Y bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu - hồi sức tích cực chống độc người lớn - nơi bệnh nhân 91 còn điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: X.MAI
Đó là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Chưa từng có trong y văn thế giới
Bác sĩ Phong cùng tập thể y bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã điều trị trực tiếp cho bệnh nhân 91 suốt hơn 2 tháng, trước khi bệnh nhân này được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM để tiếp tục được điều trị, chuẩn bị ghép phổi.
Đây là một ca bệnh rất đặc biệt, bệnh nhân mắc COVID-19, là bệnh dịch mới trên thế giới, nguy cơ lây bệnh rất cao cho nhân viên y tế. Đây còn là một bệnh nhân người nước ngoài với diễn tiến bệnh vô cùng phức tạp, chưa từng có trong y văn thế giới!
Nhớ lại những ngày đầu điều trị cho bệnh nhân 91, bác sĩ Phong chia sẻ khi mới nhập viện, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, đi lại bình thường. Bệnh nhân không chịu ăn thức ăn Việt nên nhân viên y tế của bệnh viện đã phải liên hệ với nơi công tác của bệnh nhân là Vietnam Airlines để hỗ trợ đặt thức ăn riêng. Vài ngày sau bệnh nhân mới bị suy hô hấp tăng dần, cần được hỗ trợ hô hấp thở oxy mũi. Từ ngày 25-3, bệnh nhân phải chuyển sang thở oxy qua mặt nạ. Đến ngày 5-4 phải thở máy xâm lấn và từ 6-4 phải can thiệp ECMO ngay tại phòng cách ly áp lực âm...
Cả tập thể y bác sĩ của bệnh viện đã trải qua chuỗi ngày muôn vàn gian nan để cứu bệnh nhân, không còn khái niệm về thời gian. "Có khi tôi không để ý hôm nay là thứ mấy, ngày mấy vì hầu như ai cũng phải làm thêm giờ, túc trực bệnh viện thường xuyên, bất kể cuối tuần, đêm hôm", bác sĩ Phong nhớ lại. Với các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân 91, đó là những ngày "rất cực, quá tải, rất mệt", ngay cả "lúc ngủ cũng nằm mơ thấy phác đồ điều trị cho nam phi công".
Lằn ranh sinh tử
Phi công người Anh là một trong hai ca nhiễm COVID-19 nặng nhất tại Việt Nam, phải chạy máy ECMO. Điều trị cho bệnh nhân này luôn có một êkip túc trực, gồm một bác sĩ và hai điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới ngay bên bệnh nhân để theo dõi sát những diễn biến. Do đây là căn bệnh lây nhiễm, bác sĩ, điều dưỡng trực đều phải mặc đồ bảo hộ chuyên dụng để tránh lây bệnh, cứ 3-4 giờ lại phải thay êkip trực trong phòng áp lực âm.
Bệnh nhân này đã có nhiều giai đoạn nguy kịch, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Đó cũng là những lần bác sĩ Phong cùng nhiều đồng nghiệp "thót tim" theo diễn biến của bệnh nhân. Đỉnh điểm của cơn "thót tim" này là khi hai phổi của bệnh nhân đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động. Các bác sĩ đã tìm mọi cách điều trị để nâng chức năng hoạt động của phổi lên được 20%...
Điều trị cho ca bệnh nặng này cần đến sự tham gia của cả một tập thể từ ban giám đốc bệnh viện đến các y bác sĩ điều trị trực tiếp. Ngoài ra còn phải kể đến sự tham gia hội chẩn trực tuyến bất kể ngày hay đêm của các chuyên gia hàng đầu từ Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để tìm hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân mỗi khi bệnh nhân có những diễn tiến nguy kịch.
Hơn cả những đóa hoa
Trong những ngày đầu điều trị và chăm sóc những bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên tại khoa nhiễm D, tôi và các đồng nghiệp liên tục trau dồi, cập nhật những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm điều trị, tình hình dịch bệnh đang diễn tiến trong và ngoài nước...
Để luôn giữ lửa cho cuộc chiến dài ngày này, tôi thường xuyên động viên các "chiến binh áo trắng" của mình phải luôn giữ vững ý chí và tinh thần thép để đối phó với đại dịch, với ngay cả trong tình huống xấu nhất có thể.
Vẫn biết khi xác định dấn thân vào cuộc chiến này là phải đối mặt với những nguy cơ lây nhiễm cao từ người bệnh, nhưng đội ngũ nhân viên khoa chúng tôi đã luôn sẵn sàng căng mình, nỗ lực hết sức mong làm được những điều tốt nhất để chữa khỏi cho bệnh nhân.
Chúng tôi luôn tâm niệm rằng việc cứu sống bệnh nhân và nhìn thấy bệnh nhân được bình phục từng ngày là mong muốn, cũng là niềm vui lớn nhất của chúng tôi. Điều đó còn hơn cả những đóa hoa hay lời cảm ơn từ bệnh nhân mà chúng tôi nhận được.
BS Nguyễn Thanh Phong
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận