Phóng to |
Người dân sàng gạo trước khi phơi để ăn dần - Ảnh: K.Trà |
Từ thông tin bạn đọc cung cấp, phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm một số bác sĩ quan tâm đến bệnh “viêm da lạ” ở Quảng Ngãi để nhờ kiểm chứng thông tin. Bác sĩ Bùi Đắc Chí - nguyên giảng viên bộ môn phôi - di truyền Đại học Y dược TP.HCM, hiện là bác sĩ của Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic - và bác sĩ Lê Đức Thọ - trưởng khoa da liễu Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ - đã đề xuất hướng chẩn đoán mới về bệnh này.
Trùng khớp nhiều yếu tố
Theo bác sĩ Lê Đức Thọ, dù chưa được trực tiếp thăm khám bệnh nhân ở Quảng Ngãi nhưng bác sĩ Bùi Đắc Chí và ông đều nghi ngờ bệnh “viêm da lạ” ở Quảng Ngãi là bệnh Yaws. Có thể những kết quả suy luận này không hoàn toàn chính xác, nhưng y khoa là một khoa học thực nghiệm nên các ông mạnh dạn đề xuất góp phần chẩn đoán phân biệt nguyên nhân gây ra bệnh “viêm da lạ” tại Quảng Ngãi trong hai năm nay.
Yaws là bệnh do xoắn khuẩn Treponema pertenue gây ra. Xoắn khuẩn Treponema pertenue có thể tồn tại ở nhiều môi trường khác nhau là đất, nước, các vùng đầm lầy; xuất hiện nhiều vào mùa mưa, đặc biệt hiện diện rất nhiều ở các sang thương ghẻ cóc thời kỳ 1 và 2. Đây là thời kỳ lây lan chính của bệnh Yaws. Yaws không xuất hiện ở các trung tâm đô thị, không lây truyền qua đường tình dục và không phải bệnh bẩm sinh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng 75% bệnh nhân là trẻ em dưới 15 tuổi và nhiều nhất ở nhóm trẻ 6-10 tuổi. Tại VN, theo y văn, Yaws thường xuất hiện ở các tỉnh ven biển miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi với đầy đủ yếu tố dịch tễ: bệnh gia tăng theo mùa, có chu kỳ, đặc biệt là vào mùa mưa, khí hậu nóng, độ ẩm cao, điều kiện vệ sinh môi trường không tốt, thiếu sự giám sát y tế...
Đặc biệt, về triệu chứng lâm sàng, triệu chứng quan trọng nhất để nghĩ bệnh “viêm da lạ” là bệnh Yaws là các bệnh nhân ở Quảng Ngãi đều có tổn thương tiêu hủy mô mềm (biểu hiện trên da), sụn và xương khớp. Đây là một căn bệnh mãn tính tái phát có thể kéo dài trong nhiều năm.
Về việc xét nghiệm cho thấy nhiều bệnh nhân bị “viêm da lạ” có men gan tăng cao, bị suy tổn nhiều cơ quan nội tạng như gan, thận trước khi tử vong. Bác sĩ Chí cho biết tuy nhiều bệnh nhân bị “viêm da lạ” ở Quảng Ngãi khi xét nghiệm thấy có tình trạng men gan tăng nhưng các trường hợp “viêm da lạ” mới phát hiện tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi trong tháng 2-2013 có chỉ số men gan không tăng. Chưa kể, việc bệnh nhân có men gan tăng có thể do bệnh nhân đã có nền viêm gan sẵn (VN có tỉ lệ mắc viêm gan B rất cao).
Chích một liều kháng sinh
Yaws được phân thành bốn thời kỳ bệnh. Thời kỳ 1: tổn thương ban đầu phát triển tại vị trí lây nhiễm, thời kỳ 2: xoắn khuẩn phát tán rộng rãi ở nhiều tổn thương da tương tự như trong tổn thương Yaws ban đầu, thời kỳ 3: thường không có triệu chứng nhưng tổn thương da có thể tái phát, thời kỳ 4: là giai đoạn muộn, tổn thương xương, khớp và biến dạng mô mềm có thể xảy ra. Cần lưu ý, các tổn thương da là biểu hiện đặc trưng của bệnh Yaws thời kỳ 1 và 2 hay giai đoạn sớm, bệnh rất dễ lây. Ở thời kỳ muộn hay thời kỳ 3: có tổn thương tiêu hủy mô mềm, sụn, xương khớp nhưng bệnh không còn lây lan. Yaws chỉ gây tàn phế, hiếm khi gây tử vong cho người bệnh. Về điều trị, bác sĩ Chí và bác sĩ Thọ cho biết phác đồ của WHO hướng dẫn chỉ cần tiêm bắp một liều duy nhất 50.000 đơn vị benzathine benzylpenicillin/kg, các tổn thương ban đầu sẽ sạch khuẩn sau 24 giờ và lành trong vòng 1-2 tuần. Trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với penicillin có thể thay thế bằng tetracycline, erythromycin.
Nếu không được điều trị, Yaws có thể trở thành một bệnh mãn tính, tái phát bệnh sau 5-15 năm với tổn thương da, xương, khớp. Ở hầu hết bệnh nhân, khi Yaws còn giới hạn ngoài da thì tổn thương tiêu hủy sớm xương khớp đã có thể xảy ra. Mặc dù các tổn thương Yaws có thể biến mất tự nhiên nhưng tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát và thành sẹo là những biến chứng thường gặp.
Bệnh “lạ” do gạo cũ: không thuyết phục Ông Lê Hàn Phong - chủ tịch UBND huyện Ba Tơ - cho biết hiện đã cho lực lượng tổ chức mua hết gạo bà con đang sử dụng, cấp đổi hết gạo cũ để xem tình hình có chuyển biến hay không. Tại buổi họp UBND tỉnh chiều 16-3, ông thẳng thắn kết luận của Bộ Y tế cho rằng gạo là nguyên nhân gây bệnh, tin vậy thôi chứ quan điểm của huyện là không đồng tình. Ông nói nếu do gạo thì không chỉ Ba Tơ, Sơn Hà bị mắc bệnh mà cả sáu huyện miền núi đều bị hết, bởi dân sử dụng gạo và bảo quản giống nhau. Còn ông Phạm Viết Nho, bí thư Huyện ủy Ba Tơ, khẳng định người dân không hề sử dụng gạo mốc. “Nếu cho là gạo mốc, gạo ủ thì không phải người dân ở xã Ba Điền, Ba Vinh bị mà toàn huyện bị hết, tôi cũng bị nữa” - ông Nho bày tỏ. Theo ông Nho, Bộ Y tế nói đã đẩy lùi bệnh “lạ”nhưng người dân vẫn lo lắng, bức xúc. “Dân phản ảnh, ngành y tế nói đi khám bệnh thì họ đi chứ đi lấy máu thì họ không đi, lấy máu nhiều quá sợ hết máu. Lấy máu hoài mà không có hiệu quả, bệnh vẫn tái phát”, ông Nho kể. Ông Phạm Văn Néo - phó chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, người theo dõi sát bệnh “lạ” - cho rằng kết luận nguyên nhân từ gạo là “không thuyết phục”. Ngành chức năng cứ nói do gạo, sao họ không xem lại bệnh phát triển theo chu kỳ, việc phun hóa chất có diệt được côn trùng hay không. Không chỉ cán bộ, nhiều người dân xã Ba Điền (huyện Ba Tơ) cũng tỏ ra không tin vào nguyên nhân bệnh do gạo. Bà Phạm Thị Xu (vợ ông Phạm Văn Tiến, bị bệnh “lạ” đang điều trị tại Trung tâm Y tế Ba Tơ), nói từ xưa giờ gia đình vẫn ăn gạo cũ nhưng không bị bệnh. Đầu năm 2012 ông Tiến bị bệnh, đi chữa thì bệnh hết. Sau đó gia đình ăn gạo được cấp nhưng giờ ông Tiến tái phát, thế là tại sao, bà Tiến hỏi. Gia đình có năm người, cùng ăn một loại gạo nhưng tại sao mỗi ông Tiến lại mắc bệnh! |
Bộ Y tế: đã loại trừ bệnh Yaws Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng nguyên nhân gây bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi có thể do xoắn khuẩn Treponema pertenue đã được loại trừ ngay từ đầu. Theo Cục Y tế dự phòng, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân bệnh “lạ” đã được gửi tầm soát tại ngân hàng gen Nhật Bản chứa tất cả các mẫu vi khuẩn, virút đã được xác định trên thế giới, và đã loại trừ vì không trùng lắp với các vi khuẩn, virút đã có, trong đó có cả xoắn khuẩn Treponema pertenue. Cục Y tế dự phòng cũng cho rằng cho đến nay Bộ Y tế vẫn xác định: căn nguyên gây bệnh “lạ” viêm da dày sừng lòng bàn tay bàn chân ở một số xã của hai huyện Ba Tơ và Sơn Hà (Quảng Ngãi) là do nhiễm độc tố vi nấm, trong đó chủ yếu là aflatoxin do ăn gạo cũ bị mốc trên cơ địa người thiếu vi chất dinh dưỡng. Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc mẫu bệnh phẩm bệnh “lạ” ở Quảng Ngãi đã được Cục Y tế dự phòng trả lời có kết quả xét nghiệm âm tính với xoắn khuẩn Treponema pertenue, bác sĩ Bùi Đắc Chí nói ông vẫn nghĩ nhiều đến nguyên nhân này vì xét nghiệm vài mẫu cho kết quả âm tính thì chưa thể khẳng định. Chưa kể nếu lấy bệnh phẩm ở giai đoạn sớm cũng có thể cho kết quả âm tính. Theo bác sĩ Chí, về yếu tố dịch tễ để chẩn đoán một bệnh có khi phải thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm hàng trăm ca. Nếu kết quả có 30 ca dương tính với bệnh Yaws là có thể khẳng định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận