14/05/2019 15:16 GMT+7

Bệnh hô hấp liên quan đến nghề nghiệp

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Bạn có thể có nguy cơ bị bệnh phổi liên quan đến công việc nếu không khí mà bạn hít thở tại nơi làm việc chứa quá nhiều bụi, khói, khí gas,…

Bệnh hô hấp liên quan đến nghề nghiệp - Ảnh 1.

Luôn mang mặt nạ phòng độc khi làm việc trong môi trường bụi. Ảnh: safetyglassesusa.com

Bạn có thể có nguy cơ bị bệnh phổi liên quan đến công việc nếu không khí mà bạn hít thở tại nơi làm việc chứa quá nhiều bụi, khói, khí gas, hơi hoặc sương mù. Công nhân hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh phổi lớn hơn nếu họ phải thường tiếp xúc với các chất có hại cho phổi tại nơi làm việc. Khu vực làm việc kín hoặc thông gió kém và nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ô nhiễm không khí bên ngoài cũng có thể làm tăng nguy cơ bệnh phổi ở người làm công việc có tiếp xúc với những chất hại phổi.

Những chất có thể gây ra bệnh phổi tại nơi làm việc

Tại nơi làm việc, nhiều chất có thể gây ra các vấn đề về hô hấp hoặc tổn thương phổi. Một trong số đó bao gồm:

- Bụi từ những thứ như gỗ, bông, than, silic, amiăng (asbestos) và đá tan (talc). Bụi từ các loại hạt ngũ cốc, bột cà phê, thuốc trừ sâu, thuốc bột hoặc men, kim loại và sợi thủy tinh cũng có thể làm tổn thương phổi.

- Hơi từ kim loại được nung nóng và làm lạnh nhanh chóng. Quá trình này tạo ra những hạt rắn li ti trong không khí. Những công việc có liên quan bao gồm hàn, nung chảy, luyện kim, làm gốm, sản xuất nhựa và cao su.

- Khói từ các chất hữu cơ đang cháy. Khói có thể chứa nhiều hạt, khí và hơi, tùy thuộc vào chất đang bị đốt cháy. Nhân viên cứu hỏa thường có nguy cơ cao.

- Khí như formaldehyde, ammonia, chlorine, sulfur dioxide, ozone và nitrogen oxides. Chúng thường xuất hiện ở những công việc có phản ứng hóa học xảy ra hoặc dùng nhiệt độ cao, ví dụ như hàn, luyện kim, sấy khô.

- Hơi bốc lên từ các dung môi có thể gây kích ứng mũi và họng trước khi ảnh hưởng đến phổi.

- Sương mù hoặc thuốc xịt từ sơn, sơn mài (như dầu bóng), keo xịt tóc, thuốc trừ sâu, sản phẩm tẩy rửa, axit, dầu và các dung môi (như nhựa thông).

Những vấn đề hô hấp thường gặp sau khi tiếp xúc với các chất ô nhiễm cho phổi

Một số chất có thể kích thích đường đường hô hấp trên hoặc gây ra những triệu chứng như cảm lạnh, chẳng hạn như chảy nước mũi và rát cổ họng.

Nhiễm virus và dị ứng thường có triệu chứng tương tự nhau. Bạn nên nghi ngờ những căn bệnh liên quan đến công việc nếu mũi và cổ họng thường bị kích thích và việc khó thở thường xảy ra tại nơi làm việc. Hít những chất có hại tại nơi làm việc vào người cũng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm phế quản, bị các triệu chứng giống bệnh cúm, hen suyễn hay bệnh khí phế thủng (emphysema).

Viêm phế quản

Một người bị viêm phế quản thường ho dai dẳng kèm chất nhầy hoặc đờm từ 3 tháng đến một năm. Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm phế quản, nhưng những chất độc hại tại nơi làm việc cũng có thể tham gia gây bệnh.

Cúm

Nếu nhận thấy rằng bạn thường có vẻ như bị cúm, hãy nghĩ tới những thứ bạn đang tiếp xúc tại nơi làm việc. Sau đây là một số bệnh phổi liên quan đến công việc có thể làm bạn cảm thấy như bị cúm:

- Viêm phế nang dị ứng (thường gặp ở nông dân) có thể xảy ra sau khi tiếp xúc với nhiều cỏ khô bị mốc.

- Sốt hơi kim loại có thể xảy ra do hít phải hơi kim loại, chẳng hạn như trong khi hàn và luyện kim.

- Sốt khói polymer có thể xảy ra sau khi hít phải khói polyme, chẳng hạn như Teflon.

Người lao động ở trong các tình trạng trên thường khó thở, sốt, ho, đau nhức cơ bắp và mệt mỏi toàn thân từ 4 đến 6 giờ sau khi phơi nhiễm. Nếu những triệu chứng này xảy ra một cách lặp lại ở nơi làm việc, chúng là những bằng chứng cho thấy bệnh của bạn có thể liên quan đến nghề nghiệp.

Hen suyễn

Nếu bạn bị bệnh hen suyễn lần đầu tiên khi đã trưởng thành, bệnh có thể liên quan đến những thứ bạn tiếp xúc tại nơi làm việc. Triệu chứng của hen suyễn bao gồm thở khò khè, tức ngực, ho khô liên tục hoặc khó thở.

Bệnh khí phế thủng

Khí phế thủng thường xảy ra ở người lớn tuổi hút thuốc lá. Tuy nhiên, những người đã từng làm việc với bụi than, amiăng hoặc silic trên 20 năm cũng có thể mắc bệnh khí phế thủng. Họ có thể bị ho, mệt mỏi, đau thắt ngực và khó thở.

Làm gì khi nghi ngờ không khí tại nơi làm việc ô nhiễm?

Hãy đi bác sĩ nếu bạn nghĩ rằng không khí tại nơi làm việc làm cho mình bị bệnh. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn cung cấp một số thông tin sau đây:

- Triệu chứng xuất hiện lần đầu tiên khi nào?

- Triệu chứng xuất hiện có thường xuyên không?

- Triệu chứng tồi tệ hơn vào khoảng thời gian nào trong ngày?

- Bạn có cảm thấy tốt hơn vào một số ngày khác không?

- Bạn nghĩ các triệu chứng của mình liên quan đến công việc ra sao?

- Bạn tiếp xúc với những loại vật liệu nào tại nơi làm việc?

Sẽ rất hữu ích nếu bạn ghi lại những điều trên để chia sẻ với bác sĩ. Làm một bảng thời gian ghi rõ ngày giờ làm việc và nghỉ việc. Cố gắng nhớ lại nội dung công việc trước đây, sở thích và thói quen hút thuốc - bất cứ điều gì có thể đã ảnh hưởng đến chức năng phổi. Nếu bác sĩ gửi cho bạn một bảng hỏi về bệnh sử nghề nghiệp, hãy điền vào đó càng đầy đủ càng tốt.

Việc để bác sĩ biết tất cả những thành phần liệt kê trên các thùng chứa vật liệu mà bạn sử dụng tại nơi làm việc là rất hữu ích. Lập danh sách những thành phần đó và ghi lại những lưu ý phòng ngừa và sơ cứu ban đầu được in trên nhãn mác.

Yêu cầu người quản lý lao động cho bạn bản sao (copy) của bảng an toàn vật liệu (Material Safety Data Sheet - MSDS) tại nơi làm việc. Đây là những thông tin về các chất liệu mà bạn sử dụng tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động phải lập bảng MSDS theo quy định của pháp luật và bạn có quyền xem chúng. Hãy mang chúng theo khi đi gặp bác sĩ.

Giữ phổi khỏi hư hại bởi những thứ tiếp xúc tại nơi làm việc

Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc. Đây là điều quan trọng nhất bạn có thể làm vì sức khỏe của mình, bất kể bạn đang làm việc gì. Người hút thuốc có nguy cơ mắc một số bệnh phổi liên quan đến công việc cao hơn so với người không hút thuốc.

Sử dụng mặt nạ phòng độc. Mặt nạ là thiết bị đeo trên miệng và mũi để làm sạch không khí trước khi hít vào phổi. Bạn phải đeo mặt nạ vừa vặn và được học để sử dụng đúng cách. Sau một thời gian, bạn cần được tái huấn luyện và chỉnh lại mặt nạ để vừa hơn. Mặt nạ phải được làm sạch cẩn thận sau mỗi lần sử dụng và phải được kiểm tra để đảm bảo rằng nó hoạt động tốt. Sử dụng mặt nạ như một biện pháp tạm thời cho đến khi bạn không còn phải tiếp xúc với các chất gây hại.

Nếu bạn đang tiếp xúc với các chất độc hại tại nơi làm việc, hãy nói chuyện với cấp trên về nhu cầu thông gió đầy đủ và các biện pháp mới làm giảm thiểu hoặc loại bỏ sự tiếp xúc với chất độc. Một sự thay đổi trong thành phần, cách thức làm việc hoặc máy móc có thể làm giảm những nguy hiểm trong không khí. Hệ thống thông gió có thể loại bỏ các chất ô nhiễm và chất độc từ không khí để giảm phơi nhiễm và ngăn chặn sự tích tụ chất độc trong cơ thể. Hệ thống thông gió tại chỗ có thể được sử dụng để loại bỏ không khí ô nhiễm tại nơi nó được sinh ra trong quy trình độc hại hoặc trong máy móc. Ở một số công việc, con người có thể được cách ly khỏi những vật liệu nguy hiểm.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên