Bác sĩ thăm khám tuyến giáp. Ảnh: news.com.au
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết, hình cánh bướm, thường nằm ở phía trước, dưới của cổ. Chức năng của tuyến giáp là tổng hợp hormone giáp trạng, tiết vào máu và đến các mô trong cơ thể. Hormone tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, giúp não, tim, cơ và các cơ quan khác hoạt động ổn định.
Những thay đổi bình thường của chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai
- Thay đổi về hormone: Khi mang thai cơ thể người mẹ sẽ sản sinh ra 2 hormone chính: βhCG (human chorionic gonadotropin) và estrogen. Việc tăng βhCG trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm giảm nhẹ hormone TSH (hormone kích thích giáp trạng), lúc này gọi là cường giáp cận lâm sàng. TSH sẽ tăng trở lại ở giai đoạn sau của thai kỳ. Estrogen (hormone sinh dục nữ) sẽ làm tăng hormone tuyến giáp gắn protein trong huyết thanh, tuy nhiên hormone tuyến giáp tự do (FT3, FT4) không tăng, do đó không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Như vậy chức năng tuyến giáp vẫn bình thường nếu TSH, FT3 và FT4 bình thường.
- Thay đổi về kích thước: Tuyến giáp có thể thay đổi về kích thước trong quá trình mang thai: Kích thước lớn hơn khoảng 10-15%, gọi là bướu cổ. Tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ sống ở vùng núi - nơi thiếu hụt I-ốt. Siêu âm là biện pháp tốt nhất giúp phát hiện tăng kích thước tuyến giáp. Khi thai phụ có tăng kích thước tuyến giáp thì nên đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm chức năng tuyến giáp.
Tác động của chức năng tuyến giáp đến mẹ và bé
Trong 10-12 tuần đầu của thai kỳ, đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào chức năng tuyến giáp của người mẹ. Hết 3 tháng đầu, cơ thể của bé sẽ tự sản xuất ra hormone tuyến giáp. Mặc dù vậy, bé vẫn phải phụ thuộc chính vào lượng I-ốt bà mẹ ăn vào. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo phụ nữ mang thai nên bổ sung 200 mcg I-ốt/ngày để duy trì chức năng tuyến giáp.
Cường giáp và thai kỳ
- Những nguyên nhân thường gặp gây cường giáp trong quá trình mang thai:
Nhìn chung, Basedow là nguyên nhân gây cường giáp thường gặp nhất (80-85%), tỷ lệ gặp 1/1500 phụ nữ mang thai. Thêm vào đó, một vài trường hợp hCG tăng quá cao cũng gây triệu chứng cường giáp. Chẩn đoán Basedow trong thời kỳ mang thai khó khăn hơn vì các triệu chứng hay xúc cảm, sợ nóng, da nóng ẩm và vã mồ hôi dễ nhầm với các triệu chứng của nghén. Xét nghiệm đo độ tập trung I-ốt không làm được vì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó chẩn đoán dựa vào tiền sử, nhịp tim nhanh trên 100 lần/phút, siêu âm tuyến giáp to, lan tỏa, xét nghiệm TSH, FT4, TRAb.
- Những nguy cơ của Basedow và cường giáp đối với phụ nữ mang thai:
Bệnh có thể mới xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc ở phụ nữ đã bị Basedow trước đó. Ngoài các triệu chứng kinh điển, người mẹ còn có thể bị đẻ non hoặc tiền sản giật. Ngoài ra, mẹ sẽ có nguy cơ cao bị suy tim, nhiễm độc giáp cấp. Bệnh Basedow có thể được cải thiện vào 3 tháng cuối thai kỳ hoặc cũng có thể nặng hơn ở thời kỳ hậu sản.
- Những nguy cơ của Basedow và cường giáp đối với thai nhi. Có 3 cơ chế sau:
+ Cường giáp không được kiểm soát tốt: Dẫn tới đứa trẻ bị tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, trẻ bị đẻ non, thai chết lưu và có thể bị dị tật bẩm sinh. Đó là lý do tại sao điều trị cường giáp cho phụ nữ có thai là hết sức quan trọng.
+ TSI (hormone kích thích tuyến giáp) tăng quá cao: Basedow được biết đến như một bệnh tự miễn dịch, cơ thể tự sinh ra kháng thể kích thích tuyến giáp (TSI). Kháng thể này qua nhau thai và có thể tác động đến tuyến giáp của thai nhi gây cường giáp ở trẻ sơ sinh. Do vậy, với phụ nữ mang thai bị Basedow phải định lượng TSI ở 3 tháng cuối thai kỳ. Ở trường hợp được điều trị bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp thì ít gặp TSI cao vì thuốc qua nhau thai. Phụ nữ có thai cần kể tiền sử bệnh đã được điều trị bằng thuốc kháng giáp trạng và đã ngừng thuốc rất lâu rồi với bác sĩ để được tư vấn tốt hơn.
+ Thuốc kháng giáp trạng tổng hợp: Methimazol (Thyrozol) và PTU là 2 thuốc điều trị cường giáp chính hiện nay. Cả 2 thuốc này đều qua nhau thai và có thể ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp và gây bướu cổ thai nhi. Kinh nghiệm cho thấy nhóm PTU vẫn được lựa chọn nhiều hơn, có thể vì PTU ít qua nhau thai hơn so với nhóm Methimazol. Mặc dù vậy, các nghiên cứu gần đây nhận thấy cả 2 nhóm thuốc trên đều an toàn với phụ nữ có thai. Nên điều trị với liều thấp, duy trì FT4 ở giới hạn cao của bình thường sẽ tốt cho thai nhi hơn. Trong quá trình điều trị thai nhi được theo dõi đều về tốc độ phát triển, nhịp tim thai, siêu âm tìm bướu cổ cho thai.
- Lựa chọn điều trị phụ nữ cường giáp thai kỳ:
Cường giáp nhẹ (triệu chứng nghèo nàn, nồng độ hormone tăng nhẹ) thông thường sẽ được theo dõi chặt chẽ mà chưa cần điều trị gì cho cả mẹ và em bé sau sinh. Khi cường giáp nặng cần phải điều trị thì thuốc kháng giáp trạng tổng hợp nên lựa chọn là PTU và theo dõi chặt chẽ (xét nghiệm TSH, hormone tuyến giáp hàng tháng) tránh gây suy giáp cho người mẹ và đứa trẻ.
Những phụ nữ không thể điều trị với thuốc kháng giáp trạng tổng hợp (dị ứng thuốc) thì phẫu thuật cũng có thể được lựa chọn. Tuy nhiên phẫu thuật cắt tuyến giáp cần được cân nhắc hết sức chặt chẽ vì nguy cơ cao trong gây mê, phẫu thuật cho cả mẹ và thai nhi.
Chống chỉ định điều trị I-ốt phóng xạ cho phụ nữ có thai vì I-ốt phóng xạ qua nhau thai gây mất chức năng tuyến giáp của trẻ.
Thuốc ức chế bê ta giao cảm có thể được dùng để giảm triệu chứng đánh trống ngực và run do cường giáp. Nên dùng liều nhỏ, thông thường loại thuốc này chỉ cần thiết cho đến khi cường giáp được kiểm soát bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp.
- Thông thường phụ nữ bị Basedow sau khi sinh bệnh sẽ nặng lên (thường ở 3 tháng đầu tiên sau sinh), do đó cần tăng liều thuốc kháng giáp trạng trong thời điểm này. Đồng thời cần kiểm soát chặt chức năng tuyến giáp. Đứa trẻ có thể bú sữa mẹ nếu bà mẹ được điều trị bằng PTU vì PTU gắn với protein máu cao và ít qua sữa mẹ hơn các thuốc khác.
Suy giáp và thai kỳ
- Nguyên nhân: Bệnh tự miễn (viêm tuyến giáp Hashimoto) là nguyên nhân chính gây suy giáp. Suy giáp có thể xảy ra khi mang thai, là do giai đoạn đầu của Hashimoto, điều trị suy giáp chưa đủ liều, trước đó điều trị cường giáp bằng thuốc kháng giáp trạng.
- Nguy cơ suy giáp đối thai kỳ đối với mẹ: không điều trị hoặc điều trị không đủ liều gây nên thiếu máu (hồng cầu giảm), bệnh lý về cơ (đau cơ, yếu cơ), suy tim sung huyết, tiền sản giật, bất thường về nhau thai, trẻ sinh ra nhẹ cân và chảy máu sau sinh. Những biến chứng này hầu hết xảy ra ở những thai phụ suy giáp nặng. Hầu hết suy giáp nhẹ sẽ không có triệu chứng hoặc các triệu chứng là do việc mang thai.
- Nguy cơ suy giáp thai kỳ đối với em bé: Hormone tuyến giáp cực kỳ cần thiết cho sự phát triển não trẻ. Trẻ sinh ra suy giáp bẩm sinh (không có chức năng tuyến giáp) có thể bất thường nghiêm trọng về nhận thức và sự phát triển của hệ thần kinh. Điều này có thể phòng nếu trẻ được phát hiện sớm ngay sau sinh. Vì vậy, tại Mỹ tất cả những đứa trẻ được sinh ra đều được sàng lọc suy giáp bẩm sinh để được điều trị thay thế hormone tuyến giáp sớm nhất có thể. Ảnh hưởng của thai phụ bị suy giáp lên sự phát triển của não trẻ còn chưa rõ ràng. Suy giáp thai kỳ nặng không được điều trị có thể dẫn đến giảm sự phát triển não trẻ. Một số nhà khoa học khuyên nên kiểm tra TSH trước khi mang thai hoặc khi có thai càng sớm càng tốt, đặc biệt ở những phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh lý tuyến giáp (trước đó điều trị cường giáp, tiền sử gia đình mắc bệnh lý tuyến giáp, bướu cổ). Phụ nữ suy giáp cần chắc chắn làm TSH khi mang thai, hormone tuyến giáp cần cao hơn trong thai kỳ, do đó thường phải tăng liều levothyroxine. Nếu TSH bình thường, không cần phải kiểm tra nhiều, phụ nữ cần tư vấn bác sĩ nếu muốn có thai. Phụ nữ bị suy giáp cần được điều trị để TSH và FT4 bình thường.
- Điều trị suy giáp thai kỳ:
Điều trị suy giáp ở phụ nữ mang thai giống như với đàn ông và phụ nữ không mang thai bị suy giáp, đó là dùng hormone tuyến giáp tổng hợp để thay thế. Thường sẽ phải tăng liều hormone lên 25-50% khi mang thai, thỉnh thoảng có trường hợp phải tăng liều gấp đôi. Phụ nữ nên điều chỉnh liều levothyroxine tối ưu trước khi mang thai và kiểm tra TSH ngay khi có thai để bác sĩ điều chỉnh TSH về mức bình thường. Chức năng tuyến giáp được kiểm tra mỗi 6-8 tuần trong suốt quá trình mang thai để chắc chắn chức năng tuyến giáp bình thường. Nếu thay đổi liều levothyroxine thì cần kiểm tra chức năng tuyến giáp sau 4 tuần. Sau sinh càng sớm càng tốt, liều levothyroxine được đưa về giống như trước khi mang thai.
Điều quan trọng nên biết rằng vitamin dành cho phụ nữ mang thai có chứa sắt và can-xi, sẽ làm giảm hấp thu hormone tuyến giáp qua đường tiêu hóa. Do đó cần uống các thuốc vào những thời điểm khác nhau, cách nhau ít nhất 2-3 giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận