Họ lúng túng, đỏ mặt và từ hôm sau phải mua tã giấy giống em bé. Có người nhậy hơn nữa, chỉ nghe tiếng mở vòi nước là “són” ra quần. Nhiều chị ngại ngùng không dám nói với bác sĩ để rồi chẳng dám đi chơi xa. Mấy bà già nghe chuyện lại mắng mỏ rằng :tại khi sinh nở không chịu nằm than , phụ nữ sinh xong phần dưới trống như cửa mở, gió lạnh lùa vào ắt sinh bệnh. Bà khác thì bảo :vợ chồng “xán vào với nhau” sớm trước 6 tháng nên bị vậy, ham chi cho lắm để về già khổ.
Gọi là bệnh già cũng chưa đúng vì bệnh “tiểu són” xuất hiện ở 30% phụ nữ trung niên, tỷ lệ này tăng lên đến 50% ở phụ nữ >60 tuổi. Nước Mỹ tự do mà chỉ có 50% đến khai bệnh với bác sĩ, thống kê được tới 13 triệu, còn lại họ cũng tâm tư giống ta, chịu đựng và nhức nhối vì căn bệnh “giống trẻ con” này.
Vậy són tiểu là gì?
Là hiện tượng nước tiểu « hồn nhiên » đi ra ngoài mà không thể kiểm soát được. Ngoài ra tiểu gấp không nhịn được phải « phi » nhanh đến toilet, thậm chí không kịp đóng cửa hay khó nhịn tiểu đến mức liều mạng « đái đường » và đái dầm ở người lớn cũng được xếp chung trong « bảng » són tiểu. Ngoài ra những người đi tiểu nhiều quá 8 lần trong ngày dù không uống nước nhiều, đêm dậy tiểu 2 lần trở lên cũng được « xem xét » và ưu tiên đưa vào trong đội ngũ són tiểu. Như vậy số bị bệnh són tiểu không hẳn là phụ nữ. Nam giới bị phì đại tuyến tiền liệt, bị viêm đường tiểu và tuổi già đều có chung nỗi niềm với các chị.
Tại sao vậy?
Bởi bàng quang có một vị trí gọi là « cổ », nơi đây có hai nhóm cơ là cơ trơn và cơ vân. Cơ vân chịu sự điều hành của vỏ não, nếu bạn định « nín » thì nhóm cơ này sẽ co thít vùng cổ bàng quang làm nước cứ nằm im trong đó, cơ bàng quang buộc phải giãn tối đa để chứa. Còn cơ trơn lại chịu sự điều khiển của dây thần kinh thực vật, mang tính « tự do ». Bởi thế khi bàng quang đầy nước là nhóm cơ này muốn xả, gây phản xạ mắc đi tiểu.
Phụ nữ sinh nở, cơ vùng chậu bị « oanh tạc » dữ dội khi chuyển dạ là tác nhân làm cơ thắt ở cổ bàng quang bị nhão sớm hơn. Những phụ nữ sinh nhiều con, sinh mổ thường bị són tiểu. Đường tiểu của phụ nữ ngắn lại là « hàng xóm » của âm hộ, hậu môn nên vi khuẩn dễ qua lại gây nhiễm trùng tiểu. Hội chứng « hậu tân hôn » do ông chồng quá « hăng hái » khiến người vơ dễ bị nhiễm trùng . Khi bị nhiễm trùng tiểu bạn thấy tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu ra máu…không chỉ niệu đạo mà toàn bộ bàng quang bị viêm thì nhóm cơ trơn, cơ vân nằm ở cổ bàng quang cũng chịu chung số phận. Có người không điều trị triệt để nên sau đó bị són tiểu.
Són tiểu còn liên quan đến nhiễm lậu cầu trùng. Anh nào « dũng cảm » ra đường « ăn bánh trả tiền » lại không phòng vệ rất dễ nhiễm lậu. Dân mình rất lạ, gặp gái không sợ nhưng gặp bác sĩ để chữa căn bệnh do cô ta « tặng » thì lại ngán. Thế là mua thuốc linh tinh về uống để chịu căn bệnh lậu mãn. Thỉnh thỏang cụng với chiến hữu vài ly về lại thấy tiểu lắt nhắt rồi tiểu són. Với cả hai giới khi lên lão thì cơ chỗ nào cũng rơi vào trạng thái nhão, cơ bàng quang cũng vậy. Chúng ta thấy người già hay đi tiểu ngày, tiểu đêm là thế.
Hậu qủa của són tiểu ?
Nam nữ mắc bệnh tiểu són không gây chết người nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sự tự tin và cuộc sống gia đình của mỗi người. Chỉ riêng chuyện không dám cười, nén ho, sợ hắt hơi, không đi du lịch và phải mặc tã giấy đã làm cho những người són tiểu bấn lọan. Đó là chưa kể đang « yêu » lại bị rỉ nước tiểu ra giường khiến bà vợ mặc cảm, sợ chồng chê.
Giải quyết tận gốc tiểu són?
Nếu mới bị bệnh thì mỗi lần vô toilet nên tập đi cho hết nước tiểu, Yoga có những động tác rèn luyện cơ vùng chậu để khôi phục phản xạ ở cổ bàng quang.
Thuốc chống tiểu són như solifenacin hay darifenacin tác động trực tiếp vào nhóm cơ thắt ở cổ bàng quang, hạn chế són tiểu.
Khi điều trị nội khoa không đỡ thì phương pháp mổ nội soi đặt dải băng propylene quấn quanh niệu đạo sẽ làm điểm tựa cho các cơ thắt đã yếu, phản xạ đi tiểu tự chủ được tái lập. Tuy nhiên phẫu thuật này còn mắc (400 USD).
Một thắc mắc mà các bạn thường hỏi : có phải không nằm than sau khi sinh nên bị són tiểu ? Theo các nhà chuyên môn, nằm than chẳng làm co các cơ tốt hơn mà còn bị ngộ độc khí CO làm ảnh hưởng đến cả em bé mới sinh. Còn vụ làm « chuyện ấy » sớm quá (sau 2 tuần) thì hơi đúng bởi các cơ vùng này đã bị bầm dập lại tiếp tục bị kéo căng ra, trong đó có cơ bàng quang. Tuy vậy theo các nhà niệu khoa thì sinh nhiều con và tuổi tác mới là yếu tố cơ bản gây són tiểu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận