25/08/2019 20:18 GMT+7

Bệnh hiếm: không thể nghe được giọng nói đàn ông

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Nhật báo Daily Mail gọi tên bệnh nhân này là 'bà Chen', sống tại TP Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, phía đông - nam Trung Quốc. Bà là một bệnh nhân đặc biệt của ngành tai-mũi-họng.

Bệnh hiếm: không thể nghe được giọng nói đàn ông - Ảnh 1.

Theo nhận định của bác sĩ, trường hợp mất thính lực âm trầm của bà Chen có thể do stress - Ảnh: ASIA WIRE

Một lần khi đi ngủ, bà Chen cảm thấy buồn nôn, ù tai và nghĩ chỉ cần cố gắng ngủ ngon một đêm sẽ khỏe lại. 

Tuy nhiên, sáng hôm sau khi thức dậy, bà bị sốc khi nhận ra mình "bị điếc" và không nghe được chồng mình nói gì nữa.

Được đưa đi cấp cứu ngay sau đó, bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng chẩn đoán bà bị một căn bệnh hiếm được gọi là "mất thính lực ngược". Bởi thông thường khi càng lớn tuổi, tai có xu hướng giảm khả năng bắt sóng âm có âm vực cao, còn trường hợp bà Chen thì ngược lại.

Nữ bác sĩ Lin Xiaoqing, người chữa trị cho bà Chen, cho biết: "Khi tôi nói, bà Chen nghe được tất cả, nhưng khi có một nam giới bước vào trò chuyện thì bà hoàn toàn không nghe được".

Bệnh hiếm: không thể nghe được giọng nói đàn ông - Ảnh 2.

Bác sĩ tai-mũi-họng Lin Xiaoqing khám cho bà Chen - Ảnh: ASIA WIRE

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, trường hợp nói trên chỉ xảy ra với tỉ lệ 1/13.000 người và do đó rất khó chẩn đoán, vì cả bệnh nhân lẫn bác sĩ đều không biết có căn bệnh này hiện hữu.

Lấy ví dụ, có một số người chỉ có thể nghe được những âm thanh trầm như tiếng rù rì đều đều của máy điều hòa trong phòng, nhưng cũng không ảnh hưởng sinh hoạt hằng ngày của họ. Nhưng "ngược" như bà Chen thì cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn.

Bác sĩ Xiaoqing cho rằng mất thính lực ngược như vậy có thể do stress, vì bà Chen cho biết bà thường bị mệt mỏi do làm việc nhiều quá nhiều, đồng thời bị mất ngủ thường xuyên. Tuy nhiên, bác sĩ không xác định chắc chắn nguyên nhân này. 

Từ trước đến giờ bà không gặp vấn đề bệnh lý nào về thính giác, nên bác sĩ hi vọng bệnh của bà tuy hiếm nhưng có khả năng hồi phục thính lực hoàn toàn. 

Hiện bà Chen và chồng chỉ có thể "nói chuyện" với nhau qua tin nhắn điện thoại hoặc ra dấu bằng tay. Bà phải đeo máy trợ thính.

Năm 2012, một sinh viên Đại học Lorraine (Pháp) đã thực hiện một nghiên cứu về căn bệnh này, theo đó nguyên nhân chính có thể do bệnh Menière và đột biến gen.

Bệnh Menière làm tổn thương phần tai giữa, gây ù tai, chóng mặt và rối loạn thính giác. Còn đột biến di truyền thì xảy ra ở hai gen DIAPH1 và WFS1, trong đó đột biến gen WFS1 là nguyên nhân của hội chứng Wolfram là một bệnh thoái hóa thần kinh gây ra tiểu đường, mất thính lực âm thanh trầm và teo thần kinh thị giác.

Viện Nghiên cứu Kresge Hearing thuộc Đại học Michigan của Mỹ giải thích căn bệnh này cũng có thể do một dị dạng ốc tai được gọi là dị sản Mondini (Mondini dysplasia), một hiện tượng đột nhiên mất khả năng thính giác do nhiễm virút, suy thận hoặc sau khi gây tê cột sống.

Bệnh kỳ lạ: hễ ăn vào là ói! Bệnh kỳ lạ: hễ ăn vào là ói!

TTO - Cậu bé Cohen Bramlee được chẩn đoán là bị đột biến gen có liên quan đến hệ miễn dịch. Bác sĩ đã phải mất 5 năm mới chẩn đoán được bệnh. Và đây cũng là lần đầu tiên một "căn bệnh không tên" đã được chẩn đoán và tìm ra phác đồ điều trị.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên