Theo Viện Tim mạch Việt Nam, vấn đề trẻ hóa bệnh lý tim mạch ngày càng phổ biến là do lối sống đô thị hóa, công nghiệp hóa khiến con người lười vận động thể lực, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá.
Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Riêng tại Viện Tim mạch Việt Nam, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25 - 40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng trong những năm gần đây; trong đó ghi nhận khá nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40.
Kết quả nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước từ Viện Dinh dưỡng cũng cho thấy, tỷ lệ người từ 25 -74 tuổi có nguy cơ cao về sức khỏe lên đến 25,9%; hơn 40% người được khảo sát tại khu vực thành thị rơi vào mức nguy cơ này.
Trong đó, tỷ lệ bệnh rối loạn chuyển hóa lipid và glucose máu ở khu vực thành thị cao hơn nhiều so với các khu vực khác. Đặc biệt, có tới hơn 44,3% người từ 25 - 74 tuổi ở khu vực thành phố bị cholesterol máu cao và có hướng tăng dần theo lứa tuổi. Cholesterol máu cao là hậu quả của chế độ dinh dưỡng không hợp lý, dẫn đến thừa cân, béo phì, hình thành các mảng vữa xơ động mạch, tăng huyết áp - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng bệnh lý tim mạch, thậm chí để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe.
Tại Việt Nam, các chuyên gia dinh dưỡng đã nghiên cứu và khuyến nghị người Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ nên có lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng hợp lý, như giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày), hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm chứa nhiều cholesterol, tăng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và rau quả (400g/ngày), đảm bảo tính cân đối giữa chất đạm nguồn động vật và chất đạm nguồn thực vật, trong đó cần chú ý bổ sung các loại đậu, đỗ, nhất là đậu nành… nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và có một sức khỏe tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận