22/03/2024 15:17 GMT+7

Bệnh nhân nhiễm cúm A/H5 trở nặng phải thở máy

Liên quan ca nhiễm cúm A/H5 chưa rõ nguồn lây đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, bệnh nhân diễn biến nặng phải thở máy.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa - nơi nam sinh viên đang điều trị - Ảnh: TUYẾT BĂNG

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa - nơi nam sinh viên đang điều trị - Ảnh: TUYẾT BĂNG

Trưa 22-3, ông Tôn Thất Toàn - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa - cho biết bệnh nhân nhiễm cúm A/H5 đang điều trị cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hiện phải thở máy. Các bác sĩ đang tích cực điều trị cho bệnh nhân.

Cơ quan y tế đã khử khuẩn bằng Cloramin B phòng ở và các phòng trong dãy nhà ký túc xá Trường đại học Nha Trang, nơi bệnh nhân này lưu trú trước đó.

Cơ quan y tế cũng đã lập danh sách cán bộ y tế và những người tiếp xúc với bệnh nhân để theo dõi.

Trong đó, có 14 cán bộ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 6 cán bộ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, 4 người nhà của bệnh nhân, 6 sinh viên cùng phòng bệnh nhân và 60 sinh viên học cùng lớp với bệnh nhân để tiến hành theo dõi sức khỏe..

"Các mẫu bệnh phẩm của bạn cùng phòng hay người nhà bệnh nhân (người tiếp xúc gần) đều cho kết quả âm tính với cúm A/H5. Nhưng không vì vậy mà chủ quan, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đều được lên danh sách theo dõi.

Bệnh cúm A/H5 thường lây ở động vật nhưng cũng có thể lây sang người. Tuy nhiên, không giống như các loại cúm khác ở người, cúm A/H5 không dễ dàng lây từ người sang người. Phía CDC cũng đã có hướng quản lý, không để bệnh lây lan", ông Toàn nói.


Khu ký túc xá tại Đại học Nha Trang, nơi bệnh nhân ở, được phun khử khuẩn, theo dõi - Ảnh: TUYẾT BĂNG

Khu ký túc xá tại Đại học Nha Trang, nơi bệnh nhân ở, được phun khử khuẩn, theo dõi - Ảnh: TUYẾT BĂNG

Ông Nguyễn Đình Thoan - phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa - cho hay sở đã có văn bản yêu cầu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẵn sàng đảm bảo nhân sự, vật tư y tế để tiếp nhận cách ly, điều trị các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định cúm A (H5N1) theo đúng quy định.

Tổ chức tập huấn lại về chẩn đoán, điều trị, phòng lây nhiễm cúm A (H5N1) cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi diễn tiến bất thường, đặc biệt có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết. Những trường hợp này cần hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để được chẩn đoán, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong.

Hiện cơ quan chuyên môn đã lấy 3 mẫu bệnh phẩm trên đàn gia cầm, gồm 2 mẫu ở đàn gà trong nhà bệnh nhân, 1 mẫu đàn vịt cách nhà 50m để xét nghiệm và đang đợi kết quả.

Chưa xác định loại kháng nguyên N trong vi rút cúm A/H5

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, cúm A/H5 là bệnh truyền nhiễm do vi rút cúm gia cầm gây ra, lây sang người.

Vi rút cúm gia cầm thuộc nhóm vi rút cúm A, gồm kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase).

Có 15 loại kháng nguyên H, ghi nhận H1 đến H15 và 9 loại kháng nguyên N, ghi nhận N1-N9. Tùy nhiễm chủng H kết hợp N nào, bệnh nhân được ghi nhận mắc chủng đấy. Ở Việt Nam, thường gặp là cúm H5N1, H1N1.

Bệnh nhân trên nhiễm vi rút cúm A/H5, tuy nhiên chưa xác định loại kháng nguyên N nào. Cơ quan y tế đang điều tra tìm nguồn lây.

Nhiễm cúm A/H1N1 và A/H5N1 khác nhau thế nào?Nhiễm cúm A/H1N1 và A/H5N1 khác nhau thế nào?

Cùng nhiễm cúm, nhóm học sinh ở TP.HCM nhiễm cúm A/H1N1 thì nhanh khỏi, còn người nhiễm cúm A/H5N1 ở Campuchia đã tử vong vào cuối tháng 2. Nhiều người còn nhầm lẫn hoặc chưa rõ độc lực giữa các chủng cúm A này thế nào?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên