Ảnh minh họa. Nguồn: alexandrbykadorov.ru
Loạn thần do rượu được xác định bởi loạn thần xuất hiện và phát triển do hậu quả tác dụng trực tiếp của rượu lên não. Loạn thần phát triển chủ yếu do nhiễm độc rượu lâu dài gây tổn thương các cơ quan nội tạng và rối loạn chuyển hoá trong cơ thể.
Đặc điểm lâm sàng
Các yếu tố thúc đẩy
- Loạn thần do rượu với hoang tưởng và ảo giác chiếm ưu thế thường gặp ở lứa tuổi 30 - 40 tuổi (chiếm 61,3% số bệnh nhân).
- Tỉ lệ nam/nữ có khác biệt (4:1). Theo nghiên cứu của Marozov G.V. Hoang tưởng do rượu chủ yếu gặp ở nam giới, còn ảo giác do rượu gặp ở nữ nhiều hơn ở nam. Ở nước ta hoang tưởng và ảo giác do rượu rất ít gặp ở nữ.
- Loạn thần do rượu với hoang tưởng và ảo giác chiếm ưu thế thường gặp ở những người nghiện rượu mãn tính sau 10 năm (chiếm 61,5% trường hợp), thường gặp ở những người có học vấn thấp và nghề nghiệp không ổn định, thường ở trong hoàn cảnh gia đình có người thân nghiện rượu.
Đặc điểm khởi phát
Loạn thần do rượu với hoang tưởng và ảo giác chiếm ưu thế có thể khởi phát cấp tính hay từ từ. Giai đoạn tiền triệu ngắn với khí sắc hoang tưởng, ảo tưởng lời nói và lo âu.
Khởi phát cấp tính đạt đến đỉnh cao của bệnh trong khoảng vài giờ đến vài ngày (92,4% các trường hợp khởi phát cấp tính trong khoảng vài ngày).
Biểu hiện lâm sàng
Ảo giác: thường là những ảo giác thật, có thể có nhiều ảo giác trên một bệnh nhân, có thể có ảo thanh, ảo thị, ảo giác xúc giác, ảo khứu,…
- Ảo thanh hay gặp nhất ở bệnh nhân, ảo thanh phần lớn được phát triển trên nền tảng những rối loạn khác kèm theo, đôi khi ảo thanh xuất hiện vào ngày cuối cùng của cơn uống rượu. Ảo thanh thường xuất hiện vào chiều tối và lúc thiêm thiếp ngủ. Có thể là ảo thanh thô sơ hay ảo thanh lời nói.
- Giọng nói có thể nói chuyện với bệnh nhân hay nói chuyện với nhau. Cường độ ảo thanh có thể là tiếng kêu hay tiếng thì thầm, giọng nói biến đổi nhưng thường có những chủ đề liên quan với nhau. Ảo thanh nặng lên về chiều tối. Thoái triển đột ngột sau một giấc ngủ sâu hay giảm dần về cường độ và tần số, khi ảo thanh hết hẳn thì bệnh nhân phê phán được trạng thái loạn thần đã qua.
- Ảo thị cũng thường gặp sau ảo thanh, nội dung ảo thị thường phù hợp với nội dung ảo thanh và hoang tưởng. Khi ảo giác có sảng thì bệnh nhân thấy những côn trùng, động vật với kích thước thu nhỏ. Khi ảo giác kèm theo ý thức u ám bệnh nhân thấy những cảnh giống mộng nhưng chủ đề thường không hoàn chỉnh và mất tính thứ tự.
- Ảo xúc ít gặp hơn ảo thanh và ảo thị, thường xuất hiện cùng với ảo thị, bệnh nhân thấy những côn trùng bò trên da thịt, chuột gậm nhấm chân tay mình gây cảm giác khó chịu. Đôi khi ảo xúc là cảm giác những vật lạ trong miệng và họng.
- Ảo khứu và ảo vị chỉ gặp ở 9% bệnh nhân loạn thần do rượu với ảo giác chiếm ưu thế.
Hoang tưởng:
- Hoang tưởng (paranoid) do rượu được nhắc đến nhiều là hoang tưởng ghen tuông, được phát triển dần trên một nhân cách đã thoái hoá do rượu. Thoạt đầu những ý tưởng ghen tuông chỉ có trong khi say. Dần dần mới trở nên bền vững và xuất hiện cả những khi bệnh nhân không uống rượu. Từ chỗ nghi ngờ đi đến khẳng định vợ mình không chung thủy. Bệnh nhân rình mò, tra khảo, bắt vợ phải nhận lỗi. Bệnh nhân xác định người yêu của vợ mình thường là người quen biết.
- Sự phức tạp của loạn thần có thể diễn ra theo 2 hướng:
+ Hoang tưởng ghen tuông là chủ đề duy nhất không thay đổi.
+ Ý tưởng hoang tưởng còn có nội dung khác liên quan đến sự thiệt hại vật chất (vợ lấy tiền cho người yêu, đầu độc bệnh nhân để có tự do với người yêu). Một số nhà nghiên cứu nhận thấy hoang tưởng ghen tuông thường xuất hiện sau loạn thần do rượu cấp tính, ở tuổi trung niên. Một số thống kê nhận thấy hoang tưởng ghen tuông gặp ở 40% bệnh nhân loạn thần do rượu với hoang tưởng và ảo giác chiếm ưu thế.
- Paranoid do rượu được nhắc đến nhiều là hoang tưởng bị theo dõi, hoang tưởng bị hại và các hoang tưởng cảm thụ có tính hình tượng cao.
- Hoang tưởng bị theo dõi chi phối mãnh liệt hành vi, cảm xúc của bệnh nhân.
- Thường có ảo tưởng lời nói, ảo tưởng cảm xúc và ảo thanh với nội dung đe dọa.
- Hành vi có tính xung động, nguy hiểm cho bản thân và xung quanh. Bệnh nhân bỏ chạy, phòng thủ, có khi tự sát. Trong những trường hợp kéo dài thì hành vi ít nguy hiểm hơn. Ít thấy các hoang tưởng bị theo dõi, bị chi phối bằng vật lý như trong tâm thần phân liệt. Theo Soayka H., 1990 hoang tưởng bị theo dõi chiếm 32% bệnh nhân ảo giác do rượu.
- Hoang tưởng bị hại có thể cùng xuất hiện với hoang tưởng bị theo dõi hoặc hoang tưởng ghen tuông trong paranoid cấp do rượu. Theo thống kê của một số nhà nghiên cứu, hoang tưởng bị hại chiếm 71% bệnh nhân loạn thần do rượu với hoang tưởng chiếm ưu thế. Hoang tưởng bị hại có tỉ lệ cao nhưng không đặc hiệu cho loạn thần do rượu.
- Ngoài ra ở bệnh nhân loạn thần do rượu còn thấy một số hoang tưởng khác như hoang tưởng liên hệ, hoang tưởng tự cao, hoang tưởng nghi bệnh… nhưng với tỉ lệ thấp.
- Hoang tưởng và ảo giác đôi khi cùng phối hợp với nhau trong một bệnh cảnh lâm sàng của loạn thần do rượu. Theo thống kê của Soayle M., 1990 chỉ có 13% bệnh nhân loạn thần do rượu có ảo giác đơn thuần.
Cảm xúc và hành vi:
Hoang tưởng và ảo giác do rượu thường chi phối mạnh mẽ hành vi, cảm xúc của bệnh nhân loạn thần do rượu ở những cơn cấp tính. Bệnh nhân lo âu, sợ hãi và căng thẳng cao độ, đôi lúc khoái cảm. Hành vi thường né tránh, chạy trốn hoặc phản ứng tấn công người xung quanh.
Trong những trường hợp kéo dài mãn tính cảm xúc của bệnh nhân thường bị ức chế, đôi khi trở nên cau có, giận dữ. Hành vi có khi thẫn thờ hoặc sững sờ, cảm giác không lối thoát nhưng cũng có khi trở nên độc ác, thô bạo với người thân.
Các bệnh cơ thể phối hợp:
Bên cạnh các triệu chứng loạn thần còn thấy các bệnh cơ thể phối hợp như viêm loét dạ dày, xơ gan, rối loạn huyết áp và thần kinh thực vật. Ngoài ra ở nhiều bệnh nhân có biểu hiện trạng thái suy kiệt do nhiễm độc rượu lâu ngày.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định
- Các hoang tưởng, ảo giác chiếm vị trí hàng đầu. Không chẩn đoán khi có một sự ngộ độc hoặc cai rượu phối hợp, không tính đến những ảo giác do sử dụng chất gây ảo giác.
- Có bằng chứng hiển nhiên nghiện rượu là nguyên nhân liên quan đến bệnh.
- Những biểu hiện sau cho phép nghĩ đến một loạn thần không do rượu: hoang tưởng, ảo giác có trước khi dùng rượu, những giai đoạn tái diễn không liên quan đến rượu.
- Bệnh cảnh không diễn ra theo chiều hướng của một sảng tiến triển.
Chẩn đoán phân biệt
Với tâm thần phân liệt:
- Về khởi phát hoang tưởng, ảo giác do rượu thường cấp tính, nhanh đi đến toàn phát trong khoảng vài giờ đến vài ngày. Còn trong tâm thần phân liệt khởi phát từ từ hơn, thường có giai đoạn ủ bệnh trước khi hoang tưởng, ảo giác phát triển rầm rộ.
- Ảo giác do rượu thường là những ảo giác thật, ảo giác trong tâm thần phân liệt thường là những ảo giác giả có khi có ảo giác thật. Ảo thanh ra lệnh, bình phẩm đặc trưng trong tâm thần phân liệt ít thấy ở bệnh nhân loạn thần do rượu.
- Hiện tượng bị động, bị chi phối hay tâm thần tự động đặc trưng cho tâm thần phân liệt ít thấy ở bệnh nhân loạn thần do rượu.
- Phải xem xét tiền sử, bệnh sử, sự biến đổi nhân cách để có thể phân biệt tâm thần phân liệt và loạn thần do rượu.
Với sảng rượu:
- Sảng rượu là một tình trạng cấp cứu, rối loạn toàn thân nặng nề hơn và có nhiều rối loạn chuyển hoá cơ thể, dễ dẫn đến tử vong.
- Sảng rượu thường kèm theo rối loạn ý thức đặc thù. Sảng rượu thường gặp hiện tượng run còn gọi là sảng run.
- Ảo giác trong sảng rượu thường gặp ảo thị, thấy những con vật kích thước thu nhỏ.
Nguyên tắc điều trị
Giai đoạn loạn thần
Việc điều trị nhằm làm mất trạng thái loạn thần và đề phòng các biến chứng.
- Các thuốc an thần kinh: Một số bác sĩ khuyên nên sử dụng Halopéridol vì chúng không ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá thải trừ của rượu. Một số bác sĩ khác khuyên nên lựa chọn phối hợp an thần kinh tùy theo bệnh cảnh lâm sàng. Ở nước ta theo thống kê ban đầu 66,6% bệnh nhân loạn thần do rượu điều trị đơn thuần một loại an thần kinh chủ yếu là Halopéridol, 33,3% bệnh nhân điều trị phối hợp với các thuốc an thần kinh như Haloperidol, Tisercin, Aminazin,…
- Các thuốc bình thần: Thường sử dụng Diazepam (Seduxen) để giải lo âu với liều lượng trung bình.
- Các thuốc chống trầm cảm: Thường sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng như Amitriptilin, hoặc các thuốc chống trầm cảm mới như Stablon, Prozax,… với liều thấp hoặc trung bình.
- Liệu pháp vitamin: Nghiện rượu lâu thường dẫn đến thiếu vitamin B1, giảm giữ trữ glucoza gây ra tình trạng suy kiệt. Dùng vitamin B1 liều cao khắc phục được tình trạng này, phòng ngừa tiến triển xấu dẫn đến các bệnh não do rượu.
- Liệu pháp tâm lý: Nhằm mục đích thiết lập các mối quan hệ tin cậy, thông cảm với bệnh nhân, làm cơ sở cho việc điều trị tiếp theo.
Giai đoạn sau loạn thần
Phục hồi chức năng tâm lý xã hội để chống tái nghiện, giúp bệnh nhân tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng. Phối hợp tâm lý, quản lý, lao động nghề nghiệp để có thể chuyển đổi hành vi của bệnh nhân theo chiều hướng tốt./.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận