01/11/2018 16:48 GMT+7

Bệnh Kawasaki ở trẻ em

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Bệnh Kawasaki là tình trạng sưng viêm của các mạch máu nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim.

Bệnh Kawasaki ở trẻ em - Ảnh 1.

Các triệu chứng của bệnh Kawasaki. Nguồn: cosmeticstutor.org

Bệnh Kawasaki thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện trên toàn thế giới nhưng các chủng tộc người châu Á có tần suất cao hơn. Mỗi năm tại Mỹ có khoảng 3.000 trường hợp, ở Nhật Bản là 4.500 ca bệnh. Ở Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh. Vậy bệnh Kawasaki là gì và nó nguy hiểm như thế nào?

Bệnh Kawasaki là tình trạng sưng viêm của các mạch máu nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim.

Bệnh Kawasaki thường gây ra các triệu chứng sau:

- Sốt kéo dài trên 5 ngày;

- Kết mạc mắt sung huyết, đỏ;

- Môi, miệng, lưỡi sưng đỏ;

- Bàn tay và bàn chân xuất hiện ban đỏ;

- Phát ban trên cơ thể;

- Sưng hạch bạch huyết ở cổ.

Bệnh Kawasaki thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi nhưng trẻ lớn hơn vẫn có khả năng mắc bệnh. Hiện nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ, cũng không có xét nghiệm đặc hiệu nào để chẩn đoán căn bệnh này.

Kawasaki không phải là một bệnh lây. Nó không thể lây từ trẻ này sang trẻ khác. Cũng rất hiếm trường hợp cả 2 trẻ trong một gia đình cùng mắc bệnh Kawasaki.

Bệnh Kawasaki có thể gây tổn thương tim mạch

Bệnh Kawasaki, được đặt tên theo bác sĩ đầu tiên xác định được nó, là căn bệnh gây viêm trong thành mạch của các động mạch nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm các động mạch vành, cung cấp máu cho cơ tim. Kawasaki còn được gọi là hội chứng da niêm mạc (mucocutaneous) hạch bạch huyết vì nó cũng ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết, da và màng nhầy bên trong mũi, miệng và cổ họng.

Nếu không được điều trị, cứ 5 trẻ mắc bệnh Kawasaki sẽ có 1 trẻ bị các tổn thương mạch vành. Đối với hầu hết trẻ mắc bệnh, tổn thương này thường nhỏ và không kéo dài. Tuy nhiên ở một số trẻ, tổn thương có thể tồn tại cho tới khi trẻ trưởng thành, khiến cho thành động mạch vành trở nên yếu và hình thành túi phình động mạch. Các túi phình động mạch này rất nguy hiểm, chúng có thể cản trở máu chảy tới các cơ tim.

Điều trị

Trẻ mắc bệnh Kawasaki cần được điều trị tại bệnh viện. Tại đây, trẻ sẽ được sử dụng các thuốc để ngăn ngừa những tổn thương tại động mạch vành, bao gồm các globulin miễn dịch đường tiêm (IVIG) và aspirin (ASA).

Nếu được điều trị, bệnh thường diến biến tốt hơn. Một số trẻ sẽ cần phải điều trị lần hai với IVIG hay những loại thuốc khác.

Globulin miễn dịch

Globulin miễn dịch được truyền tĩnh mạch cho trẻ để giảm tình trạng viêm, sưng đỏ của các mạch máu trong cơ thể. Ngoài ra, nó còn có thể giúp hạ sốt và giảm phát ban; giúp phòng ngừa các vấn đề về tim mạch.

Aspirin

Aspirin ban đầu được sử dụng cho trẻ bằng đường uống 4 lần/ngày. Ở liều cao, aspirin có thể giúp giảm đau, hạ sốt, chống viêm và phòng ngừa tắc động mạch vành.

Các xét nghiệm khác

Trẻ có thể cần phải thực hiện điện tâm đồ để kiểm tra hoạt động của tim và theo dõi nếu như có bất cứ thay đổi nào tại động mạch vành.

Tiên lượng bệnh

Hầu hết trẻ mắc bệnh có thể xuất viện sau một vài ngày điều trị. Thường thì loại thuốc duy nhất bạn cần phải cho trẻ uống tại nhà là aspirin, 1 lần/ngày kéo dài tới khoảng 6 tuần. Bạn cũng vẫn phải đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa, để tái khám, theo dõi định kỳ, bởi có thể bệnh sẽ tái phát, nhưng một số trường hợp bệnh diễn tiến âm thầm, mà người nhà của trẻ không hề hay biết. Đối với những trường hợp bệnh gây biến chứng, thì phải được theo dõi mạch vành, sử dụng thuốc chống đông máu, phải được chụp mạch vành để theo dõi theo sự chỉ định của bác sĩ.

Trẻ vẫn có thể tiếp tục tập luyện thể thao và ăn uống bình thường

Mặc dù sau điều trị những trẻ mắc bệnh Kawasaki có thể có điện tâm đồ bình thường, nhưng chúng ta vẫn chưa thể biết được liệu trẻ có gặp phải bất kỳ vấn đề nào về tim mạch khi trưởng thành hay không. Tuy nhiên, duy trì một lối sống lành mạnh là vô cùng quan trọng, đặc biệt là với trẻ đã mắc bệnh:

- Tăng cường ăn những thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho tim mạch;

- Tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, tập luyện thể dục thể thao;

- Hạn chế các yếu tố nguy cơ có thể gây bệnh tim mạch như hút thuốc lá.

Các vấn đề cha mẹ cần lưu ý

Sau khi được điều trị bằng globulin miễn dịch, trẻ nên đợi ít nhất là 9 tháng rồi mới nên tiêm vaccine. Tiêm vaccine quá sớm sau điều trị thường sẽ làm giảm hiệu lực của vaccine. Trẻ vẫn có thể sử dụng vaccine cúm như bình thường.

Nếu trẻ đang sử dụng aspirin thì cần đặc biệt lưu ý nếu trẻ mắc bệnh thủy đậu. Sử dụng aspirin khi đang mắc thủy đậu có thể gây ra hội chứng Reye rất nguy hiểm. Trong trường hợp trẻ đang sử dụng aspirin mà có tiếp xúc với người bệnh hoặc đã bị mắc bệnh thủy đậu, cần thông báo cho bác sĩ ngay.

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên