết tự đưa trẻ lên tuyến trên.
Không tự dùng kháng sinh để điều trị bệnh
Theo bác sĩ Kim Anh, bệnh viện tiếp nhận một số trẻ ngày đầu khi mắc bệnh bố mẹ đã cho trẻ dùng kháng sinh, hạ sốt, chống nôn.
"Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh tay chân miệng do vi rút gây ra là không đúng. Kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị bệnh do vi khuẩn gây ra. Trường hợp các bé mắc tay chân miệng mà kết quả xét nghiệm có viêm nhiễm do vi khuẩn thì bác sĩ mới cân nhắc kê kháng sinh điều trị.
Cha mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị kháng sinh cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ", bác sĩ Kim Anh khuyến cáo.
Diễn tiến nhanh, nhiều biến chứng nguy hiểm
Theo bác sĩ Trần Thị Kim Anh - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), bệnh tay chân miệng dễ lây và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mầm non, mẫu giáo.
Bệnh tay chân miệng có một thể lâm sàng gọi là tối cấp diễn tiến rất nhanh với các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong vòng 24-48 giờ.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nhẹ nhất (độ 1) với dấu hiệu chỉ loét miệng và tổn thương da có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên cần theo dõi sát sao để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.
ThS Đỗ Thị Thúy Hậu (điều dưỡng trưởng Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương) cho hay bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh trong vòng vài giờ. Do đó, khi trẻ được điều trị bệnh tại nhà, ngoài việc chăm sóc và cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ thì cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến bệnh của trẻ để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Khi trẻ sốt cao, không đáp ứng với thuốc hạ sốt; giật mình liên tục, tăng theo thời gian; quấy khóc dai dẳng kéo dài; một số dấu hiệu khác như khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng… cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận