Số lượng lớn ma túy được công an thu giữ sau khi khám xét nơi ở của các nghi can - Ảnh: CACC
Tối 1-4, đại tá Trương Thọ Toàn - trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an Hà Nội - cho biết đã khởi tố Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại Thanh Trì) cùng 4 người khác gồm Nguyễn Văn Ngọc (47 tuổi, có 5 tiền án về ma túy), Nguyễn Trung Nguyên (38 tuổi, có 2 tiền án), Nguyễn Công Thường (35 tuổi, có 3 tiền án về ma túy) và Lê Hoàng Hải (26 tuổi) về các tội mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Cán bộ bệnh viện tiếp tay mở phòng "bay lắc"
Riêng Nguyễn Anh Vũ, kỹ thuật viên khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền Bệnh viện Tâm thần trung ương I, bị khởi tố về tội không tố giác tội phạm.
Chia sẻ về quá trình phá án, thượng tá Nguyễn Quang Hiền - phó Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an Hà Nội) - cho biết kết quả điều tra ban đầu xác định Quý đã tạo được mối quan hệ thân thiết với một số cán bộ y tế để được tự do đi lại, sinh hoạt, bố trí ăn ở theo nhu cầu.
Quý còn cải tạo căn buồng điều trị bệnh thành một phòng có cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laser để cất giấu và sử dụng trái phép chất ma túy.
"Băng nhóm này hoạt động bởi bệnh viện quản lý lỏng lẻo và đặc biệt có sự tiếp tay của nhiều nhân viên y tế. Cán bộ bệnh viện biết nhóm này ngang nhiên phạm tội mà vẫn làm ngơ và còn giao cả chìa khóa ra vào khu vực điều trị cho kẻ cầm đầu", thượng tá Hiền nói.
Theo ông Hiền, công an đang mở rộng điều tra để làm rõ quá trình hoạt động của băng nhóm này liên quan như thế nào đến bệnh viện và xác định trách nhiệm liên quan của Bệnh viện Tâm thần trung ương I.
"Chúng tôi đang đặt dấu hỏi tại sao bệnh viện lại cho bệnh nhân được tự cải tạo buồng bệnh thành nơi "bay lắc". Vấn đề này chúng tôi sẽ yêu cầu bệnh viện phải trả lời và làm rõ trách nhiệm".
Bộ Y tế đình chỉ công tác giám đốc bệnh viện
Cuối giờ chiều 1-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định đình chỉ công tác ông Vương Văn Tịnh - giám đốc bệnh viện, cùng 2 cán bộ bệnh viện này là bà Đỗ Thị Lưu - trưởng khoa và bà Tạ Thị Thêm - điều dưỡng trưởng khoa phục hồi chức năng và y học cổ truyền, nơi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý.
Đây là kết quả cuộc làm việc của Ban cán sự đảng Bộ Y tế sáng 1-4, và sau đó là cuộc làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Y tế với Bệnh viện Tâm thần trung ương I trong sáng cùng ngày.
Tại cuộc làm việc, đoàn công tác của Bộ Y tế đã yêu cầu bệnh viện làm rõ 10 vấn đề, trong đó vấn đề quan trọng là có hay không hành vi tham nhũng, nhận tiền, nhận các lợi ích vật chất để dung túng cho bệnh nhân Quý ngăn phòng điều trị, mang amply, loa, bàn DJ, đèn laser, đèn nháy và hàng ngàn viên ma túy tổng hợp, ma túy đá vào "bay lắc" tại bệnh viện.
"Theo quy chế bệnh viện hiện nay, bệnh viện để bệnh nhân ngăn phòng và xây dựng riêng trong phòng điều trị và mang các vật dụng không phục vụ khám chữa bệnh, điều trị bệnh, sinh hoạt của bệnh nhân vào bệnh viện là sai hoàn toàn" - thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế cho biết.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng hành vi của nhóm nghi phạm đội lốt bệnh nhân mở phòng "bay lắc" trong bệnh viện tâm thần vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vụ án này còn có dấu hiệu giúp sức, tiếp tay, thậm chí đồng phạm của một số cán bộ y tế của bệnh viện.
"Trong vụ án này, có rất nhiều sai phạm của cơ quan, cán bộ y tế và một số cá nhân có liên quan. Có thể xem xét xử lý kỷ luật ở mức cao nhất đối với các cán bộ phụ trách và người đứng đầu cơ sở chữa bệnh này, đồng thời có thể làm rõ để xử lý hình sự một số cán bộ, cá nhân về các tội phạm về chức vụ", luật sư Cường nói.
Bệnh viện: không biết, không nghe, không thấy
* Nghi can Quý từng thoát chết trong vụ tai nạn 6 người tử vong
Nghi can Nguyễn Xuân Quý cầm đầu đường dây mua bán ma túy ngay tại bệnh viện - Ảnh: CACC
Theo báo cáo của bệnh viện gửi Bộ Y tế, bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý tự ý ngăn phòng trong bệnh viện vào tháng 2-2021, trong ngày nghỉ và cán bộ nhân viên khoa nghỉ.
"Khi phát hiện, bệnh viện đã yêu cầu dỡ bỏ nhưng bệnh nhân trình bày lý do muốn được nằm riêng cho yên tĩnh, vì phòng bệnh rộng nên khoa không yêu cầu bệnh nhân dỡ bỏ nữa" - văn bản của ông Vương Văn Tịnh, giám đốc bệnh viện đang bị đình chỉ công tác, giải thích.
Văn bản này cũng cho biết loa, amply, đèn nháy, đèn laser, két sắt... mà bệnh nhân Quý mang vào, lãnh đạo khoa hoàn toàn không biết.
"Do bệnh nhân từng chấn thương sọ não, cảm xúc không ổn định nên kiểm tra trong phòng bệnh của bệnh nhân khó khăn, bệnh nhân không cho vào phòng, khi khám bệnh thì bệnh nhân ra ngoài, lãnh đạo khoa hoàn toàn không nghĩ tới bệnh nhân tàng trữ chất gây nghiện và một số dụng cụ sử dụng chất gây nghiện tại bệnh viện" - báo cáo nêu.
Ông N.X.N. (71 tuổi, bố của nghi can Quý) cho biết trước đây sức khỏe của Quý bình thường, nhưng sau khi thoát chết trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc, tinh thần của con trai ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Năm 2016, Quý điều khiển xe ôtô chở theo nhóm bạn đi chơi. Khi về, băng qua đường ray và bị tàu hỏa tông trúng. Vụ tai nạn khiến 6 người tử vong, duy nhất chỉ còn mình con trai tôi sống sót", ông N. nói.
Sau vụ tai nạn trên, Quý được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, ra viện có biểu hiện không bình thường về cảm xúc và thần kinh. Lo sợ bệnh tình của con trai ảnh hưởng đến tính mạng của những người thân nên gia đình ông đã đưa Quý vào điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I.
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, sau vụ tai nạn trên Quý bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau đó, ngày 10-6-2018, Quý bị bắt về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và bị tạm giam. 5 tháng sau, Quý có giấy giám định bị tâm thần nên được đưa đi chữa bệnh và Viện KSND huyện Thanh Trì tạm đình chỉ điều tra bị can.
D.TRỌNG - T.HOÀNG
Đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý nghiêm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các đại biểu Quốc hội đều đề nghị xử lý nghiêm những người liên quan đến đường dây ma túy ngay trong Bệnh viện Tâm thần trung ương I để răn đe, tránh những sự việc ngang nhiên như thế tái diễn.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng đây không phải lần đầu phát hiện vụ việc các công chức nhà nước liên quan đến việc buôn bán, sử dụng trái phép ma túy như trong các trại cai nghiện, trung tâm bảo trợ...
Theo bà Lan, trước đây trong công tác quản lý (bà từng làm phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM), đơn vị cũng có liên hệ công an để cảnh báo những trường hợp bác sĩ tiếp tay, phân phối các chất cấm này.
Cho rằng thời điểm xảy ra vụ việc ngay khi Quốc hội vừa mới thông qua Luật phòng chống ma túy sửa đổi nên bà Lan đề nghị phải nghiêm túc xem xét về mặt quản lý tại các bệnh viện, các cơ sở y tế và kể cả các cơ quan nhà nước khác để không tái diễn thực trạng này.
Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cũng đánh giá cao động thái quyết liệt của Bộ Y tế khi đình chỉ lãnh đạo bệnh viện, song ông Hòa đề nghị cơ quan công an truy cứu trách nhiệm những người liên đới để làm gương.
Bên cạnh việc xử lý hình sự các đối tượng là nhân viên của bệnh viện có liên quan tới đường dây mua bán và sử dụng ma túy, cần phải tiếp tục truy cứu những người có trách nhiệm liên quan và trách nhiệm của lãnh đạo bệnh viện.
Ông Hòa nhận định việc phát hiện một phòng được trang bị đầy đủ cách âm, lắp dàn loa lớn, đèn laser để phục vụ việc sử dụng trái phép chất ma túy trong bệnh viện... là chưa có tiền lệ.
NGỌC HIỂN - TIẾN LONG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận