Từ tuổi 40 trở lên bạn cũng nên khám mắt định kỳ, Ảnh: dobrebadanie.pl
Glôcôm là bệnh tăng nhãn áp do sự lưu thông dịch trong mắt bị cản trở. Bệnh có hai thể cấp tính và mạn tính, trong đó thể mạn tính gặp nhiều hơn và có tính di truyền. Nếu không điều trị kịp thời hoặc không được theo dõi tốt sau điều trị, bệnh có thể dẫn đến mù lòa.
Các biểu hiện của bệnh
- Mờ mắt, mỏi mắt là dấu hiệu hay gặp. Có khi trong nhiều năm người bệnh chỉ mỏi mắt nhẹ khi làm việc nhiều, vì thế nên dấu hiệu này thường bị bỏ qua. Có khi bệnh nhân thấy mờ mắt đột ngột, lóa mắt, nhìn đèn thấy quầng xanh đỏ, buồn nôn. Nặng hơn thấy mắt mờ nhanh, cảm giác nhìn thấy những quầng tối có nhiều màu, đau và chảy nước mắt, mắt đỏ, hoàn toàn không nhìn thấy gì.
- Tầm nhìn bị thu hẹp lại, khó nhìn ra xa.
- Đau đầu, đau dữ dội từng cơn, đau lan tỏa khắp nửa đầu.
- Buồn nôn và nôn.
- Sờ tay vào mắt thấy căng tức, đo nhãn áp thấy nhãn áp tăng cao.
Những người có khả năng mắc bệnh cao
- Người từ 35 tuổi trở lên (bệnh cũng có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh gọi là thiên đầu thống bẩm sinh).
- Những người đang mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, đục thủy tinh thể quá chín, viêm màng bồ đào, chấn thương mắt... đều có thể biến chứng thành glôcôm.
- Những người dùng thuốc corticoid để nhỏ mắt hoặc bôi toàn thân trong thời gian dài.
- Những người mà trong gia đình có bố mẹ, anh, chị em ruột mắc bệnh glôcôm.
Biến chứng
Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, người bệnh sẽ bị mù lòa do nhãn áp cao gây áp lực lên các mạch máu hắc võng mạc làm tế bào thị giác và dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Trong cơn glôcôm cấp, nhãn áp tăng cao đến 35-40mmHg hoặc hơn nữa, nếu trong vòng 48 giờ không có thuốc hạ nhãn áp tạm thời, thị lực sẽ không thể phục hồi dù sau đó bệnh nhân có được phẫu thuật mắt.
Điều trị
Điều trị nội khoa khi nhãn áp của bệnh nhân có thể điều chỉnh xuống mức bình thường. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt và thuốc uống hạ nhãn áp dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị bằng phẫu thuật khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả và với những bệnh nhân chống chỉ định dùng thuốc (là những bệnh nhân bị bệnh tim mạch, huyết áp, hen phế quản…). Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau tùy theo từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Sau phẫu thuật, nhãn áp điều chỉnh tốt và bền, chức năng thị giác được duy trì tốt. Hiện nay, một số phương pháp phẫu thuật làm giảm nhãn áp đã có thể được thực hiện tại các khoa mắt tuyến tỉnh.
Phát hiện sớm bệnh glôcôm
Bệnh có thể biểu hiện với các triệu chứng rầm rộ nhưng lại cũng có thể chỉ là những triệu chứng âm thầm, không gây chú ý. Vì vậy, nếu bạn ở tuổi trên 35, thấy mắt có các dấu hiệu nghi ngờ (nhức mỏi, nhìn mờ) thì nên đi khám mắt ngay để được đo nhãn áp. Nếu không có dấu hiệu gì thì từ tuổi 40 trở lên bạn cũng nên đo nhãn áp định kỳ 3-6 tháng một lần để xem nhãn áp có cao không, nhất là với những người có khả năng mắc bệnh cao như đã nói ở trên.
Phòng ngừa biến chứng và tái phát sau điều trị
Bệnh có nguy cơ tái phát cao ngay cả sau khi điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Do đó, người bệnh cần thực hiện nghiêm chỉnh việc dùng thuốc và khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ.
Bệnh nhân cần được theo dõi suốt đời bao gồm đo nhãn áp 3-4 tháng/lần, dùng thuốc nhỏ mắt trong cơn cấp, tuân thủ chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp.
Nếu trong gia đình có người mắc bệnh glôcôm thì những người ruột thịt cần làm xét nghiệm để phát hiện bệnh kể cả chưa có bất kỳ triệu chứng nào.
Một số thức ăn bị cho là nguyên nhân gây bệnh cần tránh là: thức ăn giàu tyramine (pho mát, rượu vang đỏ); thức ăn chứa nitrates (thịt xông khói, salami, xúc xích); những thức ăn pha giấm, lên men, ướp muối; những đồ uống có cồn, đồ uống ngọt, trà, cà phê.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận