Bệnh nhân phi công Anh cảm ơn Bộ Y tế, các y bác sĩ Việt Nam đã tận tình điều trị cho ông trong suốt hơn 100 ngày qua - Ảnh: TTXVN phát
"Chúng tôi đã biết lịch bay này từ đầu tháng và biết được chuyến bay sẽ đưa bệnh nhân 91 hồi hương. Trước chuyến bay, tiếp viên trưởng đã phân công từng thành thành viên trong tổ, đặc biệt là tiếp viên phục vụ trực tiếp. Khi tôi lên máy bay, trên đó đã được lắp 6 bình oxy phục vụ bệnh nhân, bệnh nhân 91 phi công người Anh ngồi trên khoang hạng thương gia cùng 2 bác sĩ" - chị Nguyễn Kiều Oanh, tiếp viên trên chuyến bay và là người phục vụ hành khách tại khoang thương gia, chia sẻ.
2 bác sĩ đi cùng rất chuyên nghiệp và nắm rõ về tiến trình sức khỏe của bệnh nhân, nhưng nhóm của chị Oanh cũng đã chuẩn bị sẵn trong tình huống có bất ngờ xảy ra. Tuy nhiên điều mà phi hành đoàn thấy rất vui, là phi công người Anh vui vẻ trong suốt hành trình.
"Anh ấy có nói với chúng tôi là hơi hồi hộp khi trở lại máy bay, nhưng trên hết là rất vui khi được trở lại bầu trời, nơi anh ấy quen thuộc. Vì có chuẩn bị trước là trên máy bay có bệnh nhân, nên tôi rất bất ngờ khi anh ấy gọi nước táo có thêm 2 viên đá, anh ấy tự mở bàn ăn và ăn hết suất trong bữa chính" - chị Oanh nói.
Phi công Đào Nguyễn Sơn và phi hành đoàn cũng đã đến chào phi công người Anh ngay trước khi máy bay cất cánh và trong hành trình, cũng như sau khi máy bay hạ cánh.
Phi công Đào Nguyễn Sơn cũng cho biết nhiều thời điểm anh qua thăm thấy bệnh nhân 91 đang ngủ, hành trình tới Anh dài và mệt với một người chưa bình phục hoàn toàn. Đây là thời khắc quan trọng với bệnh nhân: trở lại quê hương nhưng không có nhiều người thân, sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn, hành trình trở lại cần rất nhiều nỗ lực.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Onine, bác sĩ Phạm Thế Thạch, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, người đã tham gia hội chẩn các ca bệnh COVID-19 nặng, trong đó có bệnh nhân 91 cho biết sức khỏe trước khi bệnh nhân xuất viện hoàn toàn đủ điều kiện bay về Anh.
"Có thể coi anh ấy như một hành khách bình thường" - bác sĩ Thạch nói.
"Tuy nhiên vẫn có thể có những tình huống như có người có huyết khối tĩnh mạch sâu dẫn đến nguy cơ tắc mạch nếu ngồi lâu và không có vận động. Nhưng với bệnh nhân 91 chúng tôi nhận xét không có nguy cơ gì trong chuyến bay" - bác sĩ Thạch chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Bệnh nhân 91 (áo xanh), cùng đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ điều trị, Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế, Lãnh sự quán Anh tại TP.HCM trước khi bệnh nhân rời bệnh viện - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sáng qua 12-7, chuyến bay dài đã hạ cánh an toàn lúc 8h30 phút sáng giờ Anh (tức khoảng 14h30 giờ Việt Nam), mang theo bệnh nhân 91.
"Anh ấy có nói với chúng tôi mong mỏi sẽ được bay trở lại. Đó lại là một hành trình khác nhưng cũng sẽ rất dài. Hy vọng anh ấy sẽ trở lại" - thành viên Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia, nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận