06/11/2007 21:00 GMT+7

Bệnh lý rễ thần kinh cổ

BS TĂNG HÀ NAM ANH - giảng viên CTCH ĐH Y dược TP.HCM
BS TĂNG HÀ NAM ANH - giảng viên CTCH ĐH Y dược TP.HCM

TTO - Tôi năm nay 51 tuổi, sức khỏe bình thường và cũng hay vận động, thời gian gần đây (mùa thu) tôi thường hay bị tê buốt ở 2 cánh tay và một bên vai, ngủ trưa hay đau nhức ở sau 2 vai và cổ, xin hỏi có phải tôi bị bệnh tê thấp và thần kinh liên sườn không? (Nguyễn Thanh Tuấn)

igK8uGQs.jpgPhóng to
Ảnh minh họa
TTO - Tôi năm nay 51 tuổi, sức khỏe bình thường và cũng hay vận động, thời gian gần đây (mùa thu) tôi thường hay bị tê buốt ở 2 cánh tay và một bên vai, ngủ trưa hay đau nhức ở sau 2 vai và cổ, xin hỏi có phải tôi bị bệnh tê thấp và thần kinh liên sườn không? (Nguyễn Thanh Tuấn)

Trả lời của phòng mạch online:

- Anh Tuấn mến, theo mô tả của anh với triệu chứng đau ở cổ, vai lan xuống tay gây tê buốt khiến chúng tôi nghĩ anh có thể bị bệnh lý rễ thần kinh cổ hay bị tổn thương chóp xoay vùng vai.

Bệnh lý rễ thần kinh cổ có thể do tình trạng thoái hóa cột sống cổ kèm thêm tình trạng thoát vị đĩa đệm cổ gây hẹp lỗ liên hợp là nơi chui ra của các rễ thần kinh cổ, bệnh sẽ biểu hiện bằng việc đau vùng cổ, tê lan ra vùng vai và xuống tận bàn tay theo sự chi phối của thần kinh bị chèn ép.

Khi khám bác sĩ có thể có nghiệm pháp làm tăng nặng tình trạng chèn ép này để có chẩn đoán. Và nếu quả thật có tình trạng bệnh lý rễ thần kinh cổ thì hai xét nghiệm cần làm gồm về hình ảnh thì chụp X-quang thường qui cột sống cổ và cao cấp hơn là chụp MRI, anh có thể được chỉ định làm điện cơ để xem có bệnh lý này thật không.

Và như chúng tôi đã trình bày trên các bài trả lời trước đây thì việc điều trị luôn bắt đầu bằng việc nội khoa dùng thuốc kèm theo tập vật lý trị liệu, cần tránh các tư thế xấu làm tăng nặng tình trạng chèn ép thần kinh như chúng tôi đã trình bày trên TTO (anh có thể tham khảo lại các bài này). Các biện pháp điều trị xâm lấn khác như mổ, đốt laser hay sóng radio cao tần đều rất thận trọng vì các biến chứng của nó và chỉ khi nội khoa thất bại.

Trong trường hợp thứ hai là viêm hay rách các gân chóp xoay vùng vai sẽ có triệu chứng đau vùng vai lan lên cổ và xuống cánh tay và thường dừng lại tại khuỷu, có hạn chế vận động vùng vai, đau nhức vai vào ban đêm và không ngủ được, không nằm nghiêng bên vai đau được. Các bác sĩ chấn thương chỉnh hình sẽ có những cách khám để phát hiện bệnh. Anh cũng sẽ được chụp X-quang vùng vai với tư thế hơi đặc biệt và chụp MRI có bơm thuốc tăng phản từ để nhìn thấy rõ hơn tình trạng rách hay viêm vùng chóp xoay. Tùy theo tình trạng của chóp xoay mà có thể uống thuốc và tập hay mổ nội soi khâu gân đứt.

Ngoài ra cũng có thể có những nguyên nhân khác mà cần phải khám trực tiếp để loại trừ hay chẩn đoán.

Như vậy anh thấy rằng biện pháp điều trị và phòng ngừa tùy thuộc anh bị loại bệnh gì. Do vậy anh nên đi kiểm tra bệnh của mình tại bệnh viện để có hướng điều trị chính xác.

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: [email protected]

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

BS TĂNG HÀ NAM ANH - giảng viên CTCH ĐH Y dược TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên